Chuyện dọc đường

Hỏi trách nhiệm "Tư lệnh" ngành Nông nghiệp

10/04/2014, 07:20

Vậy tại sao nông dân vẫn "vừa đi vừa khóc" khi vòng luẩn quẩn "được mùa rớt giá"? Phải chăng đầu tư cho ngành Nông nghiệp chưa xứng tầm? Hay các nguyên nhân thuộc về "lỗi hệ thống" trong ngành NN&PTNT?

img


Thời gian này, về vùng trồng dưa hấu các tỉnh miền Nam, miền Trung mới thấy xót xa cảnh người nông dân khóc ròng vì dưa hấu bỏ thối ngoài đồng. Hàng vạn hộ nông dân trồng bắp cải ở vùng ĐBSCL và Lâm Đồng cũng méo mặt vì được mùa rau, do không bán được hoặc giá rẻ như cho, phải đổ cho gia súc ăn. 


Chăn nuôi cũng bết bát trong hai năm qua vì dịch bệnh, chi phí cao và giá thấp, với số lỗ khoảng 27.000 tỷ đồng. Người trồng lúa đôi ba năm lại cầu Chính phủ “cứu” một lần (lúc này cũng đang xin cứu) dù xuất khẩu luôn đứng nhất - nhì thế giới. Nông dân trồng cà phê, hồ tiêu, điều, người nuôi cá tra và basa, tôm,... cũng không khá khẩm hơn bao nhiêu khi chi phí tăng phi mã mà giá cả lại phập phù và phụ thuộc vào yếu tố nước ngoài.


Vòng luẩn quẩn “được mùa rớt giá”, “trồng cây gì nuôi con gì” đã được thảo luận gay gắt tại diễn đàn Quốc hội từ hơn 10 năm trước, thời ông Lê Huy Ngọ còn làm Bộ trưởng Bộ NN&PTNT. Xa hơn, thời kỳ nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn “nắm” ngành Nông nghiệp cũng bị truy rốt ráo giải bài toán này. 


Nghịch lý cũng  bộc lộ ở chỗ, nếu xét về đầu tư, lĩnh vực nông nghiệp luôn được ưu tiên (hơn hẳn ngành Y tế chẳng hạn), với trên 50.000 tỷ đồng cho giai đoạn từ năm 2011 - 2015. Đầu tư cho nghiên cứu khoa học và các chương trình mục tiêu quốc gia nằm trong nhóm được ưu tiên, ví dụ, năm 2013, vốn đầu tư cho nghiên cứu khoa học và mục đích tương tự so với năm 2012 tăng ít nhất là 21% và cao nhất tăng tới 98%... 


Vậy tại sao nông dân vẫn “vừa đi vừa khóc” khi vòng luẩn quẩn “được mùa rớt giá”? Phải chăng đầu tư cho ngành Nông nghiệp chưa xứng tầm? Hay các nguyên nhân thuộc về “lỗi hệ thống” trong ngành NN&PTNT? Mỗi kỳ họp Quốc hội, khi đăng đàn trả lời chất vấn của đại biểu, “Tư lệnh” ngành NN&PTNT đều nhận được những câu hỏi tương tự và câu trả lời cũng luẩn quẩn như cách giải bài toán “trồng cây gì nuôi con gì”. Quốc hội muốn trông thấy sự chuyển biến tích cực, còn người nông dân thì chỉ mong được sống ấm no, không bị vỡ nợ, không phải gạt nước nước mắt bỏ ruộng, bỏ quê đi làm thuê.


Trước câu hỏi trách nhiệm của đại biểu Quốc hội, là người nhiều năm gắn bó ngành Nông nghiệp, cả ở cương vị nghiên cứu lẫn quản lý Nhà nước, trong đó có gần 10 năm làm Bộ trưởng (2 khóa liên tục), “Tư lệnh” ngành NN&PTNT - ông Cao Đức Phát chưa thể đưa ra giải pháp nào mới hơn những giải pháp đã và đang thực hiện trong những năm gần đây như: Chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi; điều chỉnh cơ chế nhằm khuyến khích tư nhân tham gia đầu tư, ứng dụng khoa học kỹ thuật phát triển cây, con; và nâng mức đầu tư cho khoa học - kỹ thuật. Riêng ngành lúa gạo lặp đi lặp lại vấn đề “được mùa rớt giá”, Bộ NN&PTNT lúc này vẫn đang xây dựng đề án đổi mới ngành lúa gạo ở Việt Nam! Việc này Bộ đã bàn nhiều lần nhưng người trồng lúa vùng ĐBSCL còn phải chờ thêm.


Câu trả lời của Bộ trưởng Cao Đức Phát: "Nền nông nghiệp nước nhà chủ đạo là hàng chục triệu hộ gia đình nông dân nên chúng ta sẽ phải tiếp tục chấp nhận một nền nông nghiệp như vậy trong nhiều năm tới” lại càng khiến dư luận băn khoăn, lo lắng.

Việt Anh
 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.