Y tế

Hướng đi mới ghép tế bào gốc từ cuống rốn cho bệnh nhân suy tủy xương

28/11/2024, 16:45

Tại Hội nghị khoa học Huyết học – Truyền máu toàn quốc 2024, nhiều kỹ thuật mới nhất về điều trị các bệnh lý máu được các chuyên gia Huyết học trong và ngoài nước chia sẻ.

Ngày 28-29/11, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương phối hợp với Hội Huyết học - Truyền máu Việt Nam, các Trung tâm Huyết học - Truyền máu trong cả nước tổ chức Hội nghị khoa học Huyết học - Truyền máu toàn quốc năm 2024. Hội nghị là diễn đàn khoa học lớn nhất của ngành Huyết học - Truyền máu được tổ chức định kỳ 2 năm một lần.

Hướng đi mới ghép tế bào gốc từ cuống rốn cho bệnh nhân suy tủy xương- Ảnh 1.

Nhiều kỹ thuật mới nhất về điều trị các bệnh lý máu được chia sẻ tại Hội nghị khoa học Huyết học – Truyền máu toàn quốc 2024. (Ảnh: V.T).

Hội nghị năm nay quy tụ 1.600 đại biểu là các chuyên gia quốc tế đến từ các nền y học tiên tiến trên thế giới như Mỹ, Anh, Đức, Singapore; các nhà khoa học đầu ngành trong nước về Huyết học - Truyền máu, các bác sĩ, dược sĩ, cử nhân, kỹ thuật viên, điều dưỡng đến từ các bệnh viện, các trường đại học, viện nghiên cứu trên toàn quốc.

Trong các báo cáo cập nhật kiến thức y khoa, TS. Richard Childs – Viện Tim, Phổi, Máu, Viện Sức khỏe Hoa Kỳ đã chia sẻ về ghép tế bào gốc từ nguồn máu dây rốn tăng sinh ngoài cơ thể, một cách tiếp cận về ghép mới cho nhóm suy tủy xương.

Tác giả đưa ra các lựa chọn trong ghép TBG cho nhóm bệnh nhân này, đặc biệt là phát triển một phương pháp ghép tế bào gốc từ máu dây rốn tối ưu hóa được kết quả ghép cho nhóm suy tủy xương kháng trị bằng cách sử dụng đơn vị máu dây rốn tăng sinh ngoài cơ thể (Omidubicel Gamida Cell). Ghép TBG từ máu dây rốn tăng sinh cho nhóm SAA kháng trị cho thấy khả năng mọc ghép rất nhanh và bền vững, tỷ lệ bệnh ghép chống chủ cấp và mạn đều thấp và tỷ lệ sống rất tốt. Dựa trên những dữ liệu này, đơn vị đang đề nghị FDA chấp thuận cho các chỉ định của Omidubicel để sử dụng trên bệnh nhân suy tủy xương mức độ nặng người lớn và trẻ em có kế hoạch ghép từ máu dây rốn bằng phác đồ điều kiện hóa giảm liều.

PGS.TS. Nguyễn Hà Thanh, Viện trưởng Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương, Trưởng ban Tổ chức Hội nghị cho biết: Hội nghị khoa học Huyết học - Truyền máu toàn quốc là dịp để các cán bộ chuyên ngành Huyết học - Truyền máu trao đổi chuyên môn, chia sẻ kinh nghiệm, cập nhật và nâng cao kiến thức để cùng xây dựng chuyên khoa ngày một phát triển.

Trong thời gian tới, ngành Huyết học - Truyền máu sẽ tập trung vào các kỹ thuật mới nhất mà khu vực và thế giới đang phát triển như: ghép tế bào gốc tạo máu, ghép tế bào gốc trung mô, các lĩnh vực liên quan đến điều trị tế bào như liệu pháp CAR-T, điều trị nhắm đích bằng các thuốc mới. Đây là những phương pháp điều trị chính xác, hiệu quả hơn nhiều so với trước kia, giúp cải thiện chất lượng cuộc sống cho người bệnh và chữa khỏi bệnh trong một số trường hợp.

Nhờ liên tục cập nhật các phác đồ điều trị, đưa vào sử dụng nhiều loại thuốc mới, thuốc nhắm đích và nâng cao hiệu quả truyền máu mà chất lượng điều trị các bệnh lý Huyết học ngày càng tốt hơn.

Lĩnh vực ghép tế bào gốc tạo máu tiếp tục phát triển với việc triển khai nhiều kỹ thuật ghép phức tạp, từ nhiều nguồn tế bào gốc khác nhau, đem đến cơ hội sống cho nhiều người bệnh. Riêng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương đã thực hiện thành công 660 ca ghép, đồng thời chuyển giao thành công kỹ thuật ghép tế bào gốc tự thân cho một số bệnh viện, giúp nhiều người bệnh tiếp cận với phương pháp điều trị hiện đại này.

Lĩnh vực di truyền - sinh học phân tử cũng đạt được những kết quả khả quan trong việc nghiên cứu các đột biến gen ở các bệnh máu; góp phần nâng cao chất lượng điều trị bệnh lý Huyết học và chẩn đoán trước sinh bệnh máu di truyền. Hoạt động phòng bệnh tan máu bẩm sinh, căn bệnh di truyền với 13,8% dân số mang gen bệnh cũng được đẩy mạnh tại nhiều địa phương.

Lĩnh vực truyền máu đã đảm bảo được nguồn máu an toàn, chất lượng cho công tác điều trị; tỷ lệ người hiến máu tình nguyện đạt trên 97%. Trong đó, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương đã chủ động, tích cực và sáng tạo trong xây dựng nguồn người hiến máu, điều tiết máu và sử dụng máu an toàn trên phạm vi toàn quốc.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.