Thời sự

Hơn 20 nghìn hiện vật dựng lại lịch sử Báo chí Việt Nam

19/06/2020, 13:08

Hơn 20 nghìn hiện vật tại Bảo tàng Báo chí Việt Nam là một bức tranh toàn cảnh về lịch sử của báo chí nước nhà.

img
Hình ảnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên những tờ báo cách mạng của Việt Nam

“Tác phẩm báo chí lớn nhất đời tôi”

Một chiều tháng 6, chúng tôi có mặt tại Tòa nhà Hội Nhà báo Việt Nam ở phố Dương Đình Nghệ (Hà Nội) - nơi đang rốt ráo những công việc cuối cùng để hoàn thiện Bảo tàng Báo chí Việt Nam - Bảo tàng đầu tiên của ngành Báo chí. Hà Nội đang những ngày nắng nóng cực đỉnh nhưng những con người ở đây vẫn hăng say với những món đồ kỷ vật, hiện vật được khắp nơi gửi về và sưu tập được. Sau nhiều năm vất vả, trải qua bao khó khăn, một công trình đặc biệt đã thành hình và chính thức ra mắt công chúng ngày 19/6. Đó là công trình mà theo nhà báo Trần Kim Hoa, Giám đốc Bảo tàng Báo chí Việt Nam là “tác phẩm báo chí lớn nhất đời tôi”.

Suốt từ khi đưa ra Đề án xây dựng Bảo tàng Báo chí vào năm 2014 tới khi chính thức được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào ngày 28/7/2017, các thành viên trong tổ dự án đặc biệt này đã đổ biết bao mồ hôi, công sức và trí lực. Một cuộc chạy đua thực sự với thời gian để sưu tập những tư liệu, hiện vật quý hiếm ở khắp nơi trên mọi miền Tổ quốc.

Theo bà Kim Hoa, vì ít người nên các thành viên đều phải gánh nhiều công việc, từ nghiên cứu, tiếp cận, phát động và khai thác, tiếp nhận tư liệu, hiện vật, phân loại hiện vật, tổ chức trưng bày và làm lễ tôn vinh ngay tại chỗ… Thậm chí nhiều người kiêm luôn chân... khuân vác.

img
Một trong ba phiên bản phục chế từ bản gốc của chiếc loa đại tại bờ Bắc sông Bến Hải, cầu Hiền Lương, Quảng Trị

Trong chặng đường tìm, sưu tầm, tiếp nhận hiện vật đưa về bảo tàng, có những chuyến đi gian nan, thử thách theo đúng nghĩa đen. Nhà báo Mai Chí Vũ đã “toát mồ hôi” mới đưa được chiếc loa 500W, dài hơn 2m và 6 người khiêng ở bến cầu Hiền Lương, Quảng Trị về Hà Nội. Hay ThS. Quang Minh vất vả tìm cách kết nối với Thư viện Quốc gia Pháp và Thư viện Trường Ngôn ngữ và Văn minh ở Paris để tìm được tờ Gia Định Báo…

Sau cùng, những tấm lòng nhiệt huyết ấy đã nhận được thành quả là sự giúp sức của rất nhiều cơ quan báo chí, tổ chức, các nhà báo, đơn vị tư nhân và thân nhân. Đó là vợ chồng nhà báo Trần Thanh Phương - Phan Thu Hương tặng gần 50 tập lưu báo cùng hàng chục đầu báo đã được cẩn thận lưu giữ từ nhiều năm trước. Gia đình cố nhà báo Lục Văn Thao hiến tặng tập báo Trường Sơn. Phóng viên chiến trường, Nghệ sĩ nhiếp ảnh TTXVN Chu Chí Thành tặng một bộ sưu tập ảnh những năm 1970-1975…

Các hiện vật quý hiếm về ngành báo chí đã được trao tặng cho bảo tàng một cách trân trọng. Từ những nỗi lo tìm kiếm các kỷ vật cho bảo tàng của những người làm dự án ban đầu, chẳng mấy chốc, bảo tàng đã “giàu lên trông thấy” với hơn 20 nghìn hiện vật, tư liệu.

Cũng từ đó, bảo tàng có những cuộc gặp gỡ, triển lãm, trưng bày có giá trị như Triển lãm “Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh với Báo chí cách mạng Việt Nam”, Trưng bày “Báo chí Việt Nam - Một thế kỷ đề tài nữ, tác giả nữ”, “Gặp gỡ một số nhà báo tuổi 90”...

Những nhân chứng sống của thời gian

img
Tờ Khai Hóa Nhật Báo được xuất bản năm 1924

Những chiếc máy ảnh cũ kỹ, những chiếc bút ký, máy quay, máy đánh chữ, cặp táp sờn cũ, cả những trang nhật ký nhòe mực, các tập báo ố vàng theo thời gian… đã làm nên một bảo tàng thật đặc biệt. Ở đó, người ta thấy hiện lên lịch sử bi tráng của báo chí cách mạng Việt Nam, nhiều gian nan và luôn sát cánh cùng dân tộc qua các sự kiện lịch sử.

Đó là tờ Gia Định Báo - tờ báo quốc ngữ đầu tiên của Việt Nam xuất bản từ 1865; là những tờ báo cách mạng tiếng Việt, tiếng Pháp giai đoạn đầu ở những năm trước 1925 như Khai Hóa Nhật Báo, Tân Dân Báo, Đông - Pháp Thời Báo… Dù còn trình bày đơn sơ nhưng chứa đựng biết bao giá trị lịch sử; hay tập báo Trường Sơn của bộ đội Trường Sơn những năm chiến tranh chống Mỹ. Ngoài ra, còn có rất nhiều trang báo, tư liệu, hiện vật của các giai đoạn 1925-1945, 1945-1954, giai đoạn trước năm 1975 và từ 1975 tới nay.

Đặc biệt, ở Bảo tàng Báo chí Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh hiện diện với vai trò quan trọng đối với nền báo chí nước nhà thông qua những tờ báo như: Người cùng khổ, Thanh Niên - tờ báo cách mạng đầu tiên của Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, Sự Thật, Nhân Dân... Ngoài ra, còn có nhiều hình ảnh tư liệu quý như hình ảnh Hồ Chủ tịch đến thăm và làm việc với các nhà báo của báo Sự Thật tại chiến khu Việt Bắc năm 1947.

img
Chiếc máy quay trong buổi phát sóng truyền hình đầu tiên của Đài Tiếng nói Việt Nam năm 1970

Ngoài ra, bảo tàng còn có những kỷ vật đáng giá là những bản thảo, sổ ghi chép của những nhà báo cách mạng: Nguyễn Mai, Hoàng Thanh Tùng, Phan Quang, Trần Kiên, Trần Mai Hưởng… Hay các công nghệ làm báo thô sơ thời bấy giờ như chiếc máy in vận hành bằng tay, máy đánh chữ của những năm chiến tranh. Có cả những chiếc áo, võng dù của các nhà báo dùng khi xông pha đưa tin ở chiến trường...

Không chỉ có các kỷ vật báo giấy, ảnh, nơi đây còn có nhiều hiện vật minh chứng lịch sử cho các loại hình báo chí khác như chiếc máy ghi hình trong buổi phát sóng truyền hình đầu tiên tại Đài Tiếng nói Việt Nam năm 1970, đánh dấu sự ra đời của truyền hình ở miền Bắc. Đó là “cụ Loa” có công suất 500W từng được dùng phát thanh bên bờ sông Bến Hải (Quảng Trị) trong cuộc chiến tuyên truyền đấu tranh thống nhất đất nước từ năm 1954-1965…

Bên cạnh những tờ báo, bức ảnh, kỷ vật là nhân chứng lịch sử báo chí, còn có những gian trưng bày các tài liệu, sản phẩm báo chí ngày nay như báo in, báo điện tử, báo hình. Không chỉ vậy, bảo tàng còn sử dụng nhiều công cụ hỗ trợ trưng bày khác như nghe, nhìn, khám phá trải nghiệm, có đồ họa, phim tư liệu… để đáp ứng hiệu quả nhu cầu tham quan, học tập, trải nghiệm của công chúng.

Theo nhà báo Trần Kim Hoa, Giám đốc Bảo tàng Báo chí Việt Nam, bảo tàng xác định hướng tới giới trẻ và đặc biệt là những sinh viên học nghề báo. Hiện tại, bảo tàng đã liên kết với Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) và Học viện Báo chí và Tuyên truyền để biến nơi đây thành “giảng đường” cho các nhà báo tương lai.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.