Y tế

Học sinh TP.HCM nhiễm Covid-19 đang tăng cao, có đáng lo?

24/02/2022, 19:49

Theo ngành y tế TP.HCM, số ca nhiễm Covid-19 là học sinh, phụ huynh tăng cao lên tới gần 90%, nhưng không có ca bệnh nặng.

Tại buổi họp báo định kỳ cung cấp thông tin về tình hình dịch Covid-19 tại TP.HCM, chiều 24/2 bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh văn phòng Sở y tế cho biết, số ca nhiễm Covid-19 tại TP.HCM đang tăng cao, trong đó gần 90% học sinh và phụ huynh đều cách ly và điều trị. Tuy nhiên, các ca nhiễm đều ở trạng thái nhẹ, không có ca bệnh nặng.

img

Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh văn phòng Sở y tế TP.HCM

Theo bà Mai, nguyên nhân do chúng ta vừa có kỳ nghỉ lễ Tết nguyên đán kéo dài, và các cấp học quay trở lại lớp học nên rất dễ lây nhiễm. Qua khảo sát của ngành y tế, số ca mắc biến thể mới Omicron đang chiếm ưu thế.

Bà Mai khuyến cáo người dân không cần quá hoang mang.

Bà Mai cho biết thêm, theo đánh giá của ngành y tế tại các cơ sở điều trị số ca nhập viện, thở máy, ca nặng không tăng, ngược lại có xu hướng giảm. Cụ thể, ngày 23/2, không có ca tử vong.

“Hiện độ bao phủ vaccine rất tốt, phấn đấu 80% người dân được tiêm mũi 3 vaccine. Ngoài ra, chiến dịch bảo vệ người có nguy cơ và đang mở rộng thêm các đối tượng. Đây là lý do số ca tử vong tại TP.HCM đang giảm ở mức thấp nhất”, bà Mai nói.

Phóng viên đặt câu hỏi số ca nhiễm Covid-19 học sinh tăng, ngành y tế đã có những phương án ra sao?

Chánh văn phòng Sở y tế cho hay, các cơ sở y tế đã sẵn sàng thu dung, điều trị trẻ em nhiễm Covid-19 với 450 giường bệnh tại 3 bệnh viện nhi, trong đó có 150 giường hồi sức.

“Ngành y tế phối hợp với Sở Giáo dục và đào tạo theo dõi số ca nhiễm hằng ngày để không bị động. Thành phố, tiếp tục mở rộng các bệnh viện nhi và bệnh viện tuyến quận, huyện nếu các trẻ tiếp tục tăng”, bà Mai nói.

Ngoài ra, cung cấp 3 số điện thoại của bệnh viện để phụ huynh học sinh gọi khi cần giải đáp thắc mắc.

Ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) cho biết, nguyên nhân nguồn lây các ca nhiễm Omicron tại TP.HCM trong thời gian qua từ nước ngoài, cụ thể là qua các cửa khẩu tại TP.HCM và trên cả nước.

"Kểm soát Omicron rất khó vì vậy cần chuẩn bị phương án, theo dõi biến chủng này. Tuy nhiên, biến chủng này chưa cho thấy sự nguy hiểm so với chủng Delta trước đây”, ông Tâm nói.

img

Các trường tăng cường kiểm soát dịch

Ông Trịnh Duy Trọng,Trưởng phòng Công tác Chính trị - Tư tưởng, Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM (GD&ĐT) cho biết, ngành giáo dục vẫn tiếp tục triển khai tổ chức dạy học trực tiếp tại các cơ sở giáo dục.

Theo quy định mới về xác định F1, nếu đã tiêm đủ liều vaccine vẫn nghỉ học để theo dõi sức khỏe tại nhà trong 5 ngày. Do đó, số lượng học sinh phải chuyển sang học trực tuyến sẽ biến động thường xuyên. Việc chuyển đổi sẽ phát sinh nhiều khó khăn, ảnh hưởng tới chất lượng học.

“Ngành giáo dục đã có hướng dẫn về chuyên môn để học sinh quay lại học trực tiếp được rà soát, bồi dưỡng kiến thức còn yếu, đảm bảo theo kịp chương trình học”, ông Trọng nói.

Ông Phạm Đức Hải, Phó trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống dịch cho biết, những ngày qua, số ca trẻ em mắc Covid-19 tăng cao. Cụ thể, tuần từ 14/2 đến 21/2, số trẻ nhiễm tăng cao gấp 3 lần so với tuần trước đó.

TP.HCM đã có kế hoạch để chăm sóc trẻ em mắc Covid-19. Cụ thể là thực hiện chiến dịch bảo vệ trẻ em, trong đó ưu tiên bảo vệ trẻ có nguy cơ như béo phì, có bệnh nền…

Theo thống kê ngành y tế thành phố, từ ngày 14 - 22/2 số ca trẻ em mắc Covid-19 tăng gấp 3 lần. Cụ thể, ghi nhận gần 7.000 ca trong trường học, gồm hơn 700 giáo viên và hơn 6.000 học sinh. Trong đó, cấp mầm non gần 400 em, cấp tiểu học hơn 2.000 học sinh, trung học cơ sở là 1.800 học sinh và trung học phổ thông - giáo dục thường xuyên là 1.700 học sinh.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.