Hạ tầng

Hơn 2.000 tỷ đồng vốn bảo trì đường sắt được chi như thế nào?

25/02/2020, 17:56

Hơn 2.000 tỷ vốn bảo trì Nhà nước cấp cho đường sắt “rót” chủ yếu vào bảo dưỡng thường xuyên.

img
Hơn 2.000 tỷ vốn bảo trì Nhà nước cấp cho đường sắt “rót” chủ yếu vào bảo dưỡng thường xuyên và được giám sát chặt chẽ

90% vốn cho bảo dưỡng thường xuyên

Hàng năm, Nhà nước cấp cho ngành Đường sắt để thực hiện duy tu, bảo dưỡng kết cấu hạ tầng đường sắt hơn 2.000 tỷ đồng. Ông Bùi Khắc Điệp, Phó vụ trưởng Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông Bộ GTVT cho biết, thực tế nguồn vốn này cũng mới chỉ đáp ứng được khoảng 40% dự toán tính đủ cho công tác bảo trì đường sắt.

Nguồn vốn thấp nhưng phải chi thực hiện nhiều nhiệm vụ, trong đó có 3 nhiệm vụ chính là bảo dưỡng thường xuyên (duy tu), sửa chữa định kỳ (sửa chữa lớn), khắc phục hậu quả bão lũ.

Ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Đường sắt VN, với nguồn vốn bảo trì đường sắt cấp cho Tổng công ty từ năm 2019 trở về trước, Tổng công ty chi cho công tác bảo dưỡng thường xuyên, chiếm đến 90-92% tổng nguồn vốn.

8-10% nguồn vốn còn lại để sửa chữa định kỳ, kiểm định, khắc phục hậu quả bão lũ bước 2 và sửa chữa đột xuất...

“Chi phí chủ yếu dành cho công tác bảo dưỡng thường xuyên, trong đó, trả lương công nhân và các chi phí khác cho người lao động chiếm gần 70%, mua vật tư khoảng 28%, máy móc thi công khoảng 3%”, ông Minh nói và cho biết thêm: Trong số tiền chi trả lương cho người lao động thì lương cho hệ tuần đường, tuần cầu, tuần hầm, gác chắn chiếm đến 48%. 52% còn lại là lương cho công nhân duy tu.

img
Việc phân bổ nguồn vốn bảo trì đường sắt phải có kế hoạch và được các cấp xét duyệt theo quy trình, quy định chặt chẽ. Ảnh: Công nhân duy tu, bảo dưỡng đường sắt khu vực Hà Nội

Giám sát chặt chẽ

Để thực hiện việc phân bổ nguồn vốn như vậy, theo Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt VN Đặng Sỹ Mạnh, ngay từ năm trước, Tổng công ty phải lập hai kế hoạch trình Bộ GTVT.

Kế hoạch thứ nhất là tính đúng, tính đủ theo định mức kinh tế kĩ thuật, nghĩa là một năm phải cần chừng bao nhiêu tiền để bảo trì. Theo kế hoạch này, bình quân hàng năm cần gần 7.000 tỉ đồng. Kế hoạch thứ hai chỉ đưa những hạng mục tối thiểu, cần thiết nhất vào danh mục cần thực hiện.

Sau khi có quyết định giao dự toán ngân sách cho bảo trì, Tổng công ty lại lập lại danh mục cần chi theo kiểu “đo ni đóng giầy” để phù hợp với số tiền đó, phải bỏ bớt vài hạng mục, một số vật tư… đồng thời xây dựng phương án giá cụ thể cho từng việc trước khi trình Bộ GTVT thẩm định, phê duyệt.

Trong quá trình thực hiện, cần điều chỉnh số lượng, danh mục vật tư hoặc các hạng mục khác, đều phải xin phép Bộ GTVT mới được làm.

Ông Bùi Khắc Điệp cho hay, sau khi đặt hàng các công ty bảo trì (nhà nhầu) thực hiện nhiệm vụ bảo dưỡng thường xuyên, các ban quản lý dự án và các phân ban quản lý cơ sở hạ tầng trực thuộc Tổng công ty giám sát việc thực hiện khối lượng và nghiệm thu kết quả, thanh toán hàng quý. Cuối năm, Tổng công ty phải báo cáo quyết toán, Bộ GTVT kiểm tra, quyết toán.

Đối với công trình sửa chữa định kỳ và khắc phục bão lũ, Cục Đường sắt VN tham gia từ khâu thẩm định dự án đến nghiệm thu công trình; công tác xây lắp được tiến hành đấu thầu. “Như vậy, có nhiều cấp, nhiều chủ thể tham gia công tác giám sát việc thực hiện nguồn vốn này, đặc biệt là vai trò của cơ quan quản lý Nhà nước.”, ông Điệp nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.