Hồ sơ tài liệu

Hy Lạp “cúi đầu” để nhận cứu trợ 86 tỷ euro

17/07/2015, 05:21

Cuối cùng, Quốc hội Hy Lạp đã thông qua dự luật về những cải cách khắc nghiệt của các chủ nợ...

 

Nguoi bieu tinh
Người biểu tình và cảnh sát đụng độ bên ngoài tòa nhà Quốc hội - nơi các nghị sĩ đang bỏ phiếu thông qua dự luật cứu trợ.

Cần thêm 8 nước

Eurozone thông quaHôm qua (16/7), với 229 phiếu thuận/ 64 phiếu chống, Quốc hội Hy Lạp đã chấp thuận những yêu cầu của các chủ nợ để đổi lấy gói cứu trợ thứ ba trị giá 86 tỷ euro. Các biện pháp cải cách đó gồm: Phê duyệt thông báo của Hội nghị thượng đỉnh châu Âu đưa ra ngày 12/7 về khủng hoảng nợ; Tăng thuế VAT lên 23% đối với các thực phẩm đã qua chế biến, nhà hàng…, 13% đối với các thực phẩm tươi, giá năng lượng, nước, 6% đối với thuốc và sách; Bãi bỏ việc giảm 30% thuế cho một số hòn đảo trừ các hòn đảo ở xa cho tới năm sau; Thuế doanh nghiệp tăng 26 - 29% đối với các công ty nhỏ; Thuế đặc biệt đối với các loại ô tô, tàu, bể bơi lớn từ 10 - 13%; thuế nông nghiệp tăng 13 -26%; Chấm dứt việc nghỉ hưu sớm cho tới năm 2022; tăng tuổi nghỉ hưu lên 67; Cơ quan thống kê Hy Lạp Elstat sẽ độc lập hoàn toàn về pháp lý.

Đảng Syriza cầm quyền đã thông qua được dự luật trên nhờ sự ủng hộ của những đảng đối lập có quan điểm ủng hộ châu Âu, trong khi một số nghị sĩ trong chính quyền, kể cả cựu Bộ trưởng Tài chính Yanis Varoufakis, đã bỏ phiếu chống. Thỏa thuận về gói cứu trợ này cần phải được Quốc hội của ít nhất là 8 nước thành viên Eurozone thông qua để được triển khai, quá trình này được dự báo sẽ mất vài tháng. Hiện mới chỉ có Quốc hội Pháp đã bỏ phiếu thông qua. Tại Hạ viện: 412 phiếu thuận/ 69 phiếu chống; tại Thượng viện: 260 phiếu thuận/ 23 phiếu chống. Theo kế hoạch, Quốc hội Đức sẽ tiến hành bỏ phiếu về thỏa thuận này vào hôm nay (17/7).

Trước đó, phát biểu với các nghị sĩ, Thủ tướng Pháp Manuel Valls nhấn mạnh, không thể có việc Hy Lạp rời khỏi Eurozone vì đó là ý tưởng nguy hiểm. Đối với những ý kiến chỉ trích rằng các điều kiện mà châu Âu đặt ra cho Athens trong gói cứu trợ là quá ngặt nghèo, ông Valls khẳng định, các điều kiện này “hoàn toàn bình thường” và những gì đó là cơ hội thực sự để phục hồi kinh tế.

Anh phản đối quyết liệt

Trong lúc chờ thỏa thuận được thực thi, Hy Lạp cần thanh toán một số khoản nợ 4,2 tỷ euro cho Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đáo hạn ngày 20/7 tới. Và Ủy ban châu Âu (EC) ủng hộ đề xuất sử dụng Cơ chế bình ổn tài chính châu Âu (EFSM) để giải quyết nhu cầu tiền mặt ngắn hạn của Hy Lạp. Theo đó, một khoản vay bắc cầu ngắn hạn 7 tỷ euro dự kiến được sử dụng cho tới khi chương trình cứu trợ mới có hiệu lực.

Tuy nhiên, đề xuất này bị Anh và Đức phản đối với lý do khoản tiền cứu trợ phải do 19 nước Eurozone cung cấp chứ không phải của toàn bộ 28 nước Liên minh châu Âu (EU). Nói với báo giới tại Brusels (Bỉ) bên lề Hội nghị Bộ trưởng Tài chính, Bộ trưởng Tài chính Anh George Osborne nói rằng, London sẽ không đóng góp bất cứ đồng nào vào khoản tiền cứu trợ Hy Lạp.

“Anh không nằm trong Eurozone, bởi vậy ý tưởng để người dân đóng thuế Anh tham gia gói cứu trợ Hy Lạp là hoàn toàn vô lý. Eurozone cần thanh toán hóa đơn của chính họ”, ông Osborne tuyên bố. Ông Osborne cũng gọi một loạt các cuộc điện thoại cho những người đồng cấp để nhấn mạnh sự phản đối của Anh về việc tham gia vào gói cứu trợ.

Năm 2010, Thủ tướng Anh David Cameron đã đạt được thỏa thuận rằng, quỹ EFSM của 28 nước EU sẽ không được sử dụng để cứu trợ cho các nước Eurozone nữa, sau khi nó được dùng để cứu trợ Ireland và Bồ Đào Nha. Việc cứu trợ là trách nhiệm của 19 thành viên Eurozone.

Căng thẳng từ Quốc hội ra ngoài đường

Cuộc tranh luận và bỏ phiếu về dự luật cứu trợ sáng qua trong bầu không khí căng thẳng từ Quốc hội ra ngoài đường. Chủ tịch Quốc hội Hy Lạp Zoe Constantopoulo đã bỏ ra ngoài trước khi diễn ra cuộc bỏ phiếu, sau đó quay lại và đưa ra bài phát biểu lên án gay gắt: Đây là “ngày đen tối nhất đối với nền dân chủ châu Âu”.

Có nghị sĩ đứng lên phản đối kịch liệt, thẳng tay xé tan bản dự thảo và vứt trước mặt các nghị sĩ khác. Hành động này không khiến nhiều nghị sĩ bất ngờ, khuôn mặt họ chỉ đượm nét buồn và căng thẳng. Trong khi bỏ phiếu đang diễn ra, hàng chục nghìn người biểu tình biến thành bạo loạn, ném bom xăng vào cảnh sát ngay tại quảng trường Syntagma trước tòa nhà Quốc hội.

                                                                                           B.T

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.