Hồ sơ tài liệu

Hôm nay, Tòa ra phán quyết về vụ kiện biển Đông

12/07/2016, 05:49

Đây là một trong những sự kiện được dư luận khu vực và quốc tế quan tâm mong chờ nhất năm 2016.

Trung Quốc nạo vét bồi đắp trái phép trên Đá Vành

Trung Quốc nạo vét bồi đắp trái phép trên Đá Vành

11h trưa nay (tức 16h theo giờ Việt Nam), Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) có trụ sở tại La Haye (Hà Lan) sẽ công bố phán quyết cuối cùng về vụ kiện biển Đông do Philippines khởi xướng. Đây là một trong những sự kiện được dư luận khu vực và quốc tế quan tâm mong chờ nhất năm 2016.

4 nhóm nội dung khởi kiện

Mặc dù có khá nhiều kịch bản và phán đoán xung quanh phán quyết của PCA, song các phân tích đều thống nhất cho rằng: Dù phán quyết có như thế nào, một điều gần như chắc chắn là uy tín của Trung Quốc sẽ bị hạ thấp nghiêm trọng.

Cụ thể, Philippines kiện Trung Quốc 15 điểm, chia thành 3 nhóm nội dung chính: 1. Yêu cầu Tòa phủ nhận giá trị pháp lý đường lưỡi bò của Trung Quốc; 2. Yêu cầu Tòa làm rõ quy chế pháp lý của 9 thực thể mà Trung Quốc thường xuyên có hành động sách nhiễu xung quanh, là các “bãi cạn lúc nổi lúc chìm” (không có khả năng tạo ra vùng biển), hoặc “đảo đá” (chỉ có 12 hải lý lãnh hải, khác với “đảo” có thêm vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý); 3. Yêu cầu Tòa quyết định một số hoạt động gần đây của Trung Quốc trên biển Đông là vi phạm Công ước Luật Biển 1982 (UNCLOS) cũng như luật quốc tế nói chung về an toàn hàng hải, vi phạm nghĩa vụ bảo vệ môi trường biển và xâm phạm quyền lợi chính đáng của Philippines trên biển cả và vùng đặc quyền kinh tế Philippines; 4. Yêu cầu Tòa kết luận Trung Quốc không được có thêm các yêu sách và hoạt động bất hợp pháp khác trong tương lai.

Trước đó, tháng 10/2015, PCA ra phán quyết có thẩm quyền với 7/15 điểm (phần lớn thuộc nhóm thứ 2); còn 8 vấn đề còn lại, trong đó có “đường lưỡi bò” sẽ được quyết định trong phán quyết cuối cùng.

Trả lời truyền thông về việc Trung Quốc tuyên bố sẽ “phớt lờ” phán quyết của PCA, PGS.TS. Nguyễn Thị Lan Anh, Phó giám đốc Viện Biển Đông, Học viện Ngoại giao cho biết: “Dù Trung Quốc có chấp nhận phán quyết của tòa hay không (trong trường hợp phán quyết có lợi cho Philippines), thì các quốc gia đều thông qua vụ kiện, biết đâu là “đúng - sai”, đồng nghĩa với việc hình ảnh, ảnh hưởng và uy tín chính trị của một quốc gia như Trung Quốc sẽ phần nào bị suy giảm”.

Cơ hội xác định tương lai Châu Á - Thái Bình Dương

Các nhà quan sát cũng nhận định về phản ứng của Trung Quốc sau phán quyết của PCA: Có thể “làm ngơ” như thể chưa từng có việc gì xảy ra bằng cách tiếp tục các hoạt động áp đặt chủ quyền khác như thường lệ, trong đó có việc tiến hành những chuyến du lịch biển tới các đảo nhân tạo tại Trường Sa. Mặt khác, có thể tạm thời tỏ ra nhún nhường bằng cách tỏ vẻ nhiệt tình hơn trong việc đàm phán với ASEAN về Bộ Quy tắc Ứng xử trên biển Đông (COC) để đánh lạc hướng dư luận và giảm áp lực từ các nước này”.

Và khả năng cuối cùng được cho là khó xảy ra, Trung Quốc có thể rút ra khỏi UNCLOS. Tuy nhiên, quá trình này phải mất tới 1 năm và trong thời gian đó, Trung Quốc vẫn sẽ phải thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ của thành viên UNCLOS. Chưa kể, động thái này còn bị cho là “lợi bất cập hại” đối với Bắc Kinh nếu trở thành hiện thực, bởi nó làm ảnh hưởng tới uy tín quốc tế của Trung Quốc, làm xói mòn lợi ích hàng hải của nước này trên biển Đông.

Ngoài ra, ông Harry Kazianis, chuyên gia Chính sách Quốc phòng tại Trung tâm Lợi ích Quốc gia còn lo ngại rằng, sau phán quyết của PCA, Trung Quốc tuyên bố một khu vực nhận dạng phòng không (ADIZ); và chỉ riêng hành động tuyên bố ADIZ thôi cũng sẽ là “diễn biến làm thay đổi cục diện”.

Cuối tuần trước, theo Reuters, tại phiên điều trần do Ủy ban Quân lực và Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ (đồng minh của Philippines) cùng tổ chức, Phó trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Abraham Denmark kêu gọi các bên liên quan tuân thủ phán quyết của PCA, coi phán quyết là cơ hội để xác định tương lai châu Á - Thái Bình Dương sẽ được quyết định bởi luật pháp quốc tế hay bởi sức mạnh.

Còn bà Colin Willett, Phó trợ lý Ngoại trưởng Colin Willett tuyên bố Mỹ sẽ không ngần ngại bảo vệ lợi ích quốc gia và các cam kết của mình với các đồng minh/ đối tác tại châu Á - Thái Bình Dương. Cũng tại phiên điều trần, Hạ nghị sỹ Randy Forbes nói: Toàn thế giới đang theo dõi phản ứng của Trung Quốc và Mỹ sau khi phán quyết được đưa ra. Việc Mỹ ủng hộ hay không ủng hộ các đồng minh và luật pháp quốc tế được cả thế giới dõi theo.

Về phía Philippines, trong khi không ít nhà quan sát cho rằng, quan điểm của nước này đang có xu hướng “mềm mỏng” hơn dưới thời tân Tổng thống Rodrigo Duterte, ông Richard Javad Heydarian, Giáo sư khoa học chính trị tại Đại học De La Salle (Manila) lại tỏ ra thận trọng: “Phán quyết cuối cùng về vụ kiện biển Đông có thể bất lợi cho Trung Quốc, nhưng điều quan trọng hơn là tân Tổng thống Rodrigo Duterte sẽ tận dụng phán quyết này như thế nào. Đó sẽ là một chính sách ngoại giao “tiến thoái lưỡng nan” và quan trọng nhất mà ông Duterte phải đối mặt”. Ông Duterte cũng từng lạc quan: “PCA sẽ đứng về phía chúng tôi” và nói rằng nếu phán quyết không có lợi thì Philippines sẽ chấp nhận và tuân thủ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.