Hạ tầng

Hơn 10 năm chờ đợi, tuyến Trung Lương - Mỹ Thuận đã nối thông

28/12/2020, 13:19
image

Tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đã thực sự nối thông từ đầu đến cuối tuyến, loại bỏ những hoài nghi về tiến độ của dự án quan trọng này.

img

Đoàn ô tô với hàng chục chiếc đã có thể lưu thông từ đầu đến cuối tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận

Đã thông tuyến từ đầu đến cuối

Sáng 28/12, Công ty Cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận đã tổ chức kiểm tra, chạy thực nghiệm thông tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận. Đoạn tuyến bắt đầu từ nút giao Thân Cửu Nghĩa, huyện Châu Thành đến nút giao An Thái Trung, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang.

Đoàn xe của các đơn vị tham gia sự kiện với hàng chục chiếc xe ô tô 4 chỗ, trong đó có cả xe điều hành dự án loại 50 chỗ lưu thông từ đầu đến cuối tuyến. Cảm nhận của những người tham gia đi trên tuyến là mặt đường còn gồ ghề, nhưng ai nấy đều hân hoan.

Lưu thông dọc hai bên tuyến, chúng tôi quan sát có rất nhiều người dân ra hai bên đường để quan sát đoàn xe với nụ cười rạng ngời trên môi. Bởi sau hơn 10 năm chờ đợi, sau 4 lần khởi công và chuyển đổi 3 chủ đầu tư, đến nay tuyến đường có thể thông tuyến thực sự.

Phần đường đã cơ bản lưu thông được thuận tiện, một số vị trí đang được tiếp tục thi công. Ông Nguyễn Tấn Đông, Tổng giám đốc Công ty BOT Trung Lương - Mỹ Thuận, cho biết trong hơn 1 tháng tới, sẽ tiếp tục thảm thêm 2 lớp đá để mặt đường, cầu êm thuận hơn, lưu thông sẽ tốt hơn.

Như vậy, đến thời điểm này với sự nỗ lực của nhà đầu tư, doanh nghiệp điều hành, các nhà thầu, Bộ GTVT, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và các ngân hàng hợp vốn đã thực hiện nghiêm túc cam kết thông tuyến trước 31/12/2020, làm tiền đề hoàn thành dự án trong năm 2021.

Khởi công tháng 11/2009, sau 10 năm đình trệ, tiến độ chỉ đạt 10% khối lượng. Đến tháng 3/2019, liên danh các nhà đầu tư đã mời Công ty Cổ phần Tập đoàn Đèo Cả tham gia quản trị, điều hành dự án. Sau hơn 1 năm tái khởi động, dự án đã đạt 75% khối lượng, sẽ hoàn thành trong năm 2021.

Ông Nguyễn Tấn Đông cho biết, với phương châm “Muốn thông đường thực địa, phải thông đường trách nhiệm”, “Dự án chậm một ngày, thêm một ngày mắc nợ với nhân dân”, doanh nghiệp dự án đã lập tiến độ gắn trách nhiệm cho chính mình và các bên liên quan đến dự án.

Cán bộ, kỹ sư và công nhân thực hiện làm việc 3 xuyên “xuyên đêm, xuyên Tết, xuyên dịch” thay ca nhau ngày đêm bám sát công trường, cùng vượt khó, biến thách thức thành cơ hội, biến sự hoài nghi thành động lực, lấy lại lòng tin đã mất.

Ông Đông kể: Khi tiếp quản, doanh nghiệp điều hành đã loại bỏ nhà đầu tư và nhà thầu 0 đồng năng lực yếu kém như Công ty Yên Khánh (bị xử lý hình sự), Công ty Hoàng An... từng thao túng, gây trở ngại chính cho dự án, thông qua công tác kiểm toán, thực hiện biện pháp quản chi trực tiếp (xử lý công nợ tồn, chi trả vật liệu...).

Khi đã xử lý được vấn đề của các nhà đầu tư, quá trình thi công cũng gặp nhiều khó khăn trong vấn đề vật liệu xây dựng. Tỉnh Tiền Giang đóng cửa các mỏ khai thác cát, khiến các nhà thầu phải mua vật liệu từ các địa phương khác, quãng đường vận chuyển dài hàng trăm kilomet, các kênh rạch bị đóng do hạn, xâm nhập mặn ảnh hưởng đến tiến độ.

“Chúng tôi đã gửi nhiều văn bản đề nghị hỗ trợ khai thác vật liệu nhưng tỉnh Tiền Giang, với vai trò là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền không thấy giải quyết”, ông Đông nói.

Có cho xe chạy dịp Tết hay không?

Quyết tâm không lỗi hẹn với nhân dân, doanh nghiệp dự án đã chấp nhận bỏ ra kinh phí hơn 14 tỷ đồng để thực hiện các giải pháp, với quyết tâm nối thông tuyến trước 31/12 để phục vụ người dân có thể lưu thông trước và sau Tết. Theo đó, trước Tết sẽ phân luồng giao thông 1 chiều từ TP.HCM về miền Tây cho xe ô tô dưới 16 chỗ lưu thông. Tốc độ tối đa cho phép là 40km/h. Chỉ lưu thông ban ngày, không lưu thông ban đêm. Sau Tết, sẽ phân luồng một chiều từ miền Tây về TP.HCM. Dọc tuyến sẽ bố trí phương tiện cứu hộ, cứu nạn, nhân viên cảnh báo… để phục vụ người dân đi lại an toàn. Việc thông xe tạm tuyến cao tốc có ý nghĩa rất lớn với hơn 20 triệu người dân miền Tây.

Ông Hồ Minh Hoàng - Chủ tịch tập đoàn Đèo Cả: Chúng tôi sẵn sàng phục vụ người dân dịp Tết

Việc thông tuyến là mong mỏi của toàn dân, không chỉ dân ĐBSCL. Nhưng quan điểm của chúng tôi là phục vụ, vì vậy chúng tôi sẵn sàng bỏ ra 14 tỷ để thực hiện tất cả các công việc để thông tuyến. Về mặt kỹ thuật, chúng tôi khẳng định đã sẵn sàng phục vụ người dân lưu thông tạm trong dịp Tết sắp tới để giải quyết tình huống tuyến Quốc lộ 1 bị ùn tắc, kẹt xe, khiến người dân khổ sở. Tuy nhiên, trách nhiệm còn lại là của cơ quan Nhà nước, nếu cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép, chúng tôi sẵn sàng phục vụ.

Phóng viên Báo Giao thông đặt câu hỏi với ông Trần Văn Dũng - Phó chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang, về việc tỉnh có ủng hộ chủ trương của nhà đầu tư cho thông tuyến tạm để phục vụ người dân đi lại dịp Tết hay không? Ông Dũng cho biết, rất ủng hộ chủ trương này.

"Tôi rất cảm động sự chia sẻ, nỗ lực của doanh nghiệp dự án. Tuy nhiên về chuyên môn, chúng tôi phải trao đổi với Bộ GTVT về vấn đề kỹ thuật như thế nào, đảm bảo hay chưa. Và phối hợp với doanh nghiệp dự án xem từ đây đến Tết công tác hoàn thành dự án như thế nào để có quyết định chính thức", ông Dũng nói.

Được biết, cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận không phải là dự án duy nhất thông xe tạm thời mà trước Tập đoàn Đèo Cả đã “mở cửa” nhiều dự án khác để giải quyết các tình huống khẩn cấp, phục vụ người dân đi lại. Cụ thể, như tháng 12/2016, Tập đoàn Đèo Cả đã cho thông tạm hầm Cổ Mã khi khi mưa lớn đã làm hàng trăm khối đất đá đổ xuống đường khiến giao thông tê liệt, hàng nghìn phương tiện ùn ứ nhiều giờ đồng hồ trên Đèo Cả.

Hay như tại dự án cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn, khi có tai nạn xảy ra trên tuyến Quốc lộ 1A, đơn vị này cũng cho thông tạm tuyến cao tốc để giải toả QL1. Tháng 10/2020 vừa qua, Đèo Cả cũng mở tạm thời đường dẫn hầm Hải Vân 2 thông xe một chiều khi có tai nạn xảy ra trên đường dẫn ở hầm Hải Vân 1.

img

Ông Văn Công Điểm - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Xe khách Phương Trang: Thông tuyến tạm cũng là rất tốt

Thông tin về tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận cho thông tuyến tạm trước những ngày trước Tết làm cho doanh nghiệp vận tải như chúng tôi rất vui mừng. Phương Trang có hơn 2.000 phương tiện vận tải hành khách liên tỉnh và hàng hoá. Khi được lưu thông trên tuyến cao tốc này sẽ góp phần giảm thời gian cho hành khách dịp, giúp doanh nghiệp phục vụ người dân về quê đón Tết thuận lợi hơn.

img

Ông Võ Quốc Thắng - Chủ tịch HĐQT tập đoàn Đồng Tâm: Cảm động rơi nước mắt

Khi nghe ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch tập đoàn Đèo Cả nói sẽ quyết tâm làm đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, tôi mừng rơi nước mắt. Bởi tôi biết ông Hoàng đã nói là làm. Tôi biết chắc chắn điều đó. Tôi đi lại miền Tây rất nhiều, thấy cảnh ùn tắc, kẹt xe trên Quốc lộ 1 quá bất cập, nhưng bao nhiêu năm mà dự án làm không xong.

Tôi cũng làm nhiều tuyến đường trong khu công nghiệp, cảng ngày đêm nhưng khi biết về quá trình thi công dự án cao tốc này, tôi rất bất ngờ. Có 51km mà đến hơn 40 cầu, 50 cống, vận chuyển những dầm hàng chục tấn vào công trường rất khó khăn, nhưng doanh nghiệp đã vượt qua.

Tôi tin tưởng đây là con đường này sẽ rất đẹp. Tôi tính nhẩm, việc thông tạm trước tuyến này, nhà đầu tư phải mất chi phí trên 10 tỷ đồng, bởi cát đá, hư hỏng đường, nhưng các anh vẫn quyết thông tuyến, tôi rất khâm phục điều này.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.