Giao thông

Huy động vốn nước ngoài làm cao tốc Bắc Nam: Cần cơ chế

28/10/2016, 16:33

TS.Lê Xuân Nghĩa cho rằng phải có cơ chế để huy động được vốn từ nhà đầu tư nước ngoài làm đường cao tốc.

Cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình thuộc thành phần cao t

Cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình thuộc dự án thành phần của cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Hà Nội - TP.Hồ Chí Minh đã hoàn thành và đưa vào khai thác toàn tuyến từ năm 2012 

Ủng hộ chủ trương đầu tư đường cao tốc Bắc - Nam của Bộ GTVT, ông Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia, nói: “Đề án này có điểm rất đặc biệt đó là số tiến hỗ trợ của Nhà nước khoảng 93 nghìn tỷ đồng từ việc phát hành TPCP thay vì sử dụng vốn vay ODA. Tôi cho rằng, đây là đề xuất mạnh dạn, một cách làm sáng tạo của Bộ GTVT và có lẽ là cách duy nhất để chúng ta có thể triển khai được dự án này”.

Tuy nhiên, vấn đề khiến ông Nghĩa băn khoăn là việc huy động nguồn vốn tư nhân khoảng 136.286 tỷ đồng để tham gia đầu tư dự án. “Nguồn hỗ trợ của Nhà nước đã lấy từ nội địa, nếu nguồn vốn nhà đầu tư huy động tiếp tục lấy từ các ngân hàng thương mại trong nước sẽ rất khó khăn. Do đó, chúng ta phải có cơ chế hướng doanh nghiệp vay vốn từ nước ngoài.

Theo ông Nghĩa, hiện nay, các nhà đầu tư nước ngoài rất quan tâm đến các dự án giao thông của Việt Nam, không chỉ đối với các dự án đường cao tốc mà còn cả Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

“Chúng ta nên vay vốn nước ngoài và có thể vay được. Có điều các nhà đầu tư nước ngoài họ lo ngại về rủi ro pháp lý của Việt Nam bởi đây là dạng đầu tư tài chính nên rất rắc rối. Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần làm rõ về cơ chế thu phí hoàn vốn đầu tư, điều tiết nguồn lực để các nhà đầu tư an tâm’, ông Nghĩa nói.

“Nếu vay của Trung Quốc qua Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á, chúng ta có rủi ro về tỷ giá nếu vay bằng USD, vì đây là đồng tiền đầu tư tài chính quốc tế nên hay biến động vì bị lũng đoạn bởi giới đầu tư tài chính. Còn đồng Nhân dân tệ và đồng Việt Nam thì chỉ đơn giản là các đồng tiền quốc gia. Đồng nhân dân tệ không hoàn toàn thả nổi mà được Chính phủ Trung Quốc định hướng theo hướng yếu đi nên sẽ có lợi nếu chúng ta vay. Trong hoàn cảnh hiện nay, chúng ta có thể chấp nhận vay đồng Nhân dân tệ để tránh rủi ro về tỷ giá”, ông Nghĩa gợi ý.

Đồng tình với quan điểm nguồn vốn tín dụng trong nước hiện rất khó khăn, cần phải hướng đến nguồn vốn vay ở nước ngoài, song ông Nguyễn Danh Huy, Vụ trưởng – Trưởng ban PPP (Bộ GTVT) nêu ra hàng loạt vướng mắc liên quan đến cơ chế trong quá trình huy động nguồn vốn này. “Bộ GTVT đã từng lập đoàn công tác tiếp xúc với hàng chục nhà đầu tư và  khoảng 20 ngân hàng nước ngoài hàng đầu nhưng các nhà đầu tư, ngân hàng nước ngoài đều lo ngại về rủi ro về chính sách của chúng ta. Một thách thức nữa là tất cả những nhà đầu tư nước ngoài muốn đầu tư vào Việt Nam đều yêu cầu bảo lãnh về doanh thu, tỷ giá, trong khi chúng ta chưa thể đáp ứng được nên họ chưa dám đầu tư"

"Chính vì vậy, trong tờ trình đề án đường cao tốc Bắc – Nam phía Đông đoạn Hà Nội – TP.Hồ Chí Minh, Bộ GTVT đã đề xuất với Chính phủ phải có cơ chế để khơi thông nguồn vốn nước ngoài đầu tư vào hạ tầng giao thông”, ông Huy chia sẻ và cho biết thêm, nếu không khai thông được nguồn vốn ở nước ngoài, chỉ trông cậy vào nguồn vốn trong nước thì Chính phủ phải có những can thiệp nhất định, cho vay ở mức nào, thời hạn nào.

Dẫn chứng tại dự án đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, ông Nguyễn Văn Tỉnh, Tổng giám đốc Tổng công ty Phát triển hạ tầng và đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI) cho biết, trước đây, Nhà nước cam kết hỗ trợ 39% vốn cho dự án, trong đó hỗ trợ trực tiếp bằng tiền 23%. Tuy nhiên, hiện nay, nhà đầu tư không nhận được đồng nào, đặc biệt là phần GPMB.

“Chúng tôi đã đàm phán chuyển nhượng dự án với nhà đầu tư Ấn Độ với số vốn lên tới 2 tỷ USD, nhưng khi có thông tin chưa biết lúc nào dự án có tiền hỗ trợ GPMB thì họ đã dừng đàm phán ngay lập tức. Nếu cứ như vậy, chúng tôi sẽ bị phá sản oan”, ông Tỉnh chia sẻ.

“Nếu chúng ta không cam kết thì họ sẽ không dám đầu tư. Đầu tư mạo hiểm, họ có thể chấp nhận, nhưng mạo hiểm về chính sách thì sẽ không ai làm. Về mặt lợi nhuận đầu tư, chúng ta cần thực hiện theo thông lệ quốc tế, nếu lợi nhuận dưới 15% với vốn chủ sở hữu của họ bỏ vào dự án, sẽ chẳng nhà đầu tư nào dám làm đường cao tốc. Trong khi đó, các nhà đầu tư trong nước hiện nay chủ yếu là lấy công làm lãi, chứ thực tế gặp rất nhiều khó khăn”, ông Tỉnh cho biết.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.