Xã hội

Huế: Các hồ thủy điện bắt đầu vận hành điều tiết "đón" lũ mới

18/11/2017, 13:51

Từ 13h chiều 18/11, thủy điện TT-Huế bắt đầu vận hành điều tiết đưa mực nước hồ về mực nước cao nhất trước lũ.

Tu- 13h- cac- ho- thuy- dien- o- Hue- bat- dau- va

Từ 13h chiều 18/11, các hồ thủy điện Bình Điền, Hương Điền, Tả Trạch (Thừa Thiên- Huế) bắt đầu vận hành đưa mực nước hồ về mực nước cao nhất trước lũ. Ảnh minh họa

Sáng nay (18/11), Văn Phòng Thường trực Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Thừa Thiên- Huế cho biết, Trưởng Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh đã ban hành các Công văn về việc vận hành điều tiết hồ thủy điện Bình Điền, Hương Điền và hồ thủy lợi, thủy điện Tả Trạch.

Ông Lê Thanh Hùng, Chánh Văn phòng Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Thừa Thiên- Huế cho biết, theo tin từ Đài Khí tượng thủy văn tỉnh, hiện nay (18/11) ở phía Bắc có một bộ phận không khí lạnh đang di chuyển xuống phía Nam. Dự báo, chiều và đêm nay (18/11), bộ phận không khí lạnh này sẽ ảnh hưởng đến các tỉnh Bắc Trung bộ, sau đó ảnh hưởng đến các tỉnh Trung Trung bộ. Từ ngày 19/11 tại Thừa Thiên- Huế có khả năng xuất hiện một đợt mưa vừa, rải rác mưa to, có nơi mưa rất to. Đợt mưa này có khả năng kéo dài trong khoảng 5- 7 ngày. Tổng lượng mưa của cả đợt phổ biến 200- 300mm, có nơi trên 400mm.

Trong khi đó, theo báo cáo của Công ty CP thủy điện Bình Điền, Công ty CP thủy điện Hương Điền và Ban Quản lý đầu tư xây dựng thủy lợi 5, mực nước các hồ thủy điện Bình Điền, Hương Điền và Tả Trạch đều đang ở mức cao hơn mực nước cao nhất trước lũ được quy định của Quy trình vận hành liên hồ chứa lưu vực sông Hương.

Tu- 13h- cac- ho- thuy- dien- o- Hue- bat- dau- va

Lực lượng CSGT Thừa Thiên- Huế hướng dẫn đảm bảo giao thông trên đoạn QL1 qua huyện Phú Lộc bị ngập sâu trong đợt mưa lớn bão số 12

Cụ thể, lúc 7h sáng 18/11, mực nước hồ thủy điện Bình Điền là 84m/80,6m, cao hơn mực nước cao nhất trước lũ được quy định của Quy trình vận hành liên hồ chứa lưu vực sông Hương là 3,4m, lưu lượng đến hồ 179m3/s. Mực nước sông Hương hiện nay là 0,52m.

Tương tự, mực nước hồ thủy điện Hương Điền là 57,44m/56m, cao hơn mực nước cao nhất trước lũ là 1,44m, lưu lượng đến hồ 133m3/s. Mực nước hồ Tả Trạch là 38,22m/35m, cao hơn mực nước cao nhất trước lũ là 3,22m.

Để đảm bảo an toàn công trình và vùng hạ du, tỉnh Thừa Thiên- Huế yêu cầu vận hành đưa mực nước hồ thủy điện Bình Điền, Hương Điền và Tả Trạch về mực nước cao nhất trước lũ trong khoảng thời gian 72 giờ. Theo đó, lưu lượng xả điều tiết tăng dần, tránh đột biến, tổng lưu lượng xả qua tràn và tuabin (đối với hồ thủy điện Bình Điền, Hương Điền) và vận hành điều tiết qua cống tháo sâu và qua tuabin (đối với hồ Tả Trạch) khoảng 400m3/s.

Tu- 13h- cac- ho- thuy- dien- o- Hue- bat- dau- va

Nỗ lực khắc phục sạt lở do mưa lớn ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 12 trên QL49

Thời gian bắt đầu điều tiết từ 13h ngày 18/11. Tùy theo tình hình diễn biến của mưa lũ để điều chỉnh điều tiết cho phù hợp. Nghiêm cấm toàn bộ hoạt động trên sông Hương, sông Bồ từ 9h ngày 18/11.

Tỉnh Thừa Thiên- Huế cũng yêu cầu UBND các huyện Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang, TX Hương Thủy, TX Hương Trà và TP Huế chỉ đạo các địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến của mực nước trên sông Hương để chủ động đối phó. Công an tỉnh chỉ đạo Cảnh sát đường thủy tuần tra, nghiêm cấm tất cả các hoạt động khai thác cát sỏi, du lịch trên sông để đảm bảo an toàn.

Thừa Thiên- Huế: Cấm biển từ 9h ngày 18/11

Trước đó, ngày 17/11, Văn phòng Thường trực Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Thừa Thiên- Huế đã có Công điện số 16, yêu cầu Ban chỉ huy PCTT&TKCN các huyện, thị xã, thành phố; thủ trưởng các cơ quan, đoàn thể và các đơn vị quản lý hồ chứa thủy lợi, thủy điện trên địa bàn tỉnh chủ động ứng phó với gió mùa Đông Bắc và áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão.

Công điện yêu cầu tổ chức kêu gọi toàn bộ tàu thuyền đang hoạt động trên biển về nơi trú ẩn an toàn; cấm biển từ 9h ngày 18/11. Khẩn trương khắc phục hậu quả do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 12 và trận lũ lớn vừa qua. Rà soát, kiểm tra phương án sơ tán dân vùng có nguy cơ lũ quét, sạt lở ở vùng núi, vùng gò đồi, vùng ven sông suối, ven biển, vùng thấp trũng để sẵn sàng di dời đến nơi an toàn khi cần thiết.

Tổ chức dự trữ lương thực, vật tư, nhiên liệu theo phương châm “4 tại chỗ”. Bố trí lực lượng canh gác, hướng dẫn giao thông tại các khu vực nước ngập sâu, chảy xiết khi có mưa lũ, nhất là qua các ngầm tràn để đảm bảo an toàn…

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.