Chiều 23/7, tại huyện Cờ Đỏ, thành phố Cần Thơ đã diễn ra lễ xuất khẩu lô thanh nhãn của các nông dân nơi đây sang thị trường Mỹ và Úc.
Số thanh nhãn này là của 11 nông dân thuộc tổ hợp tác sản xuất Trạng Tí Garden. Ông Trần Phước Sơn, tổ trưởng tổ hợp tác cho biết các thành viên đã cố gắng rất nhiều để sản xuất đáp ứng tiêu chuẩn của hai thị trường Mỹ và Úc.
Ông cho biết thêm, lô thanh nhãn xuất khẩu lần đầu của tổ hợp tác là 1,2 tấn. Thời điểm hiện tại, giá thanh nhãn bán cho doanh nghiệp xuất khẩu là 75.000 đồng/kg và được vận chuyển bằng máy bay.
Ông Lê Chí Phương, Phó chủ tịch UBND huyện Cờ Đỏ cho biết thêm, diện tích trồng cây ăn trái trên địa bàn huyện đạt gần 5 nghìn hec-ta, trong đó, thanh nhãn chiếm khoảng 330 hec-ta.
Đến nay, toàn huyện Cờ Đỏ đã được cấp 33 mã số vùng trồng xuất khẩu cây thanh nhãn và đã xuất khẩu sang các thị trường như: Mỹ, Nhật Bản, Úc, Thái Lan, EU và Trung Quốc.
Đại diện doanh nghiệp thu mua và xuất khẩu thanh nhãn của tổ hợp tác cho hay, mỗi thị trường có yêu cầu riêng với trái cây nhập khẩu. Nhưng điều căn bản nhất là phải có mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói, qua hệ thống chiếu xạ, diệt khuẩn, đóng gói theo đúng quy cách.
Riêng việc xuất khẩu thanh nhãn sang thị trường Mỹ, doanh nghiệp này đã có nhiều năm kinh nghiệm và nhận thấy rằng người dân Mỹ rất trông chờ để thưởng thức thanh nhãn Việt Nam khi tới mùa.
Đại diện doanh nghiệp thu mua cho biết thêm, để được xuất khẩu sang thị trường này, người dân phải vào hợp tác xã và liên kết với doanh nghiệp. Họ cũng cần đăng ký mã số vùng trồng, trái thanh nhãn đạt cỡ lớn và không nhiễm dịch bệnh.
Ông Trần Thái Nghiêm, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Cần Thơ cho biết thêm: diện tích cây ăn trái ở Cần Thơ hiện khoảng 25 nghìn hec-ta và không ngừng được mở rộng. Kéo theo đó sản lượng trái cây các loại đạt 200 nghìn tấn/năm và giá trị tăng theo. Cây ăn trái được người dân Cần Thơ trồng nhiều nhất gồm: sầu riêng, vú sữa, nhãn...
"Cây ăn trái đã trở thành một trong ba trụ cột của ngành nông nghiệp thành phố và phát triển theo hướng liên kết, trồng chuyên canh gắn với việc truy xuất nguồn gốc" - ông Nghiêm thông tin.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận