Xã hội

Hơn trăm công nhân căng băng rôn bị sa thải đột ngột, công ty VMEP nói gì?

25/10/2019, 15:53

Sau hơn chục ngày hàng trăm công nhân căng băng rôn phản đối bị sa thải đột ngột, đại diện Công ty VMEP đã lên tiếng.

img
Hàng trăm công nhân căng băng rôn phản đối bị sa thải đột ngột tại Hà Đông

Hơn chục ngày nay, hàng trăm công nhân Nhà máy Sản xuất phụ tùng và lắp rắp xe máy thuộc Công ty Hữu hạn chế tạo công nghiệp và gia công chế biến hàng xuất khẩu Việt Nam (Công ty VMEP) tập trung trước cổng doanh nghiệp tại đường Lê Trọng Tấn, phường La Khê, Hà Đông, Hà Nội để phản đối quyết định bị sa thải đột ngột.

Theo nội dung đơn cầu cứu gửi cơ quan báo chí, ngày 9/10/2019, Công ty VMEP phát hành thông báo chấm dứt hợp đồng lao động với 149 người do thay đổi cơ cấu, công nghệ. Thông báo đã được Tổng giám đốc Công ty VMEP ký duyệt. Tổng cộng 149 người lao động bị đơn phương chấm dứt hợp đồng vào ngày 30/11/2019 mà không có bất kỳ chính sách ưu đãi nào, kể cả phụ nữ và những người sắp đến tuổi nghỉ hưu.

Chị Nguyễn Thị Thanh Yên đại diện cho 149 công nhân vừa bị sa thải cho biết: Công nhân tập trung cổng nhà máy suốt từ ngày 12/10 đến nay. "Việc bị thông báo chấm dứt hợp đồng lao động đột ngột không chỉ gây nên sự bất bình cho mỗi cá nhân mà còn khiến cho cuộc sống của 149 gia đình chúng tôi bị xáo trộn và gặp muôn vàn khó khăn", chị Yên bức xúc.

Công nhân Nguyễn Thị Kim Thanh chia sẻ: “Cả hai vợ chồng tôi đều làm việc tại công ty VMEP và cùng bị chấm dứt hợp đồng lần này. Riêng cá nhân tôi làm việc ở đây đã 9 năm. Giờ cả hai vợ chồng thất nghiệp không biết lấy đâu chi phí nuôi 3 đứa con ăn học. Nhất là cháu thứ 3 nhà tôi mới 9 tháng tuổi. Giờ chúng tôi cũng chỉ muốn công ty chi trả những khoản hỗ trợ theo quy định để chúng tôi có thể trang trải cuộc sống cũng như tìm việc mới”.

Trong văn bản mới nhất công ty này gửi đến cơ quan chức năng, giải thích nguyên nhân chấm dứt hợp đồng là do làm ăn thua lỗ. Cụ thể, từ năm 2017 đến hết tháng 6/2019, công ty thua lỗ 26.359.416 USD (khoảng 606 tỷ đồng). Sản xuất bị đình trệ, đã có thời gian dài không có việc làm, người lao động phải nghỉ điều tiết, ngừng việc nhưng công ty vẫn phải trả đủ 100% lương cộng với tiền bảo hiểm xã hội. Vì vậy, công ty buộc phải tái cấu trúc, thay đổi cơ cấu, công nghệ và không thể giải quyết được việc làm mới cho 149 người chấm dứt hợp đồng lao động.

Công ty cho biết, trường hợp hai vợ chồng cùng bị chấm dứt hợp đồng sẽ được hỗ trợ 13 triệu đồng/người (mức hỗ trợ bằng tiền lương bình quân của hai vợ chồng). Pháp luật lao động không quy định phương án hỗ trợ người lao động lớn tuổi, tuy nhiên công ty sẽ hỗ trợ 3 người lớn tuổi 15 triệu đồng.

Ngoài ra, công ty cũng thực hiện một số chính sách: Người lao động nghỉ việc nhưng được hưởng nguyên lương và đóng bảo hiểm đầy đủ từ ngày từ 10/10-30/11/2019; Chi trả bằng tiền những ngày nghỉ phép năm 2018, 2019 đối với người lao động chưa nghỉ hết; Hỗ trợ tiền Tết dương lịch năm 2020 cho 149 người với mức 100 nghìn đồng/người; Hỗ trợ thêm cho tất cả 149 người lao động thêm 1 tháng lương theo mức bình quân 6 tháng gần nhất (chỉ áp dụng trong trường hợp cam kết không có khiếu kiện tranh chấp lao động của tất cả 149 người lao động, BCH công đoàn cơ sở và Công ty VMEP.

Tuy nhiên, 149 công nhân vẫn chưa đồng thuận với chính sách này vì cho rằng công ty thực hiện di dời để đầu tư xây dựng Dự án Khu hỗn hợp văn phòng, thương mại, siêu thị... theo nội dung Văn bản 5997/UBND-ĐT ngày 27/11/2017 và Quyết định số 2993/QĐ-UBND ngày 18/06/2018 của UBND TP Hà Nội nhưng lại lấy lý do cơ cấu công nghệ để giảm nhân sự, cắt hợp đồng đột ngột.

Báo Giao thông sẽ tiếp tục thông tin vụ việc.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.