Xã hội

Hội thề chống tham nhũng: Vì sao “quan lớn” không thề?

04/03/2015, 18:06

"Ai dùng của công vào việc riêng, xin thần linh tru diệt", đó được coi là lời thề chống tham nhũng ở... hội làng.

IMG_3708
Nghi lễ trong Hội Minh thề.

Được xem như “Hội thề chống tham nhũng” nên người dân luôn ngóng trông lễ hội Minh thề (tại Đền thờ Thái hoàng Thái hậu, thôn Hoà Liễu, xã Thuận Thiên, huyện Kiến Thuỵ) hàng năm sẽ xuất hiện vị “quan lớn” nào dám đến với hội thề.

 Người đứng đầu làng mới được tuyên thề

Tuy nhiên, trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Trọng Khải, Chủ tịch UBND xã Thuận Thiên cho rằng, theo phong tục của lễ hội, những người đứng trước đền thờ để thề “không tham nhũng” lại là người đứng đầu trong làng chứ không thể là những người có chức sắc cao hơn.

Vì đây là lễ hội làng cho nên để thực hiện đúng tính chất xưa của lễ hội thì người đứng đầu trong làng sẽ ra thề trước dân làng “không lấy của công làm của riêng”. Lễ hội có mời các quan chức của huyện và thành phố về dự đánh trống khai hội chứ không tham gia thề.

IMG_3756
Nhiều lãnh đạo địa phương đến tham dự, đánh trống khai hội nhưng theo lệ làng không được tham gia thề.

Hội Minh thề được gắn liền với di tích chùa Hoà Liễu. Đây là một ngôi chùa cổ được xây dựng từ thế kỷ XIII, có tên là Thiên Phúc Tự. Giữa thế kỷ XVI, vợ của Thái Thượng hoàng Mạc Đăng Dung là Thái hoàng Thái hậu Vũ Thị Ngọc Toản đã đến ấp Lan Niểu (thôn Hoà Liễu ngày nay) tự bỏ tiền và vận động hoàng thân quốc thích, quan lại triều Mạc góp tiền của để tu tạo lại ngôi chùa cổ.

Thái hoàng Thái hậu (bà của Vua) xuất tiền mua 25 mẫu 8 sào 2 thước cúng dâng Tam Bảo. Nhiều người theo gương bà cũng tậu ruộng cúng chùa tăng số diện tích lên đến 47 mẫu 5 sào. Số ruộng này làng gọi là Thánh điền, một phần diện tích dành cho nhà chùa cấy, một phần dùng vào việc tuần tiết lễ hội, còn lại để chia cho dân đinh cày cấy hưởng lộc và cho cấy đấu thầu lấy thóc lập quỹ nghĩa thương phòng khi đói khó cấp đỡ cho người nghèo, cố nhân, quả phụ…

Cũng chính từ đây, Thái hoàng Thái hậu đã cùng với dân làng lập ra một Hịch văn hội Minh thề quy định lấy chí công làm trọng. Và lễ hội Minh thề đã ra đời.

Theo ông Khải, Lễ hội Minh thề được nhân dân làng Hoà Liễu gìn giữ trong suốt nhiều thế kỷ qua. Tuy nhiên do nhiều lý do, Hội mới được khôi phục và tổ chức quy mô trở lại 13 năm nay.

Hội Hoà Liễu kéo dài tới 3 ngày, vào 14, 15 và 16 tháng Giêng, nhưng hội Minh thề được tổ chức ngay buổi khai hội. Xưa kia, trước khi khai mạc “Hội thề” dân làng tế Thánh tại miếu chính thường có chức dịch hàng tổng, quan lại hàng phủ về dự chứng kiến.

IMG_3728
Máu gà trống hòa rượu được các mọi người truyền tay nhau uống, thể hiện quyết tâm thực hiện lời thề.

Trước khi khai mạc hội thề, dân làng tế thánh tại miếu chính. Các nghi lễ được tiến hành trang trọng. Nội dung quan trọng nhất là “Miêng thệ”. Trước đài thề đặt một bàn thờ hướng về cửa miếu thâm nghiêm.

Ba vị đại diện cho hàng ngũ chức dịch, hội tư văn và bô lão trong làng bước lên đài thề làm lễ thắp hương khấn vái trời đất, thánh thần. Đại diện ban tế dõng dạc đọc hịch văn Minh thề. Mọi người trong làng từ hương chức đến nhân dân, trên là bô lão, dưới từ 18 tuổi trở lên đều thề: “Ai dùng của công dùng vào việc công xin thần linh ủng hộ, ai lấy của công về làm của tư, cầu thần linh đả tử…. làm tôi bất trung, làm con bất hiếu, xin thần linh tru diệt”.

Sau nghi lễ thề là đến nghi lễ cắt tiết gà, máu gà trống được hoà vào bình rượu lớn, mọi người chuyền tay nhau uống khẳng định sự đoàn kết, một lòng quyết tâm thực hiện lời thề.

Ước mong không chỉ là hội làng

Anh Ngô Văn Thành, xã Thái Sơn, huyện An Lão chia sẻ: “Hôm nay nghe tin khai hội Minh thề nên tôi muốn đến để xem hội và xem những quan chức nào của thành phố Hải Phòng và huyện Kiến Thụy đứng ra thề “liêm khiết”. Tuy nhiên rất tiếc “quan” thề ở đây lại không phải là quan chức cấp huyện, thành phố. Tôi mong rằng hội Minh thề sẽ được phát triển trên quy mô cấp huyện, cấp thành phố chứ không còn là hội làng để người dân được chứng kiến những “quan lớn” nói không với tham nhũng”.

Ông Phạm Phú Oanh, Trưởng làng Hòa Liễu, người suốt 12 năm qua được chọn làm chủ lễ trong lễ hội Minh thề, cho biết ngày nay, lễ hội chỉ còn dành cho những người giữ chức sắc trong làng, các cụ bô lão sẽ uống rượu thề, còn người dân thì đến chứng kiến.

IMG_3713
Nhiều người dân mong muốn "quan lớn" của xã, huyện và TP tham gia tuyên thề, nói không với tham nhũng.

Về tâm linh, có thể nhiều người không dám thề khi tâm không trong sáng. Tôi mong lễ hội được mở rộng người tham gia thề như “quan” xã, “quan” huyện, thậm chí cấp thành phố và cao hơn. Bởi một khu di tích lịch sử cấp quốc gia, thì lễ hội truyền thống của di tích cũng nên mở rộng hơn cấp thôn làng. Có như vậy thì lễ hội sẽ có sức lan tỏa lớn rộng hơn.

Được khôi phục lại 13 năm nay nhưng lễ hội Minh thề từ một hội làng nhưng đã tạo nên những giá trị lớn. Nó không chỉ góp phần gìn giữ đạo lý “Chí công vô tư” cho người lãnh đạo và dân làng Hòa Liễu mà còn gợi lên sự suy ngẫm, học hỏi, làm theo của lãnh đạo, người dân ở Kiến Thụy, ở Hải Phòng.

Ngoài lễ hội Minh thề độc đáo, trước cửa Đền thờ Thái hoàng Thái hậu còn có cột đá thề (thạch trụ) được các bậc tiền nhân và nhân dân giữ gìn qua thăng trầm của lịch sử, nơi hội tụ âm dương thái cực, thu hút khí thiêng của vũ trụ bao la, nguyện cầu mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an, làng xã phồn thịnh.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.