Hạ tầng

Hơn 4,7 tỷ USD đầu tư sân bay Long Thành được huy động như thế nào?

11/10/2019, 22:10

Chính phủ vừa trình Quốc hội báo cáo nghiên cứu khả thi dự án đầu tư xây dựng CHK quốc tế Long Thành giai đoạn 1.

img
Nhà ga hành khách CHK quốc tế Long Thành được thiết kế theo mô hình hoa sen cách điệu

Kiến nghị giao ACV là nhà đầu tư các công trình thiết yếu

CHK quốc tế Long Thành sau khi hoàn thành sẽ đạt cấp 4F theo phân cấp của ICAO, giữ vai trò là CHK quốc tế cửa ngõ lớn và quan trọng của quốc gia, hướng tới trở thành một trong những trung tâm trung chuyển hàng không quốc tế của khu vực ở giai đoạn 2, giai đoạn 3.

Trong giai đoạn 1, sẽ đầu tư xây dựng 1 đường cất hạ cánh; 1 nhà ga hành khách với công suất 25 triệu hành khách/năm; nhà ga hàng hóa 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm và các hạng mục phụ trợ.

Thừa uỷ quyền Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể vừa trình Chính phủ, Chính phủ trình Quốc hội báo cáo nghiên cứu khả thi dự án đầu tư xây dựng CHK quốc tế Long Thành giai đoạn 1.

Theo đó, Chính phủ kiến nghị Quốc hội xem xét, ban hành Nghị quyết thông qua một số nội dung của báo cáo nghiên cứu khả thi dự án đầu tư xây dựng CHK quốc tế Long Thành giai đoạn 1 do Chính phủ trình duyệt, trong đó có việc chấp thuận hình thức đầu tư CHK quốc tế Long Thành.

Cụ thể, Chính phủ đề xuất giao TCT Cảng hàng không VN (ACV) là nhà đầu tư - khai thác cảng đầu tư, sau đó cho các cơ quan quản lý Nhà nước thuê lại hạng mục các công trình trụ sở cơ quan quản lý Nhà nước.

ACV cũng sẽ trực tiếp đầu tư bằng vốn của doanh nghiệp các công trình thiết yếu của cảng hàng không.

Đối với các công trình dịch vụ, ACV được giao hợp tác đầu tư, nhượng quyền đầu tư, khai thác hoặc xã hội hóa đầu tư. Hình thức đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư.

Riêng hạng mục các công trình phục vụ quản lý bay, TCT Quản lý bay VN (VATM) được giao trực tiếp đầu tư bằng vốn của doanh nghiệp.

Về tổng mức đầu tư, báo cáo của Chính phủ cho hay, tổng mức đầu tư dự kiến (bao gồm: chi phí xây dựng, chi phí thiết bị, chi phí quản lý dự án, chi phí tư vấn đầu tư xây dựng, chi phí khác, thuế GTVT, dự phòng khối lượng, dự phòng trượt giá và lãi vay) hơn 111,6 nghìn tỷ đồng, tương đương hơn 4,7 tỷ USD.

Được biết, trong số hơn 4,7 tỷ USD này, ACV cần huy động hơn 98 nghìn tỷ đồng, tương đương gần 4,2 tỷ USD. VATM cần huỷ động hơn 3.200 tỷ đồng.

Đến ngày 31/12/2018, ACV đã tích lũy được lượng tiền mặt là 24.268 tỷ đồng; trong giai đoạn 2019-2025, ACV dự kiến tiếp tục tích lũy 12.339 tỷ đồng từ kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh. Như vậy, ACV đã bố trí vốn chủ sở hữu được 36.607 tỷ đồng, tương đương hơn 1,5 tỷ USD, chiếm 37% tổng vốn đầu tư.

Số vốn ACV phải đi vay khoảng hơn 2,6 tỷ USD. Vừa qua, ACV đã làm việc với các tổ chức tài chính (Ngân hàng và các quỹ đầu tư trong nước và nước ngoài) quan tâm đến dự án đầu tư xây dựng CHK Long Thành giai đoạn 1 để thu xếp phần vốn huy động.

Đến thời điểm hiện tại, ACV đã làm việc với 12 tổ chức trong và ngoài nước và ký các biên bản thoả thuận hợp tác (MOU) về thu xếp vốn với tổng giá trị đề xuất hơn 5 tỷ USD, thời gian vay 15 năm, thời gian ân hạn 5 năm, lãi suất trung bình dự kiến khoảng 5-5,5%/năm, thông qua các hình thức: Vay thương mại các tổ chức ngân hàng trong và ngoài nước; Hợp đồng tín dụng xuất khẩu (Export Credit Agreement) áp dụng cho các hạng mục thiết bị nhập ngoại; Phát hành trái phiếu doanh nghiệp cho thị trường trong nước và quốc tế.

Bên cạnh đó, ACV cũng đang thực hiện công tác đánh giá xếp hạng tín nhiệm bởi các tổ chức xếp hạng uy tín nhất trên thế giới nhằm thực hiện công tác huy động vốn một cách tối ưu cho dự án, phù hợp với các thông lệ quốc tế. Với các nội dung nêu trên và năng lực tài chính lành mạnh, có nguồn thu sẵn sàng của 21 cảng hàng không để bù đắp nếu thiếu hụt dòng tiền, ACV có thể huy động được nguồn vốn vay thương mại quốc tế có điều kiện vay tốt hơn mức thông thường của thị trường nên việc ACV là nhà đầu tư, khai thác sẽ giảm chi phí lãi vay, góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư và hiệu quả tài chính của dự án.

Với VATM, doanh nghiệp này đã cân đối được được khoảng 2,1 nghìn tỷ đồng. Số còn lại VATM dự kiến sẽ vay vốn thương mại của ngân hàng trong nước khoảng 1.100 tỷ đồng, với lãi suất tính toán dự kiến là 11%/năm.

Điều chỉnh tăng diện tích đất sử dụng trong giai đoạn 1

img
Thiết kế bên trong nhà ga

Một điểm đáng chú ý khác trong báo cáo của Chính phủ là đề xuất điều chỉnh diện tích đất giai đoạn 1 từ 1.165 ha lên khoảng 1.810 ha. Điều chỉnh 1.050 ha đất dành cho quốc phòng thành 570 ha đất dùng riêng cho quốc phòng và 480 ha đất dùng chung giữa quốc phòng và dân dụng.

Theo Chính phủ, trong quá trình lập FS, tư vấn đã kiến nghị mở rộng phạm vi xây dựng giai đoạn lên 1.810 ha để xây dựng các công trình đáp ứng nhu cầu khai thác tối thiểu giai đoạn 1 của cảng như: kho giao nhận hàng hóa, nhà ga hàng hóa chuyển phát nhanh, hệ thống công trình dẫn đường hàng không, khu vực điện năng lượng mặt trời, khu diễn tập phòng cháy, chữa cháy, các hồ điều hòa đảm bảo thoát nước…

Đồng thời, tư vấn đề nghị bổ sung diện tích phần san lấp mặt bằng cho đường cất hạ cánh số 2 (theo cấu hình đóng) và đường lăn kèm theo nhằm đảm bảo thuận lợi cho quá trình xây dựng đường cất hạ cánh số 2 trong các giai đoạn tiếp theo (nếu không san lấp mặt bằng trước, khi triển khai xây dựng đường cất hạ cánh này sẽ ảnh hưởng đến việc khai thác dự án giai đoạn 1 vì không có đường vào để thi công).

Bổ sung hai tuyến đường bộ kết nối sân bay Long Thành vào dự án

Trong báo cáo gửi Quốc hội, Chính phủ cũng đề xuất Quốc hội chấp thuận chủ trương bổ sung hai tuyến đường bộ kết nối số 1 và 2 vào dự án đầu tư xây dựng CHK quốc tế Long Thành giai đoạn 1 để đầu tư theo quy mô phân kỳ đầu tư.

Trước đó, tại báo cáo nghiên cứu tiền khả thi chưa đề cập cụ thể và ước tính chi phí đầu tư cho các tuyến giao thông kết nối cảng với hệ thống giao thông khu vực xung quanh. Trong quá trình nghiên cứu lập FS, tư vấn đã đề xuất các tuyến giao thông kết nối với hệ thống giao thông khu vực xung quanh.

Theo đó, trước mắt giai đoạn 1 sẽ đầu tư tuyến số 1 (dài 3,8 km) kết nối trục chính cảng (đầu phía Tây) với QL51. Giai đoạn 1 đầu tư với quy mô 6 làn xe. Thực hiện giải phóng mặt bằng theo quy mô hoàn chỉnh là 10 làn xe chạy chính và 6 làn đô thị song hành, bề rộng mặt cắt ngang thay đổi từ 85-120 m.

Tuyến số 2 (dài 3,5 km) kết nối tuyến số 1 với đường cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây. Quy mô mặt cắt ngang gồm 4 làn xe theo 2 nhánh chạy độc lập, song hành với cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu.

Do 2 tuyến đường bộ này trực tiếp phục vụ khai thác CHK Long Thành; đồng thời tuyến số 1 sẽ là đường công vụ chính để ra vào thi công giai đoạn 1 của dự án nên cần bố trí vốn kịp thời để triển khai sớm. Do đó, Chính phủ trình Quốc hội xem xét, chấp thuận chủ trương bổ sung hai tuyến này vào dự án CHK quốc tế Long Thành và giao nhà đầu tư, khai thác cảng trực tiếp đầu tư.

Tổng chi phí dự kiến khoảng 4.802 tỷ đồng (trong đó, chi phí đầu tư xây dựng là 3.233 tỷ đồng và chi phí giải phóng mặt bằng là 1.569 tỷ đồng). Diện tích cần giải phóng mặt bằng khoảng 136 ha.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.