Xã hội

Hội "thăng quan" rất đông, "hội thề tham nhũng" thì không ai thèm

05/03/2015, 10:31

Lễ hội khai ấn cầu thăng quan tiến chức có rất nhiều quan chức dự, trong khi hội Minh thề lại không thấy ai.

31
Một nghi thức trong lễ hội Minh thề

Được xem như “Hội thề chống tham nhũng” nên người dân luôn ngóng trông lễ hội Minh thề (tại Đền thờ Thái hoàng Thái hậu, thôn Hòa Liễu, Thuận Thiên, Kiến Thụy, Hải Phòng), hàng năm sẽ xuất hiện các vị “quan lớn” đến hành lễ. 

Bình luận về tính chất của hội Minh thề, PGS.TS Ngô Đức Thịnh, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và bảo tồn văn hóa tín ngưỡng Việt Nam tỏ ra băn khoăn: “Tôi lấy làm lạ rằng, tại sao ở vùng nông thôn hẻo lánh như vậy lại có hội thề không tham nhũng, vì đáng ra, thề không tham nhũng chỉ nên dành cho những người có chức, có quyền. Nhiều người đặt câu hỏi rằng, liệu có phải một bộ phận quan chức hiện nay “tâm không trong sáng” nên không dám thề hay không? Tôi thấy, điều này không phải là không có lý. Với một lễ hội thề không tham nhũng mà người ta không thấy hình ảnh quan đến thề, chỉ thấy dân thề thì đúng là nghịch lý. Bởi dân có gì để tham nhũng mà thề?”.

Ở một góc nhìn khác, GS Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội lại cho rằng: “Nhiều người cứ thắc mắc tại sao lễ hội thề không tham nhũng mà không thấy “quan lớn” đứng ra thề, chỉ thấy dân, nhưng tôi thấy không có gì là khó hiểu cả. Bởi đây là hội làng thì phải do làng tổ chức, người đứng đầu của làng đó đứng ra là hoàn toàn phù hợp. Ví dụ ở làng thì thề trước thành hoàng của làng, nhưng nếu như một quan chức cấp huyện thì làm sao có thể thề trước thành hoàng của làng đó được?”.

Tuy nhiên, ông Thi cũng băn khoăn khi so sánh hội Minh thề ở Hải Phòng với lễ hội đền Trần ở Nam Định. Khi lễ hội khai ấn mang ý nghĩa cầu sự thăng quan tiến chức có rất nhiều quan chức tham dự, thì hội Minh thề với ý nghĩa thề không tham nhũng lại không thấy ai.

"Có thể lễ hội Minh thề xét cho cùng cũng vẫn chỉ là lễ hội được tổ chức trong quy mô của làng, nên dù ý nghĩa của nó là hoàn toàn tốt đẹp, nhưng vẫn chưa có nhiều người tham gia", ông Thi lý giải.

Đồng tình, ông Vũ Quốc Hùng (Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra T.Ư) cho rằng cán bộ địa phương nên tham dự lễ hội Minh thề.

“Đối với lễ hội, theo tôi không nên câu nệ vấn đề quan hay dân, bởi “quan nhất thời, dân vạn đại”, điều quan trọng là lễ hội thể hiện được ý chí của nhân dân. Tuy nhiên, trong trường hợp cụ thể ở hội Minh thề, ngoài những người đứng đầu thôn, làng, tôi nghĩ cần thiết phải có sự hiện diện của quan chức địa phương ở cấp cao hơn như cấp xã, cấp huyện, như vậy sẽ tốt hơn", ông Hùng nêu quan điểm.

Theo ông Hùng, việc quan chức đến dự không chỉ biểu thị thái độ ủng hộ chống tham nhũng, mà qua đó còn thể hiện với dân mình là người thực sự vì nước, vì dân. "Với một lễ hội mang ý nghĩa chính trị cao đẹp như thế, nếu quan chức địa phương không tham dự sẽ là điều đáng tiếc. Tất nhiên không ai có quyền bắt buộc nhưng đó là ý thức chính trị", ông Hùng bày tỏ.

Ông Phạm Phú Oanh, Trưởng làng Hòa Liễu, người suốt 12 năm qua được chọn làm chủ lễ trong lễ hội Minh thề, cho biết ngày nay, lễ hội chỉ còn dành cho những người giữ chức sắc trong làng, các cụ bô lão sẽ uống rượu thề, còn người dân thì đến chứng kiến.

“Về tâm linh, có thể nhiều người không dám thề khi tâm không trong sáng. Tôi mong lễ hội được mở rộng người tham gia thề như “quan” xã, “quan” huyện, thậm chí cấp thành phố và cao hơn. Bởi một khu di tích lịch sử cấp quốc gia, thì lễ hội truyền thống của di tích cũng nên mở rộng hơn cấp thôn làng. Có như vậy thì lễ hội sẽ có sức lan tỏa rộng lớn hơn”, ông Oanh nói.

Trung Thành

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.