Hạ tầng

Hơn 20 năm khát khao cầu Nhơn Trạch

24/09/2022, 06:00

Để có lễ khởi công cầu Nhơn Trạch hôm nay (24/9), Bộ GTVT và các đơn vị đã trải qua một thời gian dài tìm kiếm các nguồn vốn đầu tư dự án.

Hôm nay 24/9, tại huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai, Bộ GTVT tổ chức khởi công xây dựng cầu Nhơn Trạch, một gói thầu của tuyến Tân Vạn – Nhơn Trạch giai đoạn 1 thuộc tuyến Vành đai 3 TP.HCM.

Để có được ngày khởi công này, theo ông Trần Văn Thi, Giám đốc Ban quản lý dự án (QLDA) Mỹ Thuận, quá trình chuẩn bị được thực hiện từ hơn 20 năm trước. Báo Giao thông đã có cuộc trao đổi về quá trình chuẩn bị dự án này.

20 năm xoay xở tìm nguồn vốn

Thưa ông, để khởi công giai đoạn 1 đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch, một đoạn của Vành đai 3 TP.HCM thì quá trình chuẩn bị dự án này diễn ra thế nào, thưa ông?

Ông Trần Văn Thi: Người dân huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai nói riêng và người dân TP.HCM, vùng Đông Nam bộ nói chung đã chờ đợi dự án này hơn 20 năm.

Năm 2001, Bộ GTVT đã cho phép lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án cầu qua sông Đồng Nai từ quận 9 sang huyện Nhơn Trạch.

Ban đầu dự án biết đến với tên “Dự án cầu Nhơn Trạch”, ngoài ra còn có tên “Dự án đầu tư xây dựng cầu đường quận 9”.

Tại thời điểm này dự án được lập đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT. Nhưng với nhiều lý do, trong đó chủ yếu do nguồn vốn khó khăn nên chưa huy động được để đầu tư.

img

Ông Trần Văn Thi - Giám đốc Ban QLDA Mỹ Thuận

Đến năm 2011, trên cơ sở đề xuất của Bộ GTVT, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch đường Vành đai 3 - TP.HCM, trong đó Tân Vạn - Nhơn Trạch là một đoạn thuộc dự án này với tổng chiều dài 89,3km, tiến độ thực hiện đầu tư giai đoạn 1 hoàn thành trước năm 2017.

Tuy nhiên, với quy mô dự án lớn nên tại thời điểm này không huy động đủ nguồn vốn để đầu tư đồng bộ toàn tuyến đường Vành đai 3 TP.HCM mà tách ra thành từng đoạn để ưu tiên đầu tư trước. Trong đó đoạn Mỹ Phước - Tân Vạn (16,3km) tại thời điểm này đang được tỉnh Bình Dương đầu tư.

Đoạn Bến Lức - Long Thành được Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) đầu tư.

Còn lại các đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch; Bình Chuẩn - Quốc lộ 22 và đoạn Quốc lộ 22 - Bến Lức tiếp tục tìm kiếm nguồn vốn để nghiên cứu đầu tư.

Đâu là những vướng mắc mà Ban QLDA Mỹ Thuận đã phối hợp với các Bộ ngành, địa phương để giải quyết và dự án được khởi công?

Ông Trần Văn Thi: Năm 2012, phía Hàn Quốc có bố trí khoản viện trợ không hoàn lại để hỗ trợ kỹ thuật chuẩn bị đầu tư dự án.

Ban QLDA Mỹ Thuận đề xuất với Bộ GTVT tiếp xúc làm việc với các nhà tài trợ, nhà thầu, tư vấn Hàn Quốc, Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB), Chính phủ Úc (AusAID) để đề xuất khoản hỗ trợ kỹ thuận lập dự án đầu tư xây dựng đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch.

Năm 2013, Bộ GTVT và Ngân hàng Korea Eximbank (Hàn Quốc) đã ký Biên bản ghi nhớ về việc tài trợ 200 triệu USD vốn ODA (thông qua EDCF) để xây dựng phân đoạn 1A thuộc đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch (phân đoạn 1B từ điểm cuối dự án thành phần 1A đến nút giao Thủ Đức dự kiến đầu tư theo hình thức PPP, hợp đồng BOT).

Năm 2014, Korea Eximbank chính thức khẳng định tài trợ vốn ODA cho phân đoạn 1A để thiết kế kỹ thuật, giám sát thi công và xây lắp.

img

Phối cảnh cầu Nhơn Trạch nối TP Thủ Đức với huyện Nhơn Trạch

Sau nhiều phiên thảo luận giữa các bên, đến năm 2016 Bộ GTVT phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch giai đoạn 1 thuộc đường Vành đai 3 TP.HCM.

Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Hàn Quốc sau đó đã trải qua nhiều vòng đàm phán ký kết hiệp định vay, quá trình đàm phán kéo dài nhiều năm. Vượt qua nhiều khó khăn, đến tháng 5/2020 Hiệp định vay vốn được ký với tổng mức 190 triệu USD.

Ngay sau đó, Ban QLDA Mỹ Thuận đã tiến hành các thủ tục tuyển chọn Tư vấn thiết kế, đấu thầu tuyển chọn Tư vấn giám sát thi công. Hợp đồng thi công gói thầu CW1 - cầu Nhơn Trạch được ký kết vào tháng 7/2022.

Trong quá trình triển khai Ban QLDA Mỹ Thuận đã rất quyết liệt và tích cực phối hợp với các Bộ ngành, nhà tài trợ trong công tác đấu thầu, phối hợp chặt chẽ với địa phương trong công tác GPMB để dự án sớm được khởi công.

Quyết tâm hoàn thành vào năm 2025 như kế hoạch

Ông đánh giá thế nào về vai trò của tuyến Tân Vạn - Nhơn Trạch đối với việc kết nối vùng Đông Nam bộ, đặc biệt là sân bay quốc tế Long Thành?

Ông Trần Văn Thi: Mục tiêu của Dự án đầu tư xây dựng đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch giai đoạn 1 thuộc đường Vành đai 3 TP.HCM là rút ngắn hành trình từ huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai) đến TP.HCM và tỉnh Bình Dương, tạo điều kiện thuận lợi vận chuyển hàng hóa, tăng cường trao đổi thương mại, phân luồng từ xa và giảm ách tắc cho các tuyến đường nội thị TP.HCM. Thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội khu vực miền Đông và Tây Nam bộ.

Ngoài ra, dự án này còn là một trong những tuyến đường kết nối vào sân bay quốc tế Long Thành, khi hoàn thành sẽ góp phần giảm bớt áp lực giao thông trên tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây theo hướng đi QL51, phục vụ nhu cầu vận chuyển của hàng trăm doanh nghiệp đang hoạt động trong các Khu công nghiệp trên địa bàn huyện Nhơn Trạch.

Đây cũng là dự án có ý nghĩa đặc biệt quan trọng giúp kết nối hàng loạt đường cao tốc trọng điểm khu vực phía Nam, thúc đẩy giao thương giữa các tỉnh/thành, là cú hích kinh tế toàn diện cho TP.HCM nói riêng và các vùng lân cận nói chung.

Theo kế hoạch, tuyến Tân Vạn - Nhơn Trạch sẽ hoàn thành năm 2025. Vậy Ban QLDA Mỹ Thuận đã chuẩn bị gì để dự án đảm bảo tiến độ?

Ông Trần Văn Thi: Ban QLDA Mỹ Thuận đã phát hành thông báo bắt đầu dịch vụ và huy động nhân sự Tư vấn từ đầu tháng 9/2022.

Tư vấn thực hiện nhiệm vụ rà soát, phê duyệt bản vẽ thi công, phê duyệt biện pháp thi công, kiểm tra phê duyệt nguồn vật liệu, các đệ trình của nhà thầu, hồ sơ nội nghiệp liên quan và công tác chuẩn bị ngoài hiện trường.

Đồi với nhà thầu, Ban đã phát hành thông báo tiến độ dự án. Nhà thầu đã sẵn sàng và huy động ngoài hiện trường toàn bộ mặt bằng phía TP.HCM và phần dưới nước thuộc sông Đồng Nai.

img

Các nhà thầu đã huy động máy móc, thiết bị đến công trường để triển khai thi công ngay sau lễ khởi công dự án.

Ngay sau khi phát lệnh khởi công, nhà thầu triển khai thi công ngay. Cụ thể đã lập các mốc tiến độ chính của dự án như: Phần hạ tầng cầu dẫn và cầu chính sẽ hoàn thành sau 22 tháng; Thượng tầng cầu dẫn sẽ hoàn thành sau 26 tháng; phần thượng tầng cầu chính hoàn thành sau 33 tháng. Và toàn bộ cầu sẽ hoàn thành sau 35 tháng. Tất cả đều đặt cho quyết tâm hoàn thành dự án vào năm 2025.

Vậy còn những khó khăn, vướng mắc gì đối với dự án này?

Ông Trần Văn Thi: Về thủ tục, gói thầu CW2 - đường dẫn 2 bên cầu, đang phê duyệt kết quả đấu thầu, dự kiến hoàn thành lựa chọn nhà thầu, ký kết trong tháng 10/2022.

Về công tác GPMB, đến nay, đối với gói thầu cầu Nhơn Trạch - là hạng mục đường găng của dự án, phía địa phương đã bàn giao mặt bằng đạt khoảng 70%.

Gói thầu đường dẫn hai đầu cầu đã được bàn giao một phần mặt bằng, phần còn lại tỉnh Đồng Nai và TP.HCM đang tích cực hoàn thiện các thủ tục, các bước nghiệp vụ sau cùng để tiến hành chi trả cho các hộ dân và sớm bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công.

Ban QLDA Mỹ Thuận sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với hai địa phương trong công tác GPMB để sớm bàn giao mặt bằng thi công cho các đoạn còn lại.

Xin cảm ơn ông!

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.