1 tháng phát hành 5 lô trái phiếu 2.900 tỷ
Quý I/2024, thị trường M&A đã ghi nhận một thương vụ gây chú ý với việc tập đoàn Home Credit công bố việc ký thỏa thuận khung có điều kiện để chuyển nhượng 100% phần vốn góp trong Công ty tài chính TNHH MTV Home Credit Việt Nam (Home Credit Vietnam) cho bên mua là The Siam Commercial Bank Public Company Limited (SCB), thành viên của SCBX Public Company Limited (SCBX).
Thỏa thuận chuyển nhượng trị giá khoảng 800 triệu euro và quá trình chuyển giao dự kiến sẽ hoàn tất trong nửa đầu năm 2025, sau khi có chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam và Thái Lan. Giá trị chuyển nhượng thực tế sẽ được xác định vào thời điểm hoàn tất giao dịch.
Trong bối cảnh ở giai đoạn sắp chuyển giao cho người Thái, dường như Home Credit cũng đang cố gắng cải thiện dòng tiền nhằm có được kết quả sổ sách "đẹp hơn".
Theo đó, vào ngày 28/6, Home Credit đã phát hành lô trái phiếu HCVCL2427005 với giá trị 600 tỷ đồng, kỳ hạn 36 tháng, lãi suất 7,4%/năm.
Đáng chú ý, đây là lô trái phiếu thứ 5 được Home Credit phát hành trong 1 tháng vừa qua.
Được biết, từ 31/5 – 28/6, doanh nghiệp đã phát hành tổng cộng 5 lô trái phiếu gồm: HCVCL2427001, HCVCL2426002, HCVCL2426003, HCVCL2426004, HCVCL2427005 với giá trị lên đến 2.900 tỷ đồng.
Tài sản hơn 25.000 tỷ, nợ gần 19.000 tỷ
Xoay quanh thời điểm phát hành, Home Credit cũng phát sinh thêm các hợp đồng tín dụng, thế chấp với các tài sản bổ sung tại nhiều tổ chức tín dụng nước ngoài ở Đài Loan, Singapore và Hong Kong.
Việc huy động một lượng lớn tiền trong khoảng thời gian ngắn đến như vậy đã khiến giới kinh doanh tò mò về tình hình vốn hiện tại của Home Credit.
Nhìn lại kết quả kinh doanh cuối năm 2023, Home Credit Việt Nam đã ghi nhận lợi nhuận sau thuế chỉ 375,3 tỷ đồng, giảm tới 68,4% so với năm 2022.
Trong khi đó, tổng nợ mà doanh nghiệp đang phải "gánh" đã gấp 2,79 lần vốn chủ sở hữu, tương đương khoảng 18.841 tỷ đồng. Ngoài ra, dư nợ trái phiếu của Home Credit là khoảng 1.080 tỷ đồng, giảm không đáng kể so với cuối năm 2022.
Như vậy ước tính tổng tài sản của Home Credit vào cuối năm 2023 đạt 25.594 tỷ đồng (khoảng 1 tỷ USD), với phần lớn là nợ phải trả.
Dòng tiền ngắn hạn gặp khó?
Không chỉ vậy, một chỉ số cũng cần quan tâm đó là tỷ lệ khả năng chi trả trong 30 ngày của Home Credit ở mức -199,59%.
Về lý thuyết, tỷ lệ thanh toán ngắn hạn có thể là số âm khi mà các tài sản có thanh khoản cao (tiền và khoản tương đương tiền) mà doanh nghiệp sở hữu (trong ngắn hạn) ít hơn hoặc bằng số nợ phải trả trong vòng 30 ngày.
Điều này đồng nghĩa với việc doanh nghiệp có thể đã sử dụng hết tiền mặt và các khoản tương đương tiền để đầu tư vào tài sản dài hạn hoặc cam kết chi phí khác trong ngắn hạn mà không đảm bảo có đủ tiền để chi trả nợ trong vòng 30 ngày.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp có thể gặp khó khăn trong việc thu hồi các khoản phải thu hoặc doanh thu chậm trả từ khách hàng, dẫn đến không đủ tiền mặt để chi trả nợ trong thời hạn ngắn.
Đây cũng là tình trạng khá phổ biến đối với nhiều công ty tài chính cho vay tiêu dùng hiện nay khi khó thu hồi nợ trong bối cảnh kinh tế khó khăn.
Home Credit cho biết tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn của công ty đang ở mức -13,55%, hay nói cách khác là không cần dùng nguồn vốn ngắn hạn để cho vay dài hạn.
Tuy nhiên, điều này có thể chỉ là yếu tố "đánh lạc hướng" bởi nếu nhìn vào tỷ lệ khả năng chi trả trong 30 ngày, Home Credit dường như cũng đang gặp khó với chính dòng tiền trong ngắn hạn. Vì vậy việc doanh nghiệp không thể dùng nguồn vốn ngắn hạn để cho vay dài hạn là hoàn toàn có cơ sở.
Đặc biệt, khi nhìn vào 2 chỉ số này trong năm 2022, tỷ lệ khả năng chi trả trong 30 ngày của Home Credit và tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn đều là số dương (lần lượt ở mức 121,77% và 14,29%). Điều này đã cho thấy doanh nghiệp có thể thu xếp được đủ dòng tiền trong kỳ, và từ đó có thể dùng nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung dài hạn.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận