Xã hội

Huyện thứ 50 được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới

16/04/2018, 10:52

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ ký Quyết định công nhận huyện Giao Thuỷ của tỉnh Nam Định đạt chuẩn huyện nông thôn mới.

Bachlong

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia đã ký Quyết định công nhận huyện Giao Thuỷ của tỉnh Nam Định đạt chuẩn huyện nông thôn mới năm 2017.

Sáng 16/4, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia đã ký Quyết định công nhận huyện Giao Thuỷ của tỉnh Nam Định đạt chuẩn huyện nông thôn mới năm 2017.

Đây là huyện thứ 50 của cả nước đạt chuẩn nông thôn mới, và đối với riêng tỉnh Nam Định đây là huyện thứ 5/10 huyện, thành phố trực thuộc tỉnh đạt chuẩn cùng với các huyện Hải Hậu, Nghĩa Hưng, Trực Ninh, Xuân Trường đã được công nhận trong thời gian trước. Cùng với Nam Định còn có Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Thành phố Hà Nội là những địa phương có nhiều huyện đạt chuẩn huyện nông thôn mới nhất cả nước.

Vào ngày 21/4 tới, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ sẽ có buổi làm việc với tỉnh Nam Định và trực tiếp trao Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận 4 huyện Nghĩa Hưng, Trực Ninh, Xuân Trường và Giao Thuỷ đạt chuẩn huyện nông thôn mới.

Đối với riêng huyện Giao Thuỷ, sau 3 năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia thì mới bắt đầu có 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới là Giao Hà và Bạch Long (năm 2014). Tới thời điểm này thì tất cả 20/20 xã của Giao Thuỷ đều đạt chuẩn xã nông thôn mới theo tiêu chuẩn mới về tiêu chí huyện nông thôn mới giai đoạn 2016- 2020 tại Quyết định số 588/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 5/4/2016.

Tổng kinh phí huy động xây dựng nông thôn mới của Giao Thuỷ trong 8 năm qua là hơn 2.159 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là vốn đóng góp của cộng đồng dân cư (chiếm gần 19%), vốn vay tín dụng chiếm hơn 33%, còn lại là vốn từ ngân sách nhà nước, vốn lồng ghép của các chương trình mục tiêu quốc gia.

Ngoài nguồn vốn trên, các thành phần kinh tế, tổ chức, cá nhân hộ gia đình trên địa bàn huyện còn vay gần 5.300 tỷ đồng để đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, giải quyết việc làm tại chỗ. Thu nhập bình quân đầu người của huyện Giao Thuỷ vào cuối năm 2017 đạt gần 40 triệu đồng/người/năm, trong khi mức thu nhập trung bình của người dân nông thôn của cả nước là khoảng 29 triệu đồng/người/năm.

Như vậy sau 3 năm kể từ khi hai huyện đầu tiên của cả nước được công nhận huyện nông thôn mới là Thị xã Long Khánh và Xuân Lộc (của Đồng Nai) thì tới nay cả nước đã có 50/713 huyện đạt chuẩn này, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và cảnh quan của khu vực nông thôn, thể hiện phong trào xây dựng nông thôn mới đã phát triển sâu, rộng trong đời sống chính trị- xã hội.

Trước đó, ngày 15/4, Ban chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia đã tổ chức hội nghị toàn quốc đưa ra quyết tâm “nâng cấp” Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới sang một giai đoạn mới là nông thôn mới kiểu mẫu, xây dựng khu dân cư kiểu mẫu và vườn mẫu. Với hướng đi mới này, đạt được danh hiệu nông thôn mới không có nghĩa là chính quyền và người dân dừng lại ở đó mà tiếp tục nâng cao hơn nữa về chất lượng sống, tăng cường cơ sở hạ tầng, môi trường và phát huy được những giá trị văn hoá độc đáo của vùng, miền hay của mỗi cộng đồng dân cư.

img

Thủ tướng: Dự án đường sắt đô thị TP.HCM không thể chậm hơn nữa

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.