Showbiz

Huỳnh Lập: "Có người nói tôi nam không ra nam, nữ không ra nữ"

13/10/2017, 19:05

Huỳnh Lập kể, vì vào vai giả gái nhiều nên có người nói anh nam không ra nam, nữ không ra nữ.

huynhlap

Huỳnh Lập kể, vì vào vai giả gái nhiều nên có người nói anh nam không ra nam, nữ không ra nữ.

Huỳnh Lập vừa gây chú ý khi ra mắt MV parody "Em gái mưa". Chưa đầy một ngày ra mắt, MV đã cán mốc hơn 1 triệu lượt xem trên Youtube và nhận được nhiều lời khen ngợi về sự sáng tạo, chịu đầu tư. Trước đó, "Tấm Cám - Chuyện Huỳnh Lập kể" được làm theo bộ phim "Tấm Cám - Chuyện chưa kể" cũng từng khiến cộng đồng mạng nháo nhào vì quá ấn tượng.  

Nhiều người nói, Huỳnh Lập giỏi “ăn theo” những sản phẩm nổi tiếng, ví như “Em gái mưa” hay “Tấm Cám- Chuyện Huỳnh Lập kể” vậy?

Trong mắt nhiều người vẫn luôn nghĩ parody là dạng hài ăn theo những sản phẩm nổi tiếng. Họ nghĩ tôi làm thế để mình nổi tiếng theo. Đó là cái nhìn tiêu cực của những người chưa hiểu nhiều về parody. Parody là thể loại hài phát triển mạnh ở nước ngoài, cũng là thể loại nghệ thuật đòi hỏi sự tư duy, óc sáng tạo chứ không đơn thuần chỉ là nhái theo. Nó khó so với những sản phẩm sáng tạo độc lập. Bởi nếu sáng tạo sản phẩm nghệ thuật mang tính độc lập thì mặc đồ gì cũng được, miễn sao phù hợp với bối cảnh mình đã sáng tạo ra.

Riêng parody buộc phải có tạo hình giống bản gốc, trang phục giống, bối cảnh giống. Mình phải nắm bắt những yếu tố “đinh” của sản phẩm gốc, để từ đó phát triển ra những tình huống hài hước bằng góc nhìn mới của mình. Điều thú vị của parody là có giống sản phẩm gốc hay không, có gì bất ngờ hay không, chứ nếu làm y chang, không bất ngờ thì là coppy chứ không phải sáng tạo. Thực chất, parody là song song phát triển với sản phẩm gốc, chúng tôi tăng lượt xem thì sản phẩm gốc cũng vậy. Bởi vì, để hiểu được parody thì người xem phải xem sản phẩm gốc thế nào mới có những chiêm nghiệm thú vị.

Với một sản phẩm parody chuyên nghiệp, không thể đơn phương tự làm mà phải có sự đồng ý của êkip gốc. Như “Em gái mưa”, tôi phải xin phép Hương Tràm, êkip của Tràm, Sở Văn hóa. Tôi tôn trọng tác quyền, làm dựa trên sự tôn trọng đó chứ không chỉ trích, châm biếm đả kích sản phẩm gốc.

Là một trong những người tiên phong làm hài parody chuyên nghiệp tại Việt Nam, điều gì gây khó khăn nhất với anh?

Khó nhất vẫn là kinh tế, vì làm nghệ thuật luôn gắn liền với kinh tế. Nếu không có kinh tế thì khó có thể làm nghệ thuật thăng hoa. Bởi có trong tay 10 triệu thì làm sản phẩm 10 triệu, nhưng có 100 triệu thì sản phẩm sẽ được đầu tư hoành tráng hơn, nghiêm túc, đầy đủ hơn. Tôi cũng có tiền trang trải cho cuộc sống, nhưng để đầu tư cho một sản phẩm tới nơi tới chốn thì cần rất nhiều tiền. Thường thì khi không tìm được tài trợ, tôi phải móc tiền túi của mình ra hay vay mượn bạn bè, rồi trả nợ sau.

Nhưng cũng may tôi được trời thương, nhà tài trợ thương, để thi thoảng đến phút cuối là được nhà tài trợ đồng ý, để mình có thêm tiền làm dự án tốt hơn.

lap2

Huỳnh Lập và bạn diễn Quang Trung trong MV parody "Em gái mưa".

Chi phí cho bản quyền có tốn kém?

Cũng tùy thôi. Anh chị em nghệ sĩ yêu thương nhau thì có thể san sẻ với nhau bình thường, không cần bản quyền. Như với Hương Tràm, mọi người yêu mến nhau. Tôi mê giọng hát của Tràm, Tràm mê lối hài của tôi nên hai anh em chia sẻ với nhau. Tôi chỉ xin phép là Tràm đồng ý liên, chứ không phải mua bản quyền.

Việc nghệ sĩ giả gái thời gian qua vấp phải nhiều phản ứng trái chiều, nhưng anh lại thường được ủng hộ khi giả gái. Anh nghĩ lý do vì sao?

Tôi nghĩ là do mình có duyên (Cười). Nghệ sĩ Hữu Châu có nói, một người giả gái để người khác tin thì người đó phải đại duyên. Hóa thân mà không làm người khác thấy phản cảm, để họ tin mình là con gái mới là sự thành công. Tôi giả gái không phải để chọc cười. Nếu bạn để ý nét diễn của tôi trong “Em gái mưa”, bạn sẽ thấy tôi diễn nhẹ nhàng, gần đúng với tính cách của nhân vật gốc. Tôi cứ thể hiện đúng tính cách nhân vật của mình, tự nhiên mọi người sẽ thích vì dễ thương, gần gũi, chứ không phải mình cố gắng gượng để diễn hài.

Theo anh, chất riêng của mình khi giả gái là gì?

Mỗi hoàn cảnh, nhân vật sẽ có cách khai thác khác nhau. Với tôi, tôi cứ làm cho người ta tin mình là con gái trước. Người ta thường nghĩ con gái thì phải hiền thục, tôi lại luôn muốn khai thác những điều ngược lại, có chút mạnh bạo hơn. Người ta thấy hợp lý thì sẽ cười.

t4

 

Nhưng đã có những phản hồi nào khiến anh bị tổn thương chưa?

Có nhiều chứ! Người ta nói sản phẩm của tôi xàm, nhảm, làm mất thời gian của họ. Nhưng đó là vì họ không hiểu về parody. Ngoài ra, cũng có người nói tôi là nam không ra nam, nữ không ra nữ. Với những người đó, họ nói thế cũng chứng tỏ tầm tri thức của họ không cao nên tôi không quan tâm nhiều. Tôi chỉ buồn rằng, tại sao họ cứ phải xúc phạm người khác trong khi mình chẳng làm tổn hại gì đến họ?

Thành danh với những vai diễn giả gái, đồng tính, anh có lo ngại vai diễn “ám” vào cuộc đời mình?

Nếu mọi người tiếp xúc với tôi ở ngoài sẽ thấy, tôi không bị ảnh hưởng gì cả. Huỳnh Lập ở bên ngoài khác với khi hóa thân thành nhân vật. Mỗi nhân vật tôi hóa thân có cá tính khác nhau. Vả lại, mỗi khi giả gái, tôi phải cân đo đong đếm có hợp với mình không rồi mới làm, chứ không làm bừa.

Những vai diễn ấy mang tới cho anh những gì?

Những vai diễn đó giúp tôi tới gần hơn với khán giả. Mọi người biết tôi nhiều nhờ những vai đó. Trong "Sài Gòn, anh yêu em" là vai đồng tính, "Lô tô" là vai chuyển giới. Tôi cũng hóa thân vào nhiều nhân vật khác, nhưng những vở ấy không có truyền thông cao. Tôi nghĩ đó là cái duyên thôi, chứ vai nào tôi cũng diễn được. Giống như tôi giả gái vài lần, lần sau cứ nghĩ tới giả gái, người ta nghĩ tới Huỳnh Lập. Tự dưng tôi bị đóng đinh với vai giả gái.

Tôi cũng đa năng. Tôi có thể sống bằng nghề biên kịch, diễn viên, đạo diễn… chứ không chỉ sống với những vai diễn giả gái.

Hiện nay nổi tiếng, anh đã sắm gì cho mình để bằng bạn bằng bè?

Hiện tại, tôi cũng đã mua được nhà ở TP.HCM, mua được xe hơi riêng để tự phục vụ cho công việc đi lại của mình. Cũng có những khoản để giúp đỡ gia đình hàng tháng. Về mặt kinh tế hiện tại của tôi cũng tạm ổn định.

Cảm ơn anh!

>>> Xem thêm video:

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.