Những hộ dân sống trên khu vực Thượng Thành gần cửa Thượng Tứ (TP. Huế) |
Hơn 3.000 hộ dân nói trên “do lịch sử để lại” đang sinh sống, tạo áp lực lên di tích, làm tăng nguy cơ biến một số di tích thành phế tích, ảnh hưởng cảnh quan môi trường, nhất là khu vực Thượng Thành, Eo Bầu, Hộ Thành Hào, Hồ Tịnh Tâm, Hồ Học Hải, sông Ngự Hà, Đàn Xã Tắc…
Đáng chú ý, dân cư sống trong khu vực khoanh vùng bảo vệ di tích có mật độ ngày càng tăng cao do quá trình gia tăng dân số tự nhiên. Các hộ gia đình này không được tách thửa, cấp phép xây dựng, sửa chữa nơi ở nên thường bị mưa bão đe dọa tính mạng và tài sản. Nếu không sớm thực hiện đền bù, giải tỏa, tái định cư thì sẽ làm ảnh hưởng ngày càng lớn, nghiêm trọng đến các công trình di tích, đến đời sống người dân và kinh phí đền bù giải tỏa phát sinh ngày càng lớn.
Theo UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế, nhu cầu nguồn lực thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị của di sản Cố đô Huế rất lớn. Bên cạnh dự án trong kế hoạch đầu tư trung hạn đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư. Tỉnh Thừa Thiên-Huế đề nghị Trung ương quan tâm hỗ trợ vốn di dời, đền bù giải tỏa và tái định cư các hộ trong phạm vi khu vực I khoanh vùng bảo vệ di tích.
Ưu tiên các nguồn ngân sách đặc biệt từ Chương trình mục tiêu phát triển văn hóa của Chính phủ, các nguồn ODA, vốn vay ưu đãi dành cho văn hóa, tạo điều kiện về chính sách để huy động các nguồn xã hội hóa.
Bên cạnh đó, tỉnh Thừa Thiên-Huế đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét cơ chế giải quyết, phân cấp cho địa phương thực hiện các thủ tục các dự án thuộc quần thể di tích Cố đô Huế và các di tích quốc gia khác trên địa bàn tỉnh như quy mô nhóm C theo Luật Đầu tư công năm 2014, tổng mức đầu tư dưới 45 tỷ đồng.
Phu Văn Lâu (thời nhà Nguyễn), thuộc hệ thống di tích Cố đô Huế bị sập mái góc Đông Bắc được tu bổ, phục hồi với kinh phí 12 tỷ đồng, hoàn thành vào tháng 9/2016 |
Theo lãnh đạo tỉnh, Điều 8 Luật Đầu tư công, dự án tại địa bàn có di tích quốc gia đặc biệt không phân biệt tổng mức đầu tư có tiêu chí phân loại dự án là nhóm A. Vì vậy, tất cả các công trình thuộc quần thể di tích Cố đô Huế (di tích quốc gia đặc biệt) là dự án nhóm A không kể mức vốn, nguồn vốn (kể cả ngân sách địa phương) phải lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư.
Mặt khác, các công trình bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích còn chịu nhiều điều chỉnh bởi Luật Di sản văn hóa, Luật Xây dựng, Luật Bảo vệ môi trường, Luật PCCC và các quy định khác; phải trình các cơ quan chuyên môn thuộc các Bộ, ngành Trung ương để thẩm định (Bộ VHTT&DL, Bộ Xây dựng, Bộ TN&MT).
Quy trình thủ tục thực hiện chuẩn bị đầu tư, thực hiện dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích trên địa bàn tỉnh là rất phức tạp, thông qua nhiều cấp quản lý, việc đảm bảo liên hệ công tác rất khó khăn, mất nhiều thời gian để chuẩn bị và thực hiện dự án. Việc trùng tu, phục hồi di tích thời gian qua trên địa bàn tỉnh thực hiện rất tốt, quy trình chặt chẽ, đội ngũ cán bộ kỹ sư lành nghề, có kinh nghiệm trong công tác trùng tu.
Vì vậy, tỉnh đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét cơ chế giải quyết, phân cấp cho địa phương thực hiện trong thủ tục thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư và thẩm định dự án đầu tư, thẩm định thiết kế bản vẽ thi công- dự toán các dự án thuộc quần thể di tích Cố đô Huế và các di tích quốc gia khác trên địa bàn tỉnh như quy mô nhóm C theo Luật Đầu tư công năm 2014, tổng mức đầu tư dưới 45 tỷ đồng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận