Thế giới

Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN sẽ bàn về biển Đông

06/08/2014, 06:39

Vấn đề chủ quyền và căng thẳng trên biển Đông thời gian qua sẽ trở thành chủ đề chính của Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 47 và các hội nghị liên quan tại Myanmar (từ 5 - 10/8/2014).

TIN LIÊN QUAN

 

Tàu Trung Quốc dùng vòi rồng phun nước vào tàu Việt Nam trên biển Đông
Tàu Trung Quốc dùng vòi rồng phun nước vào tàu Việt Nam trên biển Đông


Quyền sử dụng cơ chế luật pháp quốc tế


Hôm qua, ông Daniel Russel - Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề Đông Á-Thái Bình Dương cho biết, các tranh chấp tại biển Đông sẽ được thảo luận trong Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) tại Myanmar vào cuối tuần này.
 

"Nền kinh tế khu vực rất quan trọng và mong manh, do đó bất kỳ quốc gia nào cũng không thể đe dọa dùng vũ lực để gây hấn và cưỡng ép”.

 

Ông Daniel Russel
Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ

Tại diễn đàn này, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry sẽ nêu những quan ngại, chia sẻ quan điểm, tham vấn các nước liên quan và kêu gọi đóng băng các hành động làm gia tăng căng thẳng trên biển Đông.

“Mỹ giữ lập trường trung lập trong vấn đề chủ quyền nhưng không trung lập trong các vấn đề liên quan đến cách hành xử. Điều này có nghĩa là các bên liên quan có nghĩa vụ phải làm rõ đòi hỏi chủ quyền của mình một cách hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế trong đó có UNCLOS”, ông Russel nói. Và các bên đều có quyền sử dụng cơ chế luật pháp quốc tế bao gồm tòa án được thiết lập theo quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS). 

Trước đó, ngày 4/8, tại cuộc gặp với Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh; Thượng nghị sỹ Bob Corker, Thành viên cao cấp, Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ bày tỏ quan ngại và quan tâm đến diễn biến tình hình ở biển Đông gần đây, đặc biệt liên quan đến việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Thượng Nghị sỹ BobCorker và cho rằng mọi tranh chấp về chủ quyền cần phải được giải quyết bằng các biện pháp hòa bình, theo luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước quốc tế về Luật Biển 1982.

Trung Quốc tiếp tục gây hấn


Tuy nhiên, ông Dịch Tiên Lương, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biên giới và Đại dương thuộc Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố nước này có thể xây bất cứ thứ gì mà họ muốn tại các đảo mà họ tuyên bố chủ quyền trên biển Đông, bác bỏ những đề xuất đóng băng làm gia tăng căng thẳng trong khu vực tranh chấp trên biển Đông. Ông này ngang ngược tuyên bố rằng đề nghị đóng băng có thể cản trở nỗ lực soạn thảo Bộ Quy tắc ứng xử tại biển Đông (COC) của Trung Quốc và ASEAN. 


Trong một diễn biến khác, Đài RFI của Pháp dẫn số liệu của cơ quan tư vấn thông tin hàng hải (IHS Maritime) cho biết: Trong 6 tháng đầu năm 2014, số lượng tàu và giàn khoan được các công ty dầu khí Trung Quốc đặt đóng bằng tổng khối lượng 4 năm trước. Trong thời gian tới, số lượng này còn tiếp tục tăng.

Theo IHS Maritime, tổng trọng tải tàu và các giàn khoan lên đến 126.300 tấn, bao gồm nhiều loại tàu phục vụ cho các hoạt động khai thác quy mô ở ngoài khơi, các giàn khoan thăm dò và khai thác dầu khí, các đội tàu nghiên cứu địa chấn, tàu hỗ trợ… Đồng thời, giới chức Bắc Kinh cũng tăng cường đầu tư cho lực lượng tuần duyên thêm 40 tàu (hiện lực lượng tuần duyên có hơn 100 tàu) 15 tàu sẽ được giao trong năm nay.

Bắc Kinh cũng có kế hoạch đóng thêm hai giàn khoan mới, quy mô tương tự giàn khoan Haiyang Shiyou 981 - giàn khoan mà Trung Quốc đã hạ đặt trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam hồi tháng 5 vừa qua.

 

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 47 (AMM-47), các Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao giữa ASEAN với các đối tác (PMC), ASEAN với ba nước Đông Bắc Á lần thứ 15 (APT-15), Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao các nước tham gia Cấp cao Đông Á lần thứ 4 (EAS FMM-4) và Diễn đàn Khu vực ASEAN lần thứ 21 (ARF-21). Trước đó, sẽ diễn ra các Hội nghị trù bị quan chức cao cấp ASEAN (ASEAN SOM) để chuẩn bị cho các Hội nghị cấp Bộ trưởng Ngoại giao.  


Đây là Hội nghị cấp Bộ trưởng Ngoại giao quan trọng nhất trong năm của ASEAN và giữa ASEAN với các đối tác. Tham dự có Bộ trưởng Ngoại giao của 27 nước (10 nước ASEAN và 17 đối tác ngoài ASEAN). 

 

Thanh Huyền
 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.