Góc nhìn

Hôm nay Quốc hội Hàn Quốc luận tội Tổng thống Park

09/12/2016, 07:25

Dấu mốc quan trọng trong lịch sử Hàn Quốc khi Quốc hội nước này bỏ phiếu về dự luật để luận tội Tổng thống...

46

Các nghị sĩ Hàn Quốc biểu tình trước Quốc hội kêu gọi bỏ phiếu luận tội Tổng thống 

Nếu được thông qua, Tổng thống Park đối mặt khả năng có thể là người đứng đầu Đại Hàn Dân quốc đầu tiên bị bãi nhiệm.

Sau thông qua dự luật luận tội là gì?

Dự luật do 3 đảng đối lập Hàn Quốc đề xuất và họ tin rằng, sẽ “kiếm” đủ 200/300 phiếu để luận tội và phế truất Tổng thống. Hiện nay, 3 đảng đối lập đều đồng lòng bỏ phiếu thông qua dự luật nhưng cần thêm 28 phiếu từ đảng cầm quyền Saenuri mới đủ số phiếu cần thiết. Thực tế, nhiều nghị sĩ khẳng định, đảng đối lập đã nắm trong tay hơn 40 phiếu ủng hộ của đảng cầm quyền nên khả năng dự luật được thông qua rất cao.

Hôm qua (8/12) - một ngày trước giờ G, bên ngoài Quốc hội, nhiều nghị sĩ cùng các nhà hoạt động phản đối Tổng thống Park Geun-hye kéo tới biểu tình, kêu gọi bà Park từ chức. Họ có kế hoạch tổ chức biểu tình lớn tại địa điểm này từ sáng sớm 9/12 - ngày bỏ phiếu dự luật luận tội. Để kịp tham gia cuộc biểu tình, hàng trăm nông dân, lái xe kéo bắt đầu tuần hành xuyên đêm tới tòa nhà Quốc hội. Tuy nhiên, giới chức cấm các hoạt động tập thể tại khu vực Quốc hội, cấm xe kéo vào Thủ đô Seoul vì lý do an ninh. Bên trong tòa nhà Quốc hội, lãnh đạo hai đảng đối lập chính của Hàn Quốc cho biết, 159 nghị sĩ sẽ từ chức đồng loạt nếu dự luật luận tội không được thông qua nhằm thể hiện trách nhiệm khi bất lực, không đáp ứng mong mỏi của người dân.

Một khi Quốc hội thông qua dự luật, bà Park bị đình chỉ chức vụ chứ chưa bị phế truất. Toàn bộ nhiệm vụ Tổng thống tạm thời chuyển sang cho Thủ tướng Hwang Kyo-ahn trong thời gian chờ Tòa án xem xét việc luận tội có phù hợp Hiến pháp hay không. Quá trình này mất khoảng 6 tháng. Đây sẽ là quãng thời gian bà Park vật lộn với cuộc chiến pháp lý để lật ngược lại kết quả bỏ phiếu. Để làm được điều đó, bà Park cần sự ủng hộ của 6/9 thẩm phán tại Tòa án Hiến pháp. Tòa án Hiến pháp sẽ nghe tranh luận từ hai bên - Chủ tịch Ủy ban Pháp luật Quốc hội và các luật sư đại diện cho bà Park.

Reuters dẫn lời các chuyên gia luật Hàn Quốc nhận định: Mặc dù, phần lớn người dân Hàn Quốc đều tức giận và muốn bà Park từ chức, thể hiện ở hàng loạt cuộc biểu tình rầm rộ vừa qua và tỉ lệ ủng hộ bà Park gần chạm đáy (dưới 4%); nhưng Ban Bồi thẩm của Tòa án Hiến pháp Hàn Quốc vốn được bà và Tổng thống tiền nhiệm (thuộc phe bảo thủ) bổ nhiệm, do đó khả năng họ sẽ ra quyết định có lợi cho bà Park.

Trong 9 thẩm phán hiện nay, có 2 người gần hết nhiệm kỳ (một người kết thúc vào ngày 31/1/2017, người còn lại kết thúc vào ngày 13/3/2017) và sẽ không bổ nhiệm thẩm phán mới giữa bối cảnh chính trị rối ren hiện nay, các chuyên gia luật cho biết. Vì vậy, khả năng sẽ chỉ còn 7 thẩm phán xem xét quyết định luận tội trong khi số lượng thẩm phán cần thiết lật đổ quyết định luận tội vẫn là 6. Tình thế đó có lợi cho bà Park, vì “hai thẩm phán chuẩn bị về hưu có lẽ sẽ ra quyết định có lợi cho bà Park”, ông Chon Jong-ik, Giáo sư Luật tại Đại học Quốc gia Seoul cho biết.

47
Một cuộc biểu tình phản đối Tổng thống Park Geun-hye tại trung tâm Thủ đô Seoul

Tổng thư ký LHQ Ban ki-moon được kỳ vọng thế chỗ

Nếu tòa án chấp nhận việc luận tội, Tổng thống Park Geun-hye sẽ buộc phải từ chức. Trước đó, bà Park từng tuyên bố sẽ chấp nhận kết quả bỏ phiếu dự luật luận tội và tự nguyện từ chức, dự kiến vào khoảng tháng 4/2017. Theo Yonhap, bà Park sẽ không được nhận bất cứ lợi ích nào dành cho cựu Tổng thống. Theo luật pháp Hàn Quốc, các cựu Tổng thống sẽ được nhận lương hưu, có thư ký, lái xe riêng và được chi trả bảo hiểm y tế. Bà Park có chăng chỉ được bảo vệ an ninh.

Tiếp đó, một cuộc bầu cử Tổng thống mới sẽ được tổ chức trong vòng 60 ngày. Hiện nay, dư luận Hàn Quốc vốn đã xôn xao tìm kiếm ứng viên xứng đáng để trở thành chủ nhân mới của Nhà Xanh. Ứng viên được yêu thích nhất lúc này là cựu Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon. Mặc dù ông Ban chưa có động tĩnh gì về việc sẽ tham gia tranh cử nhưng người dân Hàn Quốc hy vọng ông có đủ sức mạnh và uy tín để lật độ vấn nạn tham nhũng mà người dân gọi là “bệnh Hàn” đang nhức nhối trong xã hội nước này.

Trước nay, người dân Hàn Quốc luôn tự hào coi ông Ban Ki-moon là “Tổng thống của thế giới” và hiện chưa có ứng viên nào trong cuộc đua tổng thống sở hữu danh tiếng tương đương. Nhiều cuộc khảo sát cho thấy đa số người dân cho rằng, ông Ban sẽ dẫn đầu cuộc bầu cử Tổng thống 2017. Dù ông Ban từng là Ngoại trưởng Hàn Quốc từ năm 2004-2006 dưới thời Tổng thống Roh Moo-hyun nhưng ông không thường xuyên ở Hàn Quốc trong gần một thập kỷ qua. Đồng thời, ông cũng đã ở “độ tuổi xưa nay hiếm” - 72 tuổi. Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon sẽ kết thúc nhiệm kỳ vào cuối năm nay, dự định quay về Hàn Quốc vào tháng 1/2017. Dù chưa quyết định chuyện tương lai nhưng “tôi ý thức được việc rất nhiều người dân đặt kỳ vọng ở mình”, Tổng thư ký Ban Ki-moon chia sẻ với Reuters hồi tháng 10.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.