Bạn cần biết

Hôn mê, suy thận vì mổ lợn ốm

17/08/2016, 13:25

Trực tiếp mổ, chế biến thịt lợn ốm, nam bệnh nhân hôn mê nhập viện vì mắc viêm màng não do liên cầu lợn.

nhiem khuan lien cau lon

Nam bệnh nhân hôn mê, suy thận vì mắc viêm màng não do liên cầu lợn  

Theo BS Nguyễn Trung Cấp, BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương mới tiếp nhận bệnh nhân Đ.V.K (51 tuổi, ở Thanh Hóa) trong tình trạng sốc, hôn mê. Bệnh nhân được chẩn đoán nhiễm khuẩn huyết, viêm màng não do liên cầu lợn và nhanh chóng được cấp cứu, hồi sức tích cực, thở máy. Hiện bệnh nhân K. vẫn còn hôn mê, suy thận, rối loạn đông máu.

Được biết, trước đó ít ngày thấy lợn gia đình nuôi lăn ra ốm nên ông K. đã trực tiếp mổ thịt và chế biến. Tuy nhiên chỉ 4 ngày sau, ông sốt cao và xuất hiện ban hoại tử chân tay.

Theo BS Cấp, bệnh nhân có thể đã nhiễm liên cầu lợn trong quá trình tiếp xúc với lợn bệnh. Thực tế, nguyên nhân nhiễm bệnh do ăn tiết canh chiếm tới 70%, còn lại là qua giết mổ, tiếp xúc và ăn thịt lợn chưa được nấu chín. Thời gian ủ bệnh của liên cầu lợn có thể vài tiếng đến 4 - 5 ngày, tùy cơ địa mỗi người.

Việc xác định bệnh thường chậm, do biểu hiện ban đầu của bệnh dễ nhầm với các rối loạn tiêu hóa, ngộ độc thông thường sốt nóng, sốt lạnh, đi ngoài nhưng không đi nhiều lần. Do vậy, bệnh thường chỉ được xác định khi cơ thể xuất hiện các ban hoại tử (do nhiễm khuẩn huyết) hoặc rơi vào tình trạng hôn mê, li bì, tri giác lơ mơ… khiến cơ hội cứu chữa bệnh nhân là rất thấp, gây nguy hiểm đến tính mạng. Nếu được cứu chữa, bệnh cũng để lại nhiều di chứng.

Chính vì vậy, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cũng khuyến cáo, để phòng bệnh liên cầu khuẩn, người dân cần tẩy trùng, vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, khi giết mổ, chế biến thịt lợn cần đảm bảo vệ sinh và đeo găng tay để tránh tiếp xúc trực tiếp với thịt lợn bệnh. Không ăn thức ăn từ thịt lợn chưa được nấu chín, đặc biệt là tiết canh sống. Nếu thấy có các dấu hiệu như: sốt cao đột ngột, mệt mỏi, rét run, đau đầu, buồn nôn, chóng mặt, rối loạn ý thức, mê sảng, có tiền sử tiếp xúc với lợn bệnh, ăn thực phẩm chưa nấu kỹ, thực phẩm tái (nem chua, nem chạo, tiết canh...) thì nên đến ngay cơ sở y tế để được điều trị sớm, tránh bệnh diễn biến nặng.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.