Xã hội

Hơn 2 năm, gần 40 nghìn công chức, viên chức thôi việc: Cách nào giữ chân?

02/10/2022, 10:00

Theo Bộ Nội vụ, từ năm 2020 đến tháng 6/2022 có hơn 39 nghìn cán bộ, công chức, viên chức thôi việc chuyển ra khu vực tư nhân.

Khi "người nhà nước" rời công sang tư

Hơn một năm trước, khi đang là giảng viên của một trường đại học và đang làm luận án tiến sỹ, anh T. vẫn quyết định xin nghỉ việc, bỏ luôn tấm bằng tiến sỹ đang chờ đợi phía trước.

"Đó là một quyết định không dễ dàng, vợ chồng tôi trăn trở mấy năm trời, cuối cùng quyết định nghỉ vì công việc ở trường áp lực, thu nhập ở trường gần như chỉ đủ trang trải cho việc học tiến sỹ, trong khi gia đình cũng cần có tài chính để lo cho các con tôi đang độ tuổi ăn học", anh T. chia sẻ.

img

Y tế và giáo dục đang là 2 lĩnh vực có nhiều công chức, viên chức nghỉ việc nhiều nhất (ảnh minh hoạ)

Với vốn ngoại ngữ sẵn có, sau khi nghỉ việc ở trường đại học, anh T. dạy học cho con mình và gom con cái của bạn bè, hàng xóm vào dạy. Sau hơn 1 năm nghỉ dạy ở trường đại học về dạy "tại gia", anh T. đã có 4 lớp Tiếng Anh với tổng sĩ số gần 30 học sinh.

"Thu nhập của tôi bây giờ cao hơn trước, mà có thời gian cho gia đình nhiều hơn", anh T. nhìn nhận.

Chị H., công chức của 1 sở tại Hà Nội cũng đã bỏ việc sau 6 năm gắn bó. "Lương thì có hơn 5 triệu đồng/tháng, mà đi làm từ sáng sớm đến tối mịt, áp lực ngày càng cao nên tôi nghỉ việc, ra ngoài làm nhân sự cho một công ty kinh doanh thời trang, lương khởi điểm 8 triệu đồng/tháng", chị H. kể.

Tại buổi họp báo Chính phủ chiều 1/10, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng cho biết, từ năm 2020 đến 6/2022 có hơn 39 nghìn cán bộ, công chức, viên chức thôi việc chuyển ra khu vực tư nhân, chiếm khoảng gần 2% tổng số cán bộ, công chức, viên chức.

Trong số người thôi việc, khối Trung ương có 18%, địa phương 82%. Có 19 nghìn "người nhà nước" làm trong lĩnh vực giáo dục, hơn 12 nghìn người làm trong lĩnh vực y tế đã nghỉ việc.

Cách nào giữ chân "người nhà nước"

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng cho biết, nguyên nhân của thực trạng này là do lương cán bộ, viên chức, công chức còn nhiều khó khăn. Ngoài ra, công tác quy hoạch cán bộ, đặc biệt là đội ngũ chuyên gia chưa được tốt, cho nên cán bộ chuyên môn giỏi bị hút bởi mức đãi ngộ của khu vực tư nhân.

"Bộ Nội vụ đã báo cáo Thủ tướng về việc này và đã có văn bản gửi tất cả đến bộ ngành, địa phương để có những thống kê cụ thể. Bộ Nội vụ và Bộ Tài chính sẽ báo cáo Chính phủ để báo cáo Trung ương, Quốc hội xem xét tăng lương cho phù hợp", Thứ trưởng Bộ Nội vụ nói.

Chia sẻ về nguyên nhân “người nhà nước” nghỉ việc, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh cho rằng, thu nhập lao động trong khu vực công rất thấp, tiền lương không đảm bảo đời sống hiện nay, trong khi áp lực công việc vẫn rất cao.

Ngoài ra, môi trường làm việc của cán bộ, công chức, viên chức có quá nhiều các quy chế gò bó hành chính, việc đánh giá kết quả làm việc của cán bộ, công chức chưa thật sự khoa học, minh bạch và cơ hội thăng tiến còn hạn chế.

Theo ông Dĩnh, muốn giữ được người lao động trong khu vực công thì phải cải cách mạnh mẽ về chính sách tiền lương và chế độ khen thưởng, đánh giá công chức, viên chức minh bạch, xứng đáng, không cào bằng. Đồng thời, phải thực hiện tốt công tác cải cách hành chính, xây dựng môi trường làm việc tốt, hấp dẫn và đảm bảo cơ hội phát triển cho người lao động, trong đó có cơ hội thăng tiến.

Trước đó, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đã ký văn bản gửi các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về việc khắc phục tình trạng cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc, thôi việc.

Theo đó, Bộ Nội vụ đề nghị các bộ, ngành, địa phương quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, đặc biệt là ở cấp cơ sở; cải thiện môi trường làm việc theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, cạnh tranh lành mạnh, tạo cơ hội phát triển, gắn kết, gắn bó, ổn định của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Bộ Nội vụ lưu ý có các chính sách hỗ trợ kịp thời đối với cán bộ, công chức, viên chức có hoàn cảnh kinh tế khó khăn; xây dựng đội ngũ lãnh đạo, quản lý có năng lực, uy tín để tổ chức tốt công việc, tạo niềm tin, khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức làm việc.

Đồng thời, đổi mới công tác bố trí, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức để tạo cơ hội, điều kiện phát triển, nhất là cán bộ trẻ; khuyến khích, tạo điều kiện để cán bộ, công chức, viên chức được tham gia học tập nâng cao trình độ, năng lực làm việc thông qua các chương trình, dự án đào tạo, bồi dưỡng ở trong nước và nước ngoài...

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.