Hạ tầng

Hơn 4.000 tỷ mở rộng ga quốc tế Nội Bài huy động thế nào?

06/05/2020, 14:00

TCT Cảng hàng không VN (ACV) vừa đề xuất đầu tư hơn 4.000 tỷ đồng mở rộng, nâng công suất Nhà ga quốc tế T2 Nội Bài thêm 5 triệu khách/năm.

img
Nhà ga hành khách T2 Nội Bài có công suất thiết kế 10 triệu khách/năm

Khai thác vượt công suất thiết kế hơn 1,4 triệu khách

Tìm hiểu của PV Báo Giao thông, 6 năm sau khi chính thức đưa vào khai thác, Nhà ga hành khách T2 - CHK quốc tế Nội Bài đã vượt công suất thiết kế. Từ năm 2015 đến nay, sản lượng hành khách, hàng hóa và tàu bay cất/hạ cánh thông qua Nội Bài tăng trung bình trên 10%/năm, gây áp lực rất lớn lên hạ tầng.

“Công suất thiết kế của Nội Bài là 25 triệu khách/năm (nhà ga T1 + sảnh E là 15 triệu, Nhà ga quốc tế T2 là 10 triệu), tuy nhiên năm 2018, cảng đón gần 26 triệu lượt khách; năm 2019 đón 29 triệu lượt. Riêng Nhà ga T2 đón 11,4 triệu khách, vượt công suất thiết kế 1,4 triệu khách”, lãnh đạo CHK Nội Bài thông tin.

Khắc phục tình trạng này, ACV đề xuất đầu tư hơn 4.000 tỷ đồng mở rộng, nâng công suất Nhà ga quốc tế T2 Nội Bài thêm 5 triệu khách/năm nhằm đáp ứng sự tăng trưởng hành khách thông qua CHK Nội Bài giai đoạn 2020 - 2030.

Trong số này, chi phí xây dựng hơn 2.100 tỷ đồng; Chi phí máy móc, thiết bị, công nghệ, thương hiệu hơn 1.180 tỷ đồng; Chi phí khác hình thành tài sản cố định 223 tỷ đồng và hơn 520 tỷ đồng chi phí dự phòng.

Theo Cục Hàng không VN, từ năm 2017, Bộ GTVT đã chấp thuận điều chỉnh quy mô nhà ga hành khách bằng cách cải tạo, nâng cấp, sắp xếp bố trí lại dây chuyền, mở rộng trên khuôn viên ranh giới đất hiện có để đạt công suất 30 triệu khách/năm. Trong đó, Nhà ga T1 đạt công suất 15 triệu khách/năm, Nhà ga T2 đạt công suất 15 triệu khách/năm. Hiện tại, Cục Hàng không VN đang phối hợp với tư vấn ADPi hoàn thiện phương án điều chỉnh quy hoạch CHK Nội Bài để báo cáo Bộ GTVT.

“Dự án cũng phù hợp với Quyết định 2729 của Bộ GTVT phê duyệt kế hoạch đầu tư tại các CHK đang khai thác giai đoạn 2018 - 2025 của ACV, phù hợp với kế hoạch sản xuất kinh doanh và kế hoạch đầu tư phát triển của ACV giai đoạn 2021 - 2025”, Cục Hàng không VN đánh giá.

Ông Phạm Quốc Hiếu, Phó cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông (QLXD&CLCTGT) cho biết: “Việc đầu tư dự án mở rộng Nhà ga hành khách T2 để nâng công suất từ 10 triệu khách/năm lên hơn 15 triệu khách/năm, đáp ứng nhu cầu tăng trưởng lưu lượng hành khách đến và đi thông qua CHK Nội Bài là rất cần thiết”.

Cũng theo ông Hiếu, diện tích triển khai dự án đã được bàn giao cho ACV (thuộc giai đoạn 2 của dự án Nhà ga hành khách T2 - CHK Nội Bài. Việc không đề nghị Nhà nước giao thêm đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất là đảm bảo tiến độ của dự án nếu được triển khai thực hiện.

Huy động vốn cách nào?

Tìm hiểu của PV, toàn bộ số tiền đầu tư mở rộng Nhà ga T2 Nội Bài sẽ được ACV lấy từ nguồn Quỹ Đầu tư phát triển của DN này. Phó vụ trưởng Vụ Đầu tư (Bộ Tài chính) Lê Tuấn Anh cho biết, sơ bộ tổng mức đầu tư dự án hơn 4.051 tỷ đồng. Trong khi đó, theo báo cáo tài chính năm 2018 đã được kiểm toán của ACV, số dư Quỹ Đầu tư phát triển tại thời điểm ngày 31/12/2018 là 2.550 tỷ đồng.

Dự án mở rộng Nhà ga hành khách T2 - CHK quốc tế Nội Bài nâng công suất phục vụ hành khách từ 10 triệu hành khách/năm lên 15 triệu hành khách/năm, nhằm đáp ứng sự tăng trưởng hành khách thông qua CHK quốc tế Nội Bài giai đoạn 2020 - 2030. Diện tích đất dự kiến sử dụng hơn 17.000m2 (đã được đền bù, GPMB và bàn giao đất cho Chủ đầu tư trong quá trình thực hiện đầu tư xây dựng giai đoạn I của Nhà ga hành khách T2 - CHK quốc tế Nội Bài; không đề nghị Nhà nước giao thêm đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất mới). Thời hạn thực hiện của dự án 50 năm.


Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối là 5.922 tỷ đồng (trong đó lợi nhuận sau thuế phát sinh trong năm 2018 là 6.028 tỷ đồng sẽ được phân phối để tiếp tục trích lập bổ sung Quỹ Đầu tư phát triển). Về cơ bản, Quỹ Đầu tư phát triển có khả năng đảm bảo cân đối được nguồn vốn cho dự án này.

Tuy nhiên, Quỹ Đầu tư phát triển của ACV sẽ đồng thời được sử dụng cho các dự án đầu tư phát triển lớn, trọng điểm khác của ACV trong giai đoạn 2019 - 2025 (không bao gồm CHK quốc tế Long Thành và đầu tư khu bay - theo số liệu báo cáo của ACV về phương án trích lập các quỹ, phân phối lợi nhuận và chia cổ tức năm 2018).

Mới đây, Bộ Tài chính cũng đề nghị ACV bổ sung số liệu, thuyết minh cụ thể về dự kiến trích lập Quỹ Đầu tư phát triển từ nguồn lợi nhuận sau thuế hàng năm và cân đối nguồn vốn cho dự án này để đảm bảo tính khả thi của dự án, không để ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh và an toàn tài chính của doanh nghiệp.

Trao đổi với Báo Giao thông, Chủ tịch ACV Lại Xuân Thanh cho biết, khi tiến hành cổ phần hóa để chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần năm 2015, toàn bộ Quỹ Đầu tư phát triển, Quỹ Xây dựng cơ bản… sẽ nhập về vốn chủ sở hữu để tăng vốn điều lệ từ 16 nghìn tỷ đồng lên hơn 21,7 nghìn tỷ đồng. Khi đó, Quỹ Đầu tư phát triển của ACV lại tích lũy từ đầu. Lũy kế đến ngày 3/12/2018, Quỹ Đầu tư phát triển của ACV đã tích lũy được 2.550 tỷ đồng và hơn 5.900 tỷ đồng lợi nhuận chưa phân phối.

“Khoản tiền đầu tư cho dự án T2, CHK quốc tế Nội Bài sẽ được lấy từ vốn chủ sở hữu của ACV bao gồm vốn tự có, Quỹ Đầu tư phát triển và lợi nhuận còn lại có thể có”, ông Thanh nói và cho biết, thời điểm năm 2018, tổng tiền mà ACV có là hơn 24 nghìn tỷ đồng. Hiện tại, con số này đã lên tới hơn 31 nghìn tỷ đồng, đảm bảo cân đối đủ cho các dự án đầu tư phát triển của ACV theo kế hoạch.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.