Tài chính

Homestay vẫn “sống khỏe” nhờ chiêu “độc”

31/07/2021, 06:45

Trong khi nhiều doanh nghiệp ngành khách sạn lưu trú “chết lâm sàng” thì vẫn có những chuỗi homestay - nhà chia sẻ sống tốt nhờ chiêu “độc”.

Thay đổi để phục vụ khách nội

Cuối giờ chiều ngày mưa tầm tã tháng 7, Lê Đức Việt cùng nhóm quản lý của chuỗi Đây là đâu vẫn say sưa họp trực tuyến sau một thương vụ kêu gọi vốn đầu tư mới.

Việt chia sẻ, từ ngày dịch Covid-19 bùng phát, nếu không kể những ngày trắng đêm thì giờ làm việc thông thường của anh từ 7h sáng tới 12h khuya.

img

Mặc dù giá cho thuê thuộc top đầu homestay tại Hà Nội, song nhiều căn của chuỗi Đây là đâu vẫn đạt tỷ lệ kín phòng gần 100% trong mùa dịch (Trong ảnh: Khử khuẩn tại căn hộ BAWhome trên phố Lý Thường Kiệt, Hoàn Kiếm, Hà Nội)

“Trong bối cảnh ngành dịch vụ lưu trú nhiều nơi chết lâm sàng, những chủ khách sạn lớn phải mời nhân viên xếp hàng để nhận lời xin lỗi trước khi cho nghỉ việc bởi không thể cầm cự thêm được nữa, thì với chúng tôi, có việc và bận rộn lúc này là điều vô cùng hạnh phúc”, vị CEO chia sẻ.

Nhớ lại những ngày đầu dịch Covid-19 tràn về đầu năm 2020, Việt cho biết, sau 4 năm lăn lộn, chuỗi homestay của anh vừa mới bứt lên với khoảng 30 căn tại Hà Nội, doanh số hàng trăm triệu đồng/tháng, tỷ lệ lợi nhuận đạt 40%, bắt đầu kêu gọi được hơn 5 tỷ đồng vốn đầu tư.

“Chúng tôi dự định tới cuối 2020 sẽ mở rộng 100 căn cho thuê. Khi hàng loạt hợp đồng đang đàm phán, đã xuống tiền cọc đối với các chủ nhà mới… thì dịch ập tới. Tất cả phải dừng lại để nghe ngóng, lên các kịch bản, phương án dự phòng... Và tình huống xấu nhất đã xảy ra, tháng 3/2020, tất cả chuyến bay thương mại quốc tế bị dừng… Doanh số rơi tụt về 0, có những ngày nhân viên chỉ ngồi để hoàn tiền cho khách”, Việt kể.

Giữa lúc cộng đồng homestay hoang mang, hỗn độn với nhiều phản ứng trái chiều, người thì đóng cửa “ngủ đông”, người lại chuyển hướng cho khách nước ngoài thuê dài hạn, hay rao bán san nhượng…, CEO Đây là đâu lại cho rằng, cách duy nhất để sống sót qua đại dịch chính là khai thác triệt để khách nội địa.

“Đây không phải lần đầu tiên thế giới xuất hiện đại dịch, vậy nhưng vẫn có chuỗi khách sạn, lưu trú tồn tại cả trăm năm. Nghĩ vậy, chúng tôi bắt tay nghiên cứu tài liệu, học hỏi kinh nghiệm trên thế giới. Và rồi chiến lược phòng thủ kết hợp với phản công chính là câu trả lời. Phòng thủ bằng cách sa thải nhân viên, đóng cửa cắt lỗ chờ dịch qua đi. Ngược lại, phản công bằng cách đẩy mạnh marketing để phục vụ nhóm thị trường ngách, chấp nhận chi phí đội lên cao”, Việt chia sẻ.

“Công tác tư tưởng” là việc đầu tiên lãnh đạo Đây là đâu thực hiện với đội ngũ nhân viên, từ quản lý tới lao công, giúp họ chuẩn bị tâm thế, tất cả phải hành động, thay đổi để phù hợp với thị trường khách nội từ chính sách giá, bài trí phòng tới thị hiếu, giờ giấc, cung cách ứng xử…

“Nhất định phải thử, sai thì sửa!”

Để giảm 50% giá phòng cho thuê phù hợp với mức chi của khách Việt, Đây là đâu cắt bớt dịch vụ cao cấp, đàm phán với chủ nhà giảm từ 20 - 30% giá cho thuê và các vụ thiết yếu khác.

Song song với đó là chi tiền quảng cáo và sale, nhấn mạnh tiêu chí homestay an toàn, hoàn tiền cho khách nếu dịch phức tạp...

Kết quả sau 1 tháng “hành động”, tỷ lệ lấp phòng từ 0% đã vọt lên 70%. Tuy nhiên lợi nhuận vẫn gần như bằng 0 bởi tiền chi cho marketing đã chiếm tới hơn 30% tổng doanh số, giá phòng lại giảm một nửa cộng với hàng loạt chi phí phòng dịch phát sinh…

“Tháng đầu tiên chúng tôi bị sock bởi mức chi quá nhiều, nhà đầu tư bắt đầu nghi ngờ… Nhiều lúc thấy chông chênh, hoang mang, liệu mình có đi đúng hướng?”, Việt nhớ lại thời điểm đối mặt với khó khăn và tìm cách sửa sai trong “phép thử” của mình.

Rút kinh nghiệm sau tháng lỗ, tối ưu vận hành, thu hẹp tệp khách hàng, phát triển dịch vụ đi kèm… là những giải pháp tiếp theo được Đây là đâu đưa ra.

“Chiến dịch quảng cáo toàn quốc đã không phát huy hiệu quả bởi dịch dã căng thẳng, nhiều nơi bị phong tỏa. Do đó thay vì khách nội địa, chúng tôi chỉ hướng tới khách nội thành. Nhiều dịch vụ được bung ra để hút khách như cho thuê theo cặp, phục vụ quay phim chụp hình, thuê theo giờ, tụ tập nấu nướng… phục vụ tiệc sinh nhật, tiệc đính hôn… giờ check in/out linh hoạt hơn bất kể sớm hay muộn…”, Việt nói.

Với cách làm này, ngay trong mùa dịch, giá cho thuê từ 700.000 - 1.800.000 đồng/đêm và 200.000 - 400.000 đồng/2 giờ đầu, tỷ lệ kín phòng vẫn đạt khoảng 90%, thậm chí trong tháng 6 vừa qua, có những căn vượt trên 100%.

Đến nay, với hơn 30 đối tác đang khai thác khoảng 500 căn tại thị trường miền Bắc, đạt tỷ lệ kín phòng từ 65 - 95%, ông chủ Đây là đâu đã khá tự tin với mô hình kinh doanh phục vụ khách Việt tương ứng với mức đầu tư thấp hơn 30%, thu hẹp thời gian hoàn vốn chỉ trong khoảng 15 tháng, tỷ suất lợi nhuận 30%.

Thay đổi mô hình sang chia sẻ doanh thu

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Phạm Kim Cương, người sáng lập Cohost.vn, nền tảng quản lý nhà cho thuê nhận định, du lịch lưu trú hiện là một trong những lĩnh vực kinh tế chia sẻ bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch Covid-19.

Ngay cả “ông lớn” như Airbnb, nền tảng kết nối người cần thuê nhà, đặt phòng nghỉ với những người có phòng cho thuê trên khắp thế giới, cũng đang lao đao. 90% lượng phòng đã đặt của Airbnb bị hủy, doanh thu sụt giảm 75%, sa thải 25% nhân viên, phải huy động thêm các khoản vay nợ lên tới hàng tỷ USD từ các nhà đầu tư để duy trì hoạt động.

Đồng cảnh ngộ, các dịch vụ lưu trú khác như Zeus Living hay Vacasa cũng buộc phải sa thải 25 - 40% nhân viên và đóng cửa nhiều khu vực trên hệ thống.

“Tại Việt Nam, khảo sát trong cộng đồng Cohost.vn với khoảng 50.000 chủ homestay và quản gia, trong tháng 5/2021, cho thấy 40% còn hoạt động, 20% chuyển hướng cho thuê dài hạn, số còn lại hoặc đóng cửa hoặc sang nhượng”, ông Cương cho biết.

Kết quả khảo sát cũng cho thấy, chuyển đổi nguồn khách và dịch vụ phục vụ nội địa là một trong những giải pháp hiệu quả giúp ngành lưu trú tồn tại trong đại dịch.

Giải pháp thứ 2 là chuyển đổi mô hình hợp tác, từ thuê và cho thuê lại sang chia sẻ doanh thu, theo hướng hai bên cùng có lợi. Chẳng hạn, chủ nhà - người đóng góp bất động sản, tiền đầu tư nội thất và giấy phép kinh doanh có thể được hưởng 70%. Còn Cohost (quản gia công nghệ) đóng góp thời gian, kỹ năng quản lý, chăm sóc khách hàng, sẽ được hưởng 30%.

Bên cạnh đó, thay vì vay vốn từ gia đình, ngân hàng, các chủ kinh doanh hoạt động trong lưu trú nên gọi vốn từ nhà đầu tư, đối tác chiến lược. Mặt khác cũng có thể chuyển hướng kinh doanh sang các ngành khác như kinh doanh bất động sản, nhà hàng nấu đồ ăn phục vụ khách đặt trực tuyến, quay phim, chụp ảnh, tổ chức sự kiện, sinh nhật… để duy trì hoạt động.

“Để tồn tại qua đại dịch và tương lai, các doanh nghiệp kinh tế chia sẻ trong lĩnh vực du lịch cần cộng tác trên môi trường trực tuyến nhiều hơn, linh hoạt về quy mô”, ông Cương chia sẻ.

Báo cáo “Đánh giá tác động của đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4 đến hoạt động kinh tế - xã hội của Việt Nam” cho thấy, riêng ngành khách sạn lưu trú, trong 6 tháng đầu năm, tỷ lệ doanh nghiệp phải đóng cửa chiếm khoảng 16% so với cùng kỳ 2020.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.