Thị trường

Hôm nay ký kết hai Hiệp định EVFTA và IPA

30/06/2019, 08:22

EVFTA sẽ góp phần làm GDP của Việt Nam tăng thêm 2,18 - 3,25% năm 2019 - 2023; 4,57 - 5,30% năm 2024 - 2028 và 7,07 - 7,72% năm 2029 - 2033...

img
EVFTA sẽ giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng thêm khoảng 20% vào năm 2020. Ảnh minh họa: Hải Âu

Hôm nay, 30/6, Hiệp định Thương mại tự do và Hiệp định bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA và IPA) sẽ được ký tại Hà Nội. Hiệp định EVFTA là một trong những Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) lớn nhất Việt Nam từng tham gia.

EVFTA là một Hiệp định toàn diện, chất lượng cao; gồm 17 Chương, 2 Nghị định thư và một số biên bản ghi nhớ kèm theo với các nội dung chính là: thương mại hàng hóa (gồm các quy định chung và cam kết mở cửa thị trường), quy tắc xuất xứ, hải quan và thuận lợi hóa thương mại, các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm (SPS), các rào cản kỹ thuật trong thương mại (TBT), thương mại dịch vụ (gồm các quy định chung và cam kết mở cửa thị trường), đầu tư, phòng vệ thương mại, cạnh tranh, doanh nghiệp nhà nước, mua sắm của Chính phủ, sở hữu trí tuệ, thương mại và Phát triển bền vững, hợp tác và xây dựng năng lực, các vấn đề pháp lý - thể chế…

Hiệp định EVFTA là một trong những Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) lớn nhất Việt Nam từng tham gia, được kỳ vọng sẽ làm thay đổi thể chế chính sách và phát triển nền kinh tế Việt Nam lên một tầm cao mới khi chính thức được thực thi.

Hiệp định được ký kết sẽ giúp nền kinh tế Việt Nam thâm nhập sâu hơn vào thị trường rộng lớn hơn, chất lượng cao hơn, đó là thị trường EU.

EVFTA được đánh giá sẽ là cú hích rất lớn cho xuất khẩu của Việt Nam, giúp đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu, đặc biệt là các mặt hàng nông, thủy sản cũng như những mặt hàng Việt Nam vốn có nhiều lợi thế cạnh tranh; tăng về xuất khẩu của Việt Nam sẽ nhanh hơn tăng về nhập khẩu.

Theo đánh giá, Hiệp định EVFTA sẽ giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng thêm khoảng 20% vào năm 2020; 42,7% vào năm 2025 và 44,37% vào năm 2030 so với không có Hiệp định.

EVFTA sẽ góp phần làm GDP của Việt Nam tăng thêm ở mức bình quân 2,18 - 3,25% (năm 2019 - 2023); 4,57 - 5,30% (năm 2024 - 2028) và 7,07 - 7,72% (năm 2029 - 2033).

Khi Hiệp định được thực thi, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ tranh thủ được nguồn vốn, khoa học kỹ thuật cao của thị trường EU, tham gia được vào các chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng cao hơn sẽ tạo được chất lượng cao hơn cho nền kinh tế.

Tuy nhiên, theo đánh giá của nguyên Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Vinh, ngày 30/6 các hiệp định sẽ được ký kết nhưng sau đó là câu chuyện phê chuẩn. Với EVFTA, cuối năm nay hoặc nửa đầu năm 2020 có thể hoàn tất được phê chuẩn khi Nghị viện châu Âu thông qua. Nhưng với IPA sẽ vừa phải thông qua Nghị viện khu vực lẫn Nghị viện các nước thành viên nên cần một quá trình dài hơn. Chính vì vậy, sau khi ký xong, hai bên còn phải tiếp tục trao đổi, thúc đẩy để cả EU và Việt Nam phê chuẩn thì lúc đó Hiệp định mới có giá trị.

Nội dung Hiệp định sẽ quy định nhiều nội dung không chỉ quy định về mức thuế quan tiêu thụ, tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa, tiêu chuẩn dịch vụ, quy định sở hữu trí tuệ, bảo đảm môi trường, bảo đảm lao động… mà còn quy định cả cơ chế về tranh chấp, cơ chế về bảo hộ mậu dịch. Do đó, các doanh nghiệp phải nắm bắt được các quy định và những yêu cầu trong Hiệp định để thực hiện và tranh thủ được cơ hội.

img

Giá vàng hôm nay (29/6): Giảm mạnh cuối tuần, vàng tháng 6 vẫn tăng kỷ lục

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.