Thế giới giao thông

Indonesia hóa giải ác mộng tắc đường bằng “taxi trực thăng”

27/12/2017, 09:30

Thủ đô Jakarta (Indonesia) là một trong những thành phố tắc đường nhất thế giới, thiệt hại 5,5 tỷ USD/năm.

31

Trực thăng của HeliCity đón khách

Helicity tiên phong hiện thực hóa taxi trực thăng

Ý tưởng taxi trực thăng đưa khách hàng thoát khỏi ác mộng tắc đường đã được nhiều công ty như Uber, Grab tham vọng, thậm chí là công bố công khai. Uber giới thiệu UberChopper vào năm 2015 nhưng đến nay vẫn chưa thành hiện thực. Grab cũng có thời gian thu hút sự quan tâm trên thế giới khi thử nghiệm dịch vụ trực thăng GrabHeli, cho phép hành khách đi thử miễn phí.

Tuy nhiên, công ty này không nêu rõ khi nào họ sẽ đưa dịch vụ này lên hệ thống và đang tìm phương án để hiện thực hóa kế hoạch. Jababeka tại Indonesia cũng xây dựng kế hoạch ra mắt thị trường taxi bay nhưng còn đang vướng mắc ở vấn đề chi phí hoạt động và giá sản phẩm cao.

Jababeka hiện chủ yếu phục vụ việc đi lại của các giám đốc điều hành và giới thương gia giàu có, những người sẵn sàng bỏ ra khoảng 4.000 USD đối với mỗi chuyến bay trực thăng trong 2 giờ.

Nhà phân tích hàng không Alvin Lie khẳng định, nhu cầu sử dụng trực thăng làm phương tiện giao thông, thoát khỏi “ác mộng tắc đường Jakarta” luôn luôn cao. Điều khiến không nhiều nhà đầu tư dám mạnh dạn là vì bế tắc ở chi phí hoạt động “trên trời”, vượt ngoài khả năng chi trả của phần đông khách hàng.

Tính đến thời điểm này, mới có Công ty Whitesky Aviation đi tiên phong biến ý tưởng taxi trực thăng thành hiện thực tại Indonesia. Công ty của Indonesia trước đây chỉ phục vụ duy nhất một đối tượng khách hàng là các doanh nhân và nay đã mở rộng phục vụ đối tượng khách hàng trung lưu.

Whitesky Aviation đã thử nghiệm dịch vụ được gọi là HeliCity suốt một năm và mới khai trương. Qua đây, Whitesky Aviation sẽ cung cấp cho hành khách chuyến đi vòng quanh Greater Jakarta-Bandung tại khu vực phía Tây Java - những nơi khét tiếng vì tình trạng giao thông tồi tệ, đông đúc với trải nghiệm bớt căng thẳng và giảm phần lớn quãng thời gian đi lại.

Ví dụ, quãng đường 120km từ Jakarta đến Bandung mất khoảng 4 giờ đi bằng ô tô với tốc độ bình thường, 8 giờ trong mùa lễ thì nay chỉ mất khoảng 40 phút đi trực thăng. Giám đốc điều hành Whitesky, ông Denon Prawiraatmadja cho biết: “Chúng tôi đã nhận được 6 cuộc gọi/ngày” và tràn đầy hy vọng rằng những ngày sắp tới dịch vụ luôn “kín lịch”.

Cũng theo ông, vì đây là thị trường chưa được thử nghiệm nên rủi ro còn nhiều. Nếu đã có cam kết với khách hàng thường xuyên sử dụng thì việc mua hàng chục trực thăng là không vấn đề. Còn không, nếu cố đầu tư mà không có đảm bảo nào thì rủi ro rất lớn.

Helicity đã làm như thế nào?

Điều khiến HeliCity khác biệt và có khách, đó là khả năng có thể tiếp cận đa dạng khách hàng hơn - một vấn đề mà các nhà khai thác như Uber và Grab vẫn chưa thể giải quyết. Dịch vụ cho thuê máy bay trực thăng tại Indonesia hầu hết chỉ dành cho các khách hàng VIP và rất đắt.

Một chuyến bay dài 1 giờ, chở 6 khách có giá tới 60 triệu Indonesian rupiah (tương đương 107 triệu VND). Tuy nhiên, với HeliCity, giá chỉ 14 triệu rupiah cho một chuyến bay chở 4 hành khách từ Jakarta tới Bandung. Mỗi chuyến bay trong nội thành ngắn sẽ có giá 7 triệu rupiah dành cho 4 khách.

Nếu so sánh với các lựa chọn giao thông khác như đi tàu từ Jakarta-Bandung trong thời gian 3 giờ có giá 80.000 rupiah thì giá dịch vụ HeliCity cao hơn. Tuy nhiên, đây vẫn là cái giá phải chăng so với các dịch vụ cùng loại, tạo điều kiện cho ngày càng nhiều người tiếp cận.

Giám đốc điều hành Whitesky, ông Denon Prawiraatmadja cho biết, để đưa ra cái giá cạnh tranh đó, công ty đã xây dựng quan hệ hợp tác đặc biệt với các nhà sản xuất nước ngoài như công ty trực thăng Textron Bell có trụ sở tại Texas.

Textron Bell đưa ra cho Whitesky những điều khoản thanh toán đặc biệt trong đó cho phép mở rộng khoảng thời gian thanh toán tiền mua máy bay. Qua đó, chi phí sản xuất hàng tháng và hàng năm của công ty sẽ rẻ hơn, nhờ vậy mới có thể hạ giá vé hành khách.

Một chiến lược tích cực khác mà Whitesky thực hiện để biến kế hoạch taxi bay thành hiện thực đó là ký một thỏa thuận với nhà khai thác sân bay quốc doanh PT Angkasa Pura (AP) II để xây dựng một bãi đỗ cho trực thăng trị giá 260 tỉ rupiah (tương đương 150 triệu USD) gần sân bay quốc tế Soekarno-Hatta ở ngoại ô Jakarta và cung cấp dịch vụ cho thuê trực thăng phục vụ sơ tán y tế trực tiếp và các chuyến bay VIP đến và đi từ sân bay.

Công ty này cũng hợp tác với Bộ Du lịch Indonesia để thúc đẩy các chiến dịch quảng bá. Tờ Bưu điện Hoa Nam nhận định, dịch vụ HeliCity của Whitesky có lẽ là động lực để thúc đẩy thị trường cho thuê trực thăng vốn có không ít công ty ấp ủ dịch vụ này nhưng vẫn còn chần chừ, qua đó, giúp ngày càng nhiều người dân Indonesia thoát ác mộng tắc đường.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.