Xã hội

Họp xây dựng luật, cử Vụ trưởng đến là "giải tán, không cho họp"

30/08/2018, 13:05

Đó là một thực tế được GS Trần Ngọc Đường nhắc lại tại cuộc họp góp ý xây dựng Luật của UB Pháp luật.

hoi-thao

Toàn cảnh Hội thảo khoa học MTTQ Việt Nam với nhiệm vụ tham gia xây dựng chính sách, pháp luật.

Ngày 30/8, Uỷ ban T.Ư MTTQ Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học MTTQ Việt Nam với nhiệm vụ tham gia xây dựng chính sách, pháp luật.

Góp ý còn hình thức, để “hợp thức hoá” quy trình

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực khẳng định, để đoàn kết, tăng cường đồng thuận xã hội, cốt lõi là phải phát huy dân chủ, đảm bảo hài hoà giữa các lợi ích. Các cơ chế chính sách đều phải được thể chế bằng pháp luật. Muốn thực hiện được nhiệm vụ, trách nhiệm đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân thì MTTQ phải tích cự tham gia xây dựng pháp luật.

Bên cạnh đó, muốn tổ chức các cuộc vận động phát huy tinh thần yêu nước và tự quản, MTTQ Việt Nam phải tham gia phổ biến, tuyên truyền pháp luật. Giám sát, phản biện xã hội để pháp luật được đúng đắn và thực thi, để hệ thống chính sách pháp luật ngày càng hoàn thiện.

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực cũng thẳng thắn nêu hạn chế  như việc tham gia góp ý của MTTQ Việt Nam chỉ tiến hành khi được cơ quan Nhà nước yêu cầu; Nhiều nội dung góp ý chưa đề cập sâu đến những vấn đề lớn mà nhân dân quan tâm; Việc tổ chức lấy ý kiến, tạo cơ chế thuận lợi cho các cơ quan, tổ chức trong hệ thống Mặt trận và đông đảo tầng lớp nhân dân tiếp cận dự thảo văn bản, tham gia góp ý kiến đối với các văn bản quy phạm pháp luật còn hạn chế. Những văn bản góp ý của MTTQ Việt Nam và tổ chức thành viên gửi đến các cơ quan hữu quan chủ trì soạn thảo còn mang tính hình thức...

GS.TS Trần Ngọc Đường – Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn dân chủ - pháp luật của Uỷ ban T.Ư MTTQ Việt Nam, nguyên Phó Chủ nhiệm VPQH nhấn mạnh, pháp luật trong nhà nước pháp quyền là những giá trị mà xã hội có, xã hội cần, xã hội ủng hộ. Pháp luật không chỉ đơn thuần là ý chí của Nhà nước mà còn là ý chí, lợi ích của các tầng lớp khác nhau trong xã hội.

Để có được pháp luật chứa đựng những giá trị đó, thông qua cơ chế thu hút sự tham gia của các tổ chức, chuyên gia, các nhà khoa học, nhà hoạt động xã hội có vai trò đặc biệt quan trọng.

Ông Đường nêu thực tiễn một số cơ quan có thẩm quyền soạn thảo văn bản thực hiện công đoạn lấy ý kiến của MTTQ Việt Nam dường như để hợp thức hoá quy trình, nên việc cử người đến tham dự để giải trình và tiếp thu không phù hợp, tài liệu văn bản “nước đến chân” mới gửi, không kịp nghiên cứu và cho ý kiến. Trong khi đó, các thành viên của Hội đồng tư vấn, Ban tư vấn thì bị động, ỷ lại nên chất lượng phản biện xã hội và góp ý đối với một số văn bản quy phạm pháp luật chưa cao.

Uỷ ban họp khép kín, cơ quan soạn thảo cử người “không biết gì” đi họp

Một bất cập khác được GS Đường chỉ ra là những quy định của pháp luật hiện tại đều đưa ra phản biện là do yêu cầy của cơ quan soạn thảo, MTTQ các cấp không thể chủ động đưa vào chương trình phản biện hàng năm, do đó Hội đồng tư vấn, Ban tư vấn, Tổ tư vấn không thể chủ động chuẩn bị một cách tốt nhất cho các cuộc phản biện.

tran-ngoc-duong

GS.TS Trần Ngọc Đường - nguyên Phó Chủ nhiệm VPQH

Do đó, ông Đường cho rằng pháp luật cần cụ thể hoá hơn nữa văn bản nào là văn bản cần được phản biện xã hội và quy trình phản biện xã hội trong ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Bởi bất cứ văn bản nào cũng đều liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân.

Cũng theo nguyên Phó Chủ nhiệm VPQH, Luật chưa quy định trách nhiệm phản hồi văn bản phản biện xã hội của cơ quan có thẩm quyền soạn thảo văn bản nên không biết kết quả phản biện ra sao, không có điều kiện để rút kinh nghiệm và phát huy vai trò của phản biện xã hội; các thành viên tham gia phản biện không biết ý kiến của mình được tiếp thu hay không nên không tạo ra được nguồn lực để động viên, khích lệ. Vì vậy Luật cần quy định trách nhiệm trả lời văn bản phản biện xã hội của MTTQ các cấp, trong đó chỉ rõ đã tiếp thu, sửa chữa văn bản những ý kiến gì, ý kiến nào không tiếp thu, vì sao.

GS Đường lưu ý cần nâng cao chất lượng của các cuộc họp phản biện xã hội và góp ý và văn bản quy phạm pháp luật. Đặc biệt, cơ quan soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật cần phải cử người có trách nhiệm tới các cuộc họp phản biện xã hội và các cuộc họp góp ý để vừa thể hiện sự trân trọng cuộc họp, vừa đủ trình độ để tiếp thu và giải trình tại các cuộc họp.

“Hồi tôi tham gia Uỷ ban pháp luật của Quốc hội, khi đó nếu cử Vụ trưởng đến họp là giải tán, không cho họp, ít nhất phải cử Thứ trưởng đến tham gia, đại diện cơ quan soạn thảo để trình bày với Uỷ ban, vì người có trách nhiệm mới hiểu được vấn đề, mới lĩnh hội được ý kiến, chứ cử những người như thư ký đến thì không có tác dụng gì” – ông Đường góp ý.

Ngoài ra, nguyên Phó Chủ nhiệm VPQH cũng cho rằng cần tăng cường sự phối hợp giữa cơ quan thẩm tra với các hội đồng tương ứng của MTTQ các cấp, theo đó, quy định rõ quy định về sự phối hợp giữa các cơ quan thẩm tra dự án văn bản quy phạm pháp luật với các Hội đồng tư vấn tương ứng của MTTQ các cấp trong các cuộc họp thẩm tra các dự án văn bản quy phạm pháp luật cũng như trong các cuộc họp phản biện xã hội hoặc góp ý văn bản quy phạm pháp luật.

“Tại sao các cuộc họp của Uỷ ban cứ khép kín, Uỷ ban nói với nhau? Hội đồng tư vấn cần thiết phản biện phải mời cơ quan thẩm tra dự án Luật đó đến họp, đưa ra các ý kiến phản biện để họ tiếp thu thêm” – ông Đường nói và nhấn mạnh thêm, sự phối hợp này có ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao chất lượng văn bản trước khi cơ quan có thẩm quyền thông qua, giúp cơ quan thẩm tra nắm bắt được đầy đủ, thực chất các ý kiến vào việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.