Hạ tầng

Huy động hơn 366 nghìn tỷ đồng phát triển giao thông nông thôn

15/10/2019, 10:26

Sau 10 năm triển khai chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, tiêu chí giao thông nông thôn đã cán đích trước hạn 1,5 năm.

img
Thứ trưởng Bộ GTVT phát biểu tại hội nghị

Mục tiêu phát triển giao thông nông thôn cán đích trước hạn 1,5 năm

Sáng nay (15/10), Bộ GTVT tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm phát triển giao thông nông thôn (GTNT) thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2010 - 2020.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn cho biết, khu vực nông thôn chiếm vị trí đặc biệt quan trọng trong quá trình xây dựng, phát triển và bảo vệ chủ quyền đất nước. Thực hiện Nghị quyết số 26/2008 của Hội nghị lần thứ 7 Ban chấp hành TƯ Đảng khoá X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020.

“Sau 10 năm triển khai thực hiện, công tác phát triển giao thông nông thôn trên cả nước đạt kết quả toàn diện. Kết cấu hạ tầng giao thông phát triển mạnh, nhiều công trình GTNT được xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp và được thực hiện bảo trì thường xuyên.

Giai đoạn 2010 - 2019 cả nước xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp và bảo trì sửa chữa 345.897km đường, 31.364 cầu, 125.639 cống; Giảm sâu số xã chưa có đường ô tô đến trung tâm xã từ 140 xã năm 2010 xuống còn 13 xã năm 2019; Tăng tỷ lệ cứng hóa các loại đường GTNT từ 37,9% năm 2010 lên 68,69% năm 2019. Số xã đạt tiêu chí về đường GTNT đạt 63,2%, vượt kế hoạch trước 1,5 năm so với mục tiêu đặt ra trong chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Trong đó, tiêu chí GTNT về đích trước hạn 1,5 năm”, Thứ trưởng Lê Anh Tuấn cho hay.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ GTVT, hệ thống GTNT ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo vẫn còn nhiều khó khăn; cả nước hiện vẫn còn 13 xã chưa có đường ô tô đi đến trụ sở UBND; 101 xã có đường ô tô đến trụ sở UBND xã nhưng không đi lại được 4 mùa; rất nhiều xã đường chưa được cứng hóa lớp mặt, nên việc đi lại còn khó khăn, nhất là trong mùa mưa, lũ.

“Do đó, để xây dựng và phát triển nông thôn mới trong giai đoạn tiếp theo, cần tiếp tục có những định hướng rõ ràng, các giải pháp đồng bộ và sự quan tâm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, sự vào cuộc của tất cả các cấp, các ngành và đặc biệt là sự tham gia tích cực của chính những người dân vùng nông thôn”, Thứ trưởng nói.

Thứ trưởng Lê Anh Tuấn cũng đánh giá cao sự hỗ trợ to lớn của các nhà tài trợ nước ngoài như: ADB, WB, Nhật Bản, Australia và các cá nhân, tổ chức trong nước đã hỗ trợ về tài chính tăng cường năng lực cho ngành GTVT Việt Nam trong quá trình phát triển GTNT thời gian qua.

Huy động tối đa nguồn lực phát triển giao thông nông thôn

Trước đó, báo cáo tại Hội nghị, bà Trần Thanh Thúy, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Đầu tư (Bộ GTVT) cho biết, giai đoạn 2010 - 2019, tổng các nguồn vốn được huy động dành cho GTNT là 366.246 tỷ đồng. Trong đó nguồn vốn Bộ GTVT huy động để triển khai các chương trình đề án, dự án về GTNT là 12.707 tỷ đồng từ nguồn vốn ODA, đối ứng của Chính phủ và đóng góp tự nguyện của tổ chức, cá nhân bằng hình thức xã hội hóa.

Nguồn vốn do các địa phương huy động là 353.539 tỷ đồng. Trong đó, có 324.006 tỷ đồng vốn đầu tư xây dựng từ các nguồn ngân sách TƯ hỗ trợ trực tiếp các địa phương, vốn ngân sách địa phương, vốn ODA của các địa phương, vốn xã hội hóa qua sự đóng góp của các tổ chức, doanh nghiệp, huy động từ nhân dân và HƠN 29.530 tỷ đồng vốn bảo trì, từ nguồn của các địa phương cân đối bố trí, Quỹ bảo trì đường bộ TƯ, vốn bảo trì hệ thống đường thủy nội địa.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.