Đường sắt

Hướng dẫn mới quy trình tổ chức vận tải đường sắt mùa dịch

30/08/2021, 18:25

Bộ GTVT hướng dẫn cụ thể về quy trình tổ chức vận tải, đảm bảo kiểm soát dịch nghiêm ngặt phòng dịch Covid-19 trong lĩnh vực đường sắt.

Chỉ bán 50% số chỗ trên tàu khách

Hôm nay (30/8), Bộ GTVT có quyết định ban hành hướng dẫn tạm thời về tổ chức giao thông, kiểm soát dịch đối với hoạt động vận tải bằng phương tiện giao thông đường sắt trong thời gian phòng, chống dịch Covid-19.

Ngoài các yêu cầu bắt buộc về thực hiện 5K đối với nhân viên đường sắt, hành khách trên tàu dưới ga, Bộ GTVT cũng quy định, chỉ mở bán 50% số chỗ trên các toa xe ghế ngồi, giường nằm để đảm bảo hành khách ngồi, nằm giãn cách nhau một hàng ghế hoặc đảm bảo khoảng cách 1m.

"Với nhóm hành khách là thành viên trong cùng một gia đình, có thể không áp dụng quy định về giãn cách trong toa xe", hướng dẫn nêu.

img

Bộ GTVT yêu cầu, đối với tàu khách, chỉ được bán 50% số chỗ, hành khách phải có giấy xét nghiệm âm tính theo quy định. Ảnh: Tàu chuyên biệt chở người dân từ các tỉnh phía Nam về quê

Nhân viên bán vé phải yêu cầu hành khách đến mua vé cung cấp đầy đủ các thông tin cá nhân của người đi tàu bao gồm: Họ và tên, số CMND (CCCD hoặc hộ chiếu), số điện thoại và nhập lên hệ thống bán vé điện tử. Khi mua vé online qua các website: dsvn.vn; vetauonline.vn; vetau.com.vn và qua các ứng dụng Momo, VNpay, Viettelpay, Vimo, hành khách phải cung cấp đầy đủ các thông tin cá nhân như mua tại cửa vé.

“Doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt bán vé phải thông báo trước cho địa phương nơi khách đến mác tàu, giờ tàu đến và danh sách hành khách xuống ga để chuẩn bị phương án đón hành khách và phòng, chống dịch theo quy định”, Bộ GTVT yêu cầu.

Hành khách đi hoặc đến địa phương đang áp dụng Chỉ thị số 16 phải có xác nhận đồng ý cho phép đi của địa phương nơi đang cư trú; Xác nhận đồng ý tiếp nhận của địa phương nơi đến.

Hành khách lên tàu phải có giấy xét nghiệm theo quy định, thực hiện nguyên tắc 5K trong suốt hành trình. Trường hợp có biểu hiện ho, sốt, khó thở phải báo ngay cho nhân viên phục vụ trên tàu để thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định.

Tại ga hành khách lên tàu, các đơn vị phải kiểm tra, hướng dẫn hành khách thực hiện việc khai báo y tế bắt buộc, đảm bảo toàn bộ hành khách phải được khai báo y tế trước khi lên tàu (trừ trường hợp hành khách đến ga sát giờ tàu chạy sẽ thực hiện việc khai báo y tế trên tàu).

Hướng dẫn cũng nêu rõ cần kiểm tra thân nhiệt, giấy xét nghiệm của tất cả hành khách trước khi vào ga, lên tàu. Trường hợp phát hiện hành khách có các biểu hiện ho, sốt, khó thở phải kịp thông báo cho cơ quan y tế địa phương hoặc hotline của Bộ Y tế 1900 9095 để thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo quy định.

Trên tàu, nhân viên đường sắt phải kiểm tra, hỗ trợ hành khách thực hiện việc khai báo y tế bắt buộc đối với những người chưa kịp khai báo y tế dưới ga; Bổ sung thông tin cá nhân của hành khách chưa có hoặc còn thiếu thông tin cá nhân.

Hướng dẫn cũng nêu rõ các nội dung cần thực hiện trong trường hợp hành khách đi tàu có dấu hiệu sốt cao, ho, tức ngực, mệt mỏi... nghi nhiễm Covid -19. Cụ thể, bố trí khu vực riêng cho hành khách nghi nhiễm, tạm thời cách ly trên tàu, đồng thời di chuyển bớt hành khách sang các toa lân cận gần nhất, nhằm hạn chế tiếp xúc nhiều với người nghi nhiễm Covid-19.

Nhân viên phụ trách toa xe khi tiếp xúc với hành khách nghi nhiễm Covid-19 cũng cần được cách ly ngay, không bố trí phục vụ hành khách. Khi tàu về ga cuối cùng, trường hợp có thông báo kết quả xét nghiệm dương tính của hành khách thì nhân viên cách ly theo quy định.

Bộ GTVT cũng yêu cầu, tại các ga tàu có tác nghiệp đón trả khách, doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt bàn giao số lượng hành khách, danh sách hành khách xuống tàu với cơ quan được chính quyền địa phương ủy quyền để thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định.

img

Hướng dẫn của Bộ GTVT nêu rõ, đối với tàu hàng, trưởng tàu, lái tàu và các nhân viên trên tàu không được vào ga nếu không cần thiết, các tác nghiệp, giao nhận thực hiện ngoài hiện trường. Ảnh: minh họa

Trưởng tàu, lái tàu hàng không được vào ga

Đối với vận tải hàng hóa, hướng dẫn của Bộ GTVT yêu cầu tại ga xếp - dỡ, doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt đăng ký điểm kiểm soát dịch tại các địa điểm giao dịch vận chuyển hàng hóa trên hệ thống thông tin quản lý khai báo y tế tại website http://tokhaiyte.vn, in mã QR code từ hệ thống; Yêu cầu khách hàng khai báo y tế trên ứng dụng Bluezone hoặc Ncovi để khách hàng quét mã QR code tại điểm kiểm soát dịch khi đến làm việc.

Nhân viên đường sắt và công nhân bốc xếp tại các ga thuộc địa phương áp dụng Chỉ thị số 16, khi đến nơi làm việc phải có giấy xét nghiệm theo quy định. Sau khi dỡ hàng hóa xong phải khử khuẩn toa xe hàng nếu thấy cần thiết, để đảm bảo nguyên tắc phòng chống dịch.

Bộ GTVT cũng quy định cụ thể việc phòng dịch trong suốt hành trình chạy tàu dọc đường. Tại các ga tàu dừng, đỗ tác nghiệp kỹ thuật, trưởng tàu hàng, lái tàu, phụ lái tàu và các nhân viên làm việc trên tàu hàng chỉ được tiếp xúc với nhân viên liên quan khi thực hiện nhiệm vụ, không vào ga khi không cần thiết. Mọi giao nhận thực hiện ngoài hiện trường và khi giao nhận phải thực hiện nghiêm nguyên tắc 5K của Bộ Y tế.

Tại ga cuối hành trình, trưởng tàu hàng, lái tàu, phụ lái tàu và các nhân viên làm việc trên tàu hàng sau khi giao nhận vận đơn, giấy tờ liên quan với các đơn vị phải về ngay nhà lưu trú, không tiếp xúc với người lạ và đi ra ngoài khu vực ga.

“Khi kết thúc hành trình, tàu về đến ga xuất phát, nhân viên làm việc trên đoàn tàu hàng phải thực hiện công tác vệ sinh toa xe, thực hiện nghiêm phòng chống dịch trong công tác giao nhận, báo cáo thực hiện nhiệm vụ sản xuất đối với đơn vị, khai báo y tế và nộp nhật ký tiếp xúc với các nhân viên của các đơn vị khác trong quá trình chạy tàu”, Bộ GTVT yêu cầu.

Quy trình cũ của đường sắt phòng dịch thế nào?

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Phan Quốc Anh, Phó TGĐ Tổng công ty Đường sắt VN cho biết, trước đây, ngành Đường sắt đã thực hiện các biện pháp phòng dịch chặt chẽ, nghiêm ngặt nhằm đảm bảo phòng dịch trên tàu, dưới ga. Trong đó, nhân viên, khách hàng đến ga, đi tàu phải tuân thủ 5K; khử khuẩn toa xe, đầu máy sau mỗi hành trình là yêu cầu bắt buộc.

Hành khách khi đi tàu phải khai báo y tế, đeo khẩu trang. Trên tàu, dưới ga đều có khu vực dành để cách ly hành khách hoặc nhân viên đường sắt nghi nhiễm, chờ cơ quan y tế có thẩm quyền hướng dẫn, xử lý.

Với các đoàn tàu khách lập riêng chở người dân từ các tỉnh có dịch về quê, chỉ tổ chức khi được phép của cơ quan có thẩm quyền, sự chấp thuận của địa phương có ga đi và địa phương có ga đến, đồng thời tuân theo quy trình vận tải, phòng dịch riêng. Hành khách phải có xét nghiệm âm tính theo quy định mới được đi tàu và khi về đến địa phương phải đi cách ly tập trung.

Trưởng tàu, lái tàu, nhân viên trên tàu phải hạn chế tiếp xúc. Nhân viên trên tàu không có nhiệm vụ không được vào ga. Việc thực hiện tác nghiệp giao nhận như giấy tờ, vận đơn phải để ở khu vực riêng, xịt khuẩn trước khi nhận, tránh tiếp xúc…

Nhân viên trên tàu, dưới ga được xét nghiệm định kỳ hoặc xét nghiệm trước khi đi tàu tùy theo qui định của địa phương tàu xuất phát và địa phương tàu đến.

“Các đơn vị cũng bố trí khu lưu trú độc lập cho các nhân viên công tác trên tàu, lái tàu và yêu cầu các nhân viên này khi làm nhiệm vụ không được ra khỏi khu ga đường sắt, khi xuống ban không được ra khỏi khu lưu trú. Nhiều đơn vị thực hiện 3 tại chỗ để đảm bảo an toàn phòng dịch”, ông Quốc Anh cho hay.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.