Góc nhìn

Hy Lạp lợi dụng Nga để ép châu Âu?

06/02/2015, 07:16

Những ngày qua, Chính phủ mới của Hy Lạp liên tiếp đưa ra các tuyên bố thân Nga.

112
Tân thủ tướng Hy Lạp - Alexis Tsipras (trái) và Chủ tịch Hội đồng châu Âu
Donald Tusk.

Châu Âu tự mâu thuẫn

Hôm qua, Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras có hàng loạt cuộc gặp với các nhà lãnh đạo châu Âu bày tỏ hy vọng sẽ sớm đạt được một thỏa thuận mới về giải quyết nợ công của nước này. Ông Tsipras nhấn mạnh, các giải pháp cho việc thương lượng lại các điều khoản của gói cứu trợ quốc tế trị giá 240 tỷ euro mà EU dành cho nước này.

"Bất đồng giữa Hy Lạp và Eurozone là nguy cơ đe dọa lớn nhất đối với nền kinh tế toàn cầu. Các bên liên quan cần phải hành động có trách nhiệm”.

Ông George Osborne
Bộ trưởng Tài chính Anh

Trong khi đó, Ngân hàng T.Ư châu Âu (ECB) ra thông báo, kể từ ngày 11/2 tới sẽ không thu mua Trái phiếu Chính phủ Hy Lạp, coi trái phiếu này không còn là một loại tài sản bảo đảm của ECB; Không cho phép sử dụng Trái phiếu Chính phủ hay trái phiếu do Chính phủ bảo đảm như tài sản thế chấp để vay tiền. ECB cho biết, các triển vọng đàm phán lại gói thỏa thuận cứu trợ 240 tỷ euro dành cho Hy Lạp không chắc chắn. Thông tin ngay lập tức đã khiến các thị trường chứng khoán châu Âu sụt điểm và đồng euro mất giá hơn 1% so với đồng USD.

Ngay lập tức, Bộ Tài chính Hy Lạp ra thông báo khẳng định động thái của ECB không gây bất lợi cho khu vực tài chính của nước này, khu vực tài chính của Hy Lạp vẫn được “bảo vệ đầy đủ” và các nguồn vốn khác vẫn có sẵn. Sỡ dĩ Hy Lạp tự tin như vậy, có lẽ bởi trước đó, Bộ trưởng Nông nghiệp Nga - Nikolai Fiodorvo tuyên bố sẵn sàng hỗ trợ kinh tế Hy Lạp nếu những vấn đề nợ buộc nước này phải rời khỏi Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).

Đang đi dây?

Trước đó, tân Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras cũng khiến cả EU sửng sốt khi phản đối các lệnh trừng phạt mới của khối này nhằm vào Nga vì liên quan đến cuộc khủng hoảng ở miền Đông Ukraine và tuyên bố muốn trở thành cầu nối giữa EU và Nga. Thậm chí Ngoại trưởng Hy Lạp còn nhắc đến mối quan hệ lịch sử lâu đời giữa Hy Lạp và Nga, đồng thời ông cũng không ngần ngại chỉ trích chính sách cứng nhắc hiện nay của EU đối với Nga.

Còn Bộ trưởng Quốc phòng Hy Lạp Kammenos, hôm qua, sau khi gặp Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây dương (NATO) Jens Stoltenberg tuyên bố: “Tôi đảm bảo với họ rằng mối quan hệ này (với NATO) sẽ vẫn được duy trì như trước. Chúng tôi sẽ tiếp tục hợp tác ở cấp độ chính trị và quân sự, cho dù Hy Lạp có quan hệ chính trị với Nga song đó là mối quan hệ công khai và Athens cũng sẽ duy trì mối quan hệ như vậy.

Tuy nhiên, ông Constantinos Filis, Giám đốc Viện nghiên cứu Quan hệ quốc tế tại Athens nhận thấy những động thái như vậy của Chính phủ Tsipras chưa thể nói lên rằng trong thời gian tới Hy Lạp sẽ quay ngoắt 180 độ trong chiến lược đối ngoại. Và ông Fiodor Loukianov, Chủ tịch Hội đồng chính sách đối ngoại và quốc phòng tại Moscow nhận định, ưu tiên hiện nay của Hy Lạp là thoát khỏi chương trình hỗ trợ tài chính nhiều trói buộc của EU, chứ thực tế ông Tsipras không muốn làm nảy sinh thêm vấn đề mới lúc này.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.