Thị trường

Hơn 20 tỷ USD hàng Trung Quốc lọt vào Việt Nam không chịu thuế

09/06/2015, 05:56

Chỉ riêng năm 2014, hơn 20 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc đã lọt vào lãnh thổ Việt Nam mà không hề chịu thuế...

31
Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Bùi Quang Vinh phát biểu tại Quốc hội chiều 8/6

Con số trên được ĐB Mai Hữu Tín (Bình Dương) đưa ra khi thảo luận về tình hình KT-XH tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII diễn ra sáng qua (8/6).

Chênh lệch bất lợi cho Việt Nam

Dẫn số liệu cho thấy thâm hụt thương mại của Việt Nam với Trung Quốc ngày càng tăng: Từ 12,4 tỷ USD năm 2010 lên 16,3 tỷ năm 2012, tăng nhanh đến 29 tỷ USD trong năm 2014; Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu với Trung Quốc đã tăng từ 28 tỷ USD năm 2010 lên 41 tỷ USD năm 2012, gần 59 tỷ năm 2014, chiếm khoảng 20% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam..., ĐB Mai Hữu Tín cho rằng, con số thống kê về số liệu xuất nhập khẩu của Việt Nam và Trung Quốc luôn có chênh lệch theo xu hướng ngày càng bất lợi cho Việt Nam.

“Năm 2014, theo Tổng cục Thống kê Trung Quốc thì nước này nhập khẩu từ Việt Nam 19,9 tỷ USD, cao hơn 30% so với con số công bố của Tổng cục Thống kê Việt Nam. Trung Quốc lại xuất khẩu vào Việt Nam 63,7 tỷ USD, cao hơn đến 45% so với thống kê của Việt Nam. Có nghĩa là riêng năm 2014 thâm hụt thương mại của Việt Nam với Trung Quốc là 43,8 tỷ USD, cao hơn rất nhiều so với con số 28,9 tỷ mà chúng ta công bố. Một khoảng chênh lệch gần 15 tỷ USD, có nghĩa là nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm gần 38% tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam, không chỉ là 30% theo con số công bố của ta”, ĐB Tín nhận xét.

Theo ĐB Tín, chỉ riêng năm 2014, khoảng hơn 20 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc đã lọt vào lãnh thổ Việt Nam không qua ghi nhận của các cơ quan chức năng Việt Nam, tức không hề chịu thuế, không phải qua các hàng rào quản lý kỹ thuật của Việt Nam và tha hồ tung hoành, cạnh tranh không công bằng với hàng hóa từ các nguồn khác, nhất là hàng hóa của các doanh nghiệp sản xuất tại Việt Nam. Con số nhập siêu không chính thức này tiếp tục tăng rất nhanh trong những tháng đầu năm 2015, không chỉ gây khó khăn, thiệt hại to lớn cho nền kinh tế Việt Nam mà còn gây áp lực lớn lên tỷ giá đồng tiền Việt Nam mà chúng ta đang hết sức cố gắng giữ ổn định. Ông Tín cho rằng, một nền kinh tế quốc gia dù mở hay hội nhập đến mức nào vẫn cần có một áo giáp bảo vệ hiệu quả và vững chắc, bảo đảm sự cạnh tranh công bằng giữa các doanh nghiệp và bảo vệ được người tiêu dùng của quốc gia đó. “Tuy nhiên, có vẻ với Việt Nam chiếc “áo giáp” này đang “rách” trong giao dịch thương mại với Trung Quốc” - ông Tín nói.

Cách lý giải chưa thống nhất

Chiều cùng ngày, tại phiên thảo luận tại hội trường, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Bùi Quang Vinh khẳng định, những con số của ĐB Mai Hữu Tín đưa ra là hoàn toàn chính xác. Tuy nhiên, cách lý giải về vấn đề này chưa thống nhất mặc dù có nhiều phần đúng khi có chênh lệch số liệu do quản lý hải quan chưa tốt về buôn lậu và gian lận thương mại. Bộ trưởng Bùi Quang Vinh khẳng định, có hiện tượng buôn lậu và gian lận thương mại hàng Trung Quốc vào Việt Nam nhưng không thể suy luận đây là nguyên nhân khiến chênh lệch số lượng thống kê lớn như vậy. Số liệu xuất nhập khẩu hàng năm được Tổng cục Thống kê lấy từ số liệu của Tổng cục Hải quan thông qua tổ công tác hoạt động từ 20 năm nay để xử lý số liệu.

Theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, hiện nay hầu hết các số liệu thống kê xuất nhập khẩu của Việt Nam với các nước đều có hiện tượng chênh lệch như với Trung Quốc. Và hiện các nước trên thế giới đều có sự chênh lệch này là do cách thống kê của các nước khác nhau. Bên cạnh đó, Trung Quốc không tính số liệu xuất nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam qua đường tiểu ngạch kể cả có hải quan làm thủ tục ví như mặt hàng gạo, nông sản…. cho nên con số xuất khẩu của Việt Nam có thể là lớn hơn. Chính vì vậy, con số xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc bị tính thấp đi và con số thống kê hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc tăng lên.

Dưa hấu, hành tím ê ẩm, các Bộ, ngành ở đâu?

Một trong những vấn đề được nhiều đại biểu đề cập tại phiên thảo luận sáng qua vẫn là những bất cập trong việc sản xuất, tiêu thụ nông sản. Đánh giá trong 6 tháng đầu năm, Chính phủ đã có những biện pháp quyết liệt để kinh tế tăng trưởng so với nhiều năm trước, song ĐB Đỗ Văn Đương (TPHCM) cho rằng, những khó khăn hạn chế cơ bản vẫn còn kéo dài nhiều năm. “Chẳng hạn, vì sao sản xuất nông nghiệp tăng trưởng thấp, có phải do thị trường tiêu thụ hạn chế, hay chất lượng nông sản thấp? Các cụ dạy rằng ,“trăm người bán, vạn người mua”, cứ sản xuất nhiều, nhưng thiếu thị trường tiêu thụ, có thị trường tiêu thụ, nhưng chất lượng hàng hóa thấp, hỏi rằng có bán được không? Nông dân làm theo phong trào, tạo ra nhiều sản phẩm, dẫn đến hàng hóa, nông sản ế ẩm. Vai trò định hướng của các bộ, ngành, chính quyền địa phương ở đâu mà để lúc thì khoai lang, khi thì hành tím, dưa hấu bị ế ẩm? Gần như năm nào Chính phủ cũng ứng tiền ra để thu mua tạm trữ lúa, gạo. Nhưng đến nay chúng ta đã đánh giá hiệu quả, tác động của giải pháp tình thế này đến đâu? Bà con nông dân được hưởng lợi như thế nào?”, ông Đương đặt vấn đề.

ĐB Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) cũng cho rằng, riêng với lĩnh vực nông nghiệp, câu hỏi càng nhức nhối hơn khi yêu cầu nâng cao đời sống nhân dân, ổn định nông thôn ngày càng khó khăn. Tái cơ cấu nông nghiệp còn rất mờ nhạt. "Cây lúa, con cá, cao su, cà phê Việt Nam vẫn ở tầm thấp của thế giới, vẫn đa số là hàng chất lượng thấp và lấy giá rẻ cạnh tranh, chơi với thế giới kiểu cầu may, nơm nớp bị ép giá trả về hay đổ bỏ”, ĐB Đồng nêu ý kiến.

Kể câu chuyện một người nông dân trồng hành tím gọi điện than thở mấy chục cân hành tím không đổi được một bát phở, ĐB Trần Khắc Tâm (Sóc Trăng) cho biết: “Tôi trả lời là không giúp gì được bác nhưng sẽ chuyển câu hỏi của bác lên Quốc hội. Đã đến lúc Quốc hội có câu trả lời để trả nợ người nông dân”.

Cần tiếng nói mạnh mẽ hơn về biển Đông

Đề cập vấn đề chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ, ĐB Trần Quốc Tuấn (Trà Vinh) bày tỏ lo ngại trước việc Trung Quốc đơn phương thực hiện các hành động gây nguy hại đến an toàn lãnh hải và hòa bình trên biển Đông. Quan ngại nhất là thời gian gần đây Trung Quốc đã cho cải tạo các đảo: Gạc Ma, Ga Ven, Châu Viên, Huy Ghơ, Chữ Thập..., là những bãi đá ngầm ở quần đảo Trường Sa vốn thuộc quyền chủ quyền của Việt Nam. “Hành động này của Trung Quốc là ngang ngược, thách thức các cường quốc khác trên thế giới, cố tình đặt các nước vào chuyện đã rồi để Trung Quốc thực hiện âm mưu độc chiếm biển Đông theo đường lưỡi bò tự mình vẽ ra và buộc các nước khác phải công nhận”, ĐB Tuấn bày tỏ và cho rằng, cử tri và nhân dân cả nước mong muốn Đảng, Quốc hội, Chính phủ có những quyết sách, trước mắt, cần có tiếng nói mạnh mẽ hơn nữa, tương tự như những phát ngôn của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong chuyến công duy xuyên ba châu lục tại bốn quốc gia: Kazakhstan, Algeria, Bồ Đào Nha và Bulgaria vừa qua.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.