Những bức tranh trâu của họa sĩ trẻ Ngô Thanh Hùng lấy cảm hứng từ lễ hội chọi trâu ở Đồ Sơn
Hơn chục năm qua, anh Ngô Thanh Hùng (giảng viên trường Đại học Kiến trúc Đà Nẵng) được giới nghệ thuật vui gọi với biệt danh “Hùng sửu” bởi bộ seri tranh trâu bằng chất liệu sơn dầu “độc nhất vô nhị” lấy cảm hứng từ các lễ hội chọi trâu...
Những ngày cuối năm, sau giờ lên lớp, thầy giáo trẻ Ngô Thanh Hùng lại tất bật chuẩn bị cho cuộc triễn lãm tranh trâu tại Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng. “Vậy là sau 15 năm, giấc mơ đưa trâu vào nghệ thuật của mình sắp thành hiện thực”, anh nói và cho biết, có khoảng 30 bức tranh trâu với chất liệu sơn dầu theo trường phái bán trừu tượng được trình làng trong triển lãm này.
Anh kể: “Hồi nhỏ, ở trong xóm có một bác vẽ tranh rất đẹp. Nhìn bác vẽ rất thích thú. Thế rồi tôi bắt đầu tập vẽ. Cọ vẽ là hòn gạch, nhánh cây, giấy vẽ là nền đất, tường rào, sân nhà”.
Những nét vẽ nguệch ngoạc của tuổi thơ dẫn lối anh thi vào Trường ĐH Mỹ thuật (ĐH Huế) ngành Sư phạm Mỹ thuật, rồi trở thành giảng viên Mỹ thuật, Trường ĐH Kiến trúc Đà Nẵng năm 2007, vừa giảng dạy, vừa sáng tác. “Trong các chủ đề tôi theo đuổi, tranh vẽ về trâu chiếm đa số. Với tôi, hình ảnh con trâu luôn mang đến những cảm hứng mới lạ, năng lượng sáng tạo không ngừng”, anh Hùng chia sẻ.
Anh bảo, 10 năm trước, năm nào anh cũng ra Hải Phòng, đến lễ hội chọi trâu Đồ Sơn. “Tôi không cổ súy cho các hành vi tiêu khiển mang tính bạo lực nhưng chỉ khi vào sới thì con trâu mới phô trương hết sức mạnh, tính cách. Tôi muốn tận mắt thấy được những điều ấy nên có năm tôi ở Đồ Sơn đến hết lễ hội, vừa xem trâu chọi, vừa theo chân các chủ trâu đến các lò huấn luyện”, anh chia sẻ.
“Có một hình ảnh đến bây giờ vẫn ám ảnh tôi, đó là sau khi giành giải Nhất trong lễ hội chọi trâu Đồ Sơn năm 2010, con trâu thắng được đưa về nghỉ ngơi trước khi đem lên đình hiến tế Thủy thần. Họ mang mía ngọt, cỏ sữa đến bồi bổ nhưng con trâu không ăn, đôi mắt nó ngấn lệ. Lần đầu tiên trong đời tôi thấy trâu khóc, có lẽ nó cảm nhận được kết cục của mình”, anh Hùng nhớ lại.
Từ niềm đam mê, cùng với những trải nghiệm, cảm xúc dồn nén đã giúp anh lần lượt cho ra đời các tác phẩm tranh về trâu mang dấu ấn, phong cách của riêng mình. Kết quả, trong hơn 10 năm sáng tác, đến nay, anh đã có một seri tranh về trâu bằng sơn dầu theo trường phái bán trừu tượng được giới mỹ thuật đánh giá cao.
Theo anh Hùng, điều khó nhất khi vẽ trâu là thể hiện sức mạnh, khí thế qua các tư thế của nó, kể cả thần thái đôi mắt. “Mỗi tác phẩm của tôi, hình ảnh con trâu được khắc họa với biểu cảm, sắc thái, sức mạnh nội lực khác nhau”, anh giới thiệu.
Theo ông Hồ Đình Nam Kha, Chủ tịch Hội Mỹ thuật TP Đà Nẵng, bộ tranh trâu mang phong cách nghệ thuật bán trừu tượng của họa sĩ trẻ Ngô Thanh Hùng có giá trị về hình thức, lẫn nội dung lớn. Độ phiêu bút pháp thể hiện trong từng nét vẽ, gam màu. “Là một tác giả trẻ, nhưng Ngô Thanh Hùng đã có sự tìm tòi, định hướng và khuynh hướng sáng tạo của mình. Qua gần 30 bức tranh về trâu, Ngô Thanh Hùng đã định danh được tên tuổi của mình trong giới nghệ thuật ở Đà Nẵng”, ông Kha nhận định.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận