Vận tải

Huế: Chủ xe buýt liên tỉnh lao đao sau 3 đợt dịch Covid-19, xe “nằm bến”

02/07/2021, 23:17

Dịch Covid-19 xuất hiện, tái bùng phát trở lại khiến nhiều nhà xe tuyến buýt liên tỉnh Huế - Đà Nẵng vay mượn đầu tư phương tiện mới lao đao...

img

Khu vực xe buýt tuyến liên tỉnh liền kề Huế- Đà Nẵng đầu tháng 7 này vẫn trống vắng sau gần 2 tháng xe buýt tuyến này đang tạm dừng hoạt động do ảnh hưởng của dịch Covid-19

Chủ xe lao đao vì áp lực trả nợ ngân hàng, xe vẫn đang “nằm bến”…

Ghi nhận của PV Báo Giao thông những ngày đầu tháng 7, nhiều tuyến vận tải khách liên tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến các địa phương có dịch đang phải tạm ngưng hoạt động theo quy định. Cửa vào nhà chờ tại khu vực các quầy bán vé tại Bến xe phía Nam TP. Huế cũng đang được đóng lại một phần để kiểm soát người ra vào tại cổng bến đo thân nhiệt, quét mã QR Code...

Phía khu vực lên tài xe buýt liên tỉnh liền kề Huế - Đà Nẵng bình thường cứ 15 phút có 1 xe xuất bến mỗi ngày, gần 2 tháng nay cũng trong cảnh vắng bóng xe cộ. Cũng tại bến xe nhộn nhịp nhất này ở tỉnh Thừa Thiên Huế, một số tuyến đến các địa phương không có dịch vẫn duy trì hoạt động nhưng trong cảnh “đói” khách. Xe buýt nội tỉnh sau thời gian tạm ngưng theo chủ trương phòng chống dịch Covid-19 của tỉnh, một số tuyến cũng đã hoạt động trở lại nhưng “thượng đế” đi xe buýt trên tuyến vẫn khá “lèo tèo”.

Ông Võ Phi Cường, Đội trưởng Đội xe buýt Huế (tuyến xe buýt liên tỉnh liền kề Huế - Đà Nẵng và ngược lại) cho hay, thực hiện chủ trương chuyển đổi tuyến cố định Huế - Đà Nẵng lên tuyến xe buýt liên tỉnh liền kề Huế - Đà Nẵng, các nhà xe, doanh nghiệp vận tải trên tuyến phải bán xe cũ, vay mượn người thân, cầm cố “sổ đỏ” thế chấp ngân hàng mới có đủ tiền để sắm phương tiện mới đời 2015 trở lên theo quy định.

img

Bình thường xe buýt liên tỉnh Huế - Đà Nẵng đậu nối đuôi ở khu vực lên tài Bến xe phía Nam TP. Huế với 15 phút 1 chuyến xe xuất bến

Xe buýt tuyến liên tỉnh liền kề Huế - Đà Nẵng và ngược lại chính thức khai trương đưa vào hoạt động ngày 1/1/2020, sau đó các nhà xe trên tuyến phải gửi đơn lên tỉnh “cầu cứu” vì nạn xe trá hình bùng phát “vét” hết khách, tiếp đến là phải tạm dừng hoạt động 3 đợt do ảnh hưởng của dịch Covid-19...

Ông Cường cũng cho biết, tuyến xe buýt Huế - Đà Nẵng và ngược lại từ khi đi vào hoạt động đến ngày 1/7 tròn 18 tháng, cũng từ đó đến nay đã 3 đợt những chiếc “cần câu cơm” chính của các gia đình phải tạm ngưng hoạt động tính đến nay đã hơn 110 ngày.

“Hai đợt phải tạm ngưng hoạt động trong năm 2020 lần lượt là 30 ngày và 50 ngày. Còn đợt hiện nay đã tạm ngưng hoạt động từ ngày 9/5, đến ngày 9/7 tới đây tròn 2 tháng không có thu nhập, rồi áp lực trả nợ ngân hàng nữa… khiến chúng tôi quá khó khăn, người đi phụ xe tải, người bán nước mía, cà phê… để có đôi đồng trang trải cuộc sống. Theo chủ trương của Chính phủ thì chúng tôi có được hỗ trợ nhưng hiện tại vẫn chưa nhận được khoản gì cả”, ông Cường cho hay.

img

Hành khách khai báo y tế khi đến Bến xe phía Nam TP. Huế đi xe buýt vào Đà Nẵng ngày 27/7/2020

Ông Trần Thiện Thanh Toàn, Giám đốc Chi nhánh Công ty CP Xe khách Phương Trang FUTA Bus Lines Huế cho biết hiện nay, sau thời gian phải tạm ngưng hoạt động theo chủ trương phòng chống dịch Covid-19 của tỉnh, xe buýt nội tỉnh của đơn vị này đang hoạt động lại chủ yếu các tuyến như TP.Huế - thị trấn Phong Điền - Phong Hòa và TP. Huế - Vinh Thanh.

"Lượng khách đi lại trên tuyến hiện rất ít, thu không đủ bù chi, nhưng chúng tôi cố gắng duy trì để phục vụ người dân có nhu cầu đi lại khám chữa bệnh, cán bộ công nhân viên đi làm…", ông Toàn cho hay. Một số tuyến khác của đơn vị này từ Huế đi Hà Nội, Huế - TP.HCM vẫn đang phải tạm ngưng hoạt động theo quy định. Tuyến Huế đi Lâm Đồng- vùng không có dịch (Huế- Đà Lạt, Huế- Bảo Lộc) đang hoạt động nhưng người dân còn ngại dịch Covid-19 nên đi lại còn ít nên cũng chạy “cầm chừng”. Đơn vị cũng đang phải “củng cố, cầm cự”, vừa đảm bảo phòng chống dịch vừa cố gắng duy trì hoạt động theo quy định...

img

Xe buýt nội tỉnh và xe khách liên tỉnh một số tuyến cũng đang "nằm bến" do ảnh hưởng của dịch...

Bến vắng khách, doanh thu giảm sâu…

Ông Phạm Xuân Sơn, Tổng Giám đốc Công ty CP Bến xe Huế cho biết, dịch Covid-19 khiến hàng loạt nhà xe, doanh nghiệp vận tải hành khách bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Doanh thu từ hoạt động hỗ trợ vận tải của các bến xe do đơn vị này quản lý cũng giảm trên 60-70%.

Đáng chú ý, theo ông Sơn, hiện nay tại Bến xe phía Nam TP. Huế còn 5 tuyến liên tỉnh với khoảng 5-10 xe hoạt động một ngày (bình thường 120-140 chuyến/ngày). Bên cạnh đó, trong thời gian dịch bệnh bùng phát, tháng 4/2021 tất cả các bến xe của công ty phải đóng cửa hoàn toàn trong thời gian dài, sau đó một số tuyến từ Huế đi các tỉnh có dịch như: Đà Nẵng, Quảng Nam, TP.HCM, Gia Lai, Đắk Lắk... tai Bến xe phía Nam; Hà Nội, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Hải Dương tại Bến xe phía Bắc ngừng hoạt động.

Tiếp đó thực hiện giãn cách xã hội, một số tuyến thì phải cắt giảm 50% số chuyến xe, 50% trọng tải và mỗi chuyến xe không quá 20 người. Đến nay các xe bỏ bến rất nhiều, lượng hành khách đi lại ít do ngại tâm lý ảnh hưởng của dịch. Vì vậy doanh thu năm 2020 và 2021 của công ty bị sụt giảm nghiêm trọng.

img

Một số tuyến xe buýt nội tỉnh vừa hoạt động trở lại cũng ít khách, thu không đủ bù chi

Theo ông Sơn, mặc dù còn rất nhiều khó khăn, nhưng các khoản thuế, phí, bảo hiểm xã hội, lương cho CBCNV… công ty đều phải đóng đầy đủ. Mặt khác, thực hiện chỉ đạo của các cơ quan chức năng, công ty này đã chủ động đưa ra các giải pháp và chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp vận tải khách một phần khó khăn như: hỗ trợ giảm phí dịch vụ bến bãi, giảm số chuyến xe trong một thời gian...

Trong khi đó, bến xe là doanh nghiệp thuộc đối tượng được hỗ trợ theo Chỉ thị số 11/2020/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ... Tuy nhiên, trong thời gian qua doanh nghiệp này cũng chưa nhận được bất kỳ khoản hỗ trợ nào từ các chính sách trên.

img

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.