Góc nhìn

Iran: Đàm phán với Mỹ “vô ích như cố vắt sữa cừu đực”

04/08/2018, 10:18

Tổng thống Mỹ Donald Trump gợi ý một cuộc đàm phán thượng đỉnh với lãnh đạo cao nhất của Iran.

0308 Trump

Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp Iran Hassan Rouhani

Nhưng, theo các nhà quan sát, Tổng thống Iran Hassan Rouhani lại chỉ gặp đối tác Mỹ khi chắc chắn Tehran sẽ đạt được một thứ gì đó từ cuộc gặp.

Sự lên ngôi của quan điểm hiếu chiến

Nhiều người đã nghĩ rằng, Tehran có thể chào đón tuyên bố gần đây của Tổng thống Mỹ Donald Trump như một sự cứu trợ kịp thời cho nền kinh tế quốc gia Hồi giáo. Đồng nội tệ của Iran đã mất 80% giá trị trong năm qua và gần 20% chỉ trong vài ngày qua. Các nhà đầu tư nước ngoài đã rời Iran để tránh các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ sẽ có hiệu lực trong chưa đầy một tuần nữa.

Ông Trump cách đây vài ngày đã tuyên bố “sẵn sàng gặp gỡ người đồng cấp Iran bất cứ lúc nào họ muốn mà không có điều kiện tiên quyết”. Thế nhưng, chính quyền ông Rouhani phản ứng với gợi ý của ông Donald Trump bằng sự thờ ơ tập thể, một lập trường cứng rắn mà dự đoán sẽ khó lung lay theo thời gian.

Các chuyên gia trên tờ Atlantic chỉ ra rằng, đây không phải lần đầu tiên Tehran khước từ một cuộc họp với Mỹ. Tổng thống Trump đã cố gắng gặp người đồng cấp Rouhani vào tháng 9 năm ngoái, bên lề một phiên họp của Đại hội đồng Liên hợp quốc. Nhưng bài phát biểu với những lời gay gắt từ phía Washington nhằm vào Tehran trong phiên họp đó đã ngăn cản các nhà lãnh đạo Iran đồng ý bất kỳ cuộc đàm phán tiềm năng nào với Mỹ. Sau đó, ông Trump tiếp tục công kích Tehran cả trên mạng xã hội lẫn trong các tuyên bố với báo chí.

Kể từ đó, tình hình trở nên xấu đi. Chính quyền Trump đã đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân đã ký với Iran (JCPOA) năm 2015. Điều này khiến chính trị gia hiếu chiến ở Iran giành được ưu thế và cho rằng, quyết định của ông Trump đã chứng minh quan điểm của họ là nước Mỹ không đáng tin cậy.

Tức giận bởi thất bại của thỏa thuận JCPOA cũng như thái độ gay gắt từ Washington và chịu các áp lực về mặt chính trị đã khiến ông Rouhani - người theo trường phái ôn hòa phải thay đổi quan điểm và trở nên cứng rắn hơn đối với Mỹ.

Iran: Đàm phán với Mỹ “vô ích như cố vắt sữa cừu đực”

Một lý do nữa khiến nước Cộng hòa Hồi giáo Iran bỏ qua lời mời đàm phán với Mỹ. Họ không định đàm phán với một nhà lãnh đạo, người vừa thẳng tay phá bỏ hoàn toàn kết quả của các cuộc đàm phán trước đó và tuyên bố công khai rằng, ông ta (Trump) đã làm như vậy để tăng cường quyền lực của mình. “Chúng tôi chỉ nói chuyện nếu ông Trump tôn trọng chữ ký của chính quyền Mỹ trong thỏa thuận hạt nhân (JCPOA)”, ông Hossein Sheikholeslam, cố vấn cấp cao của Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif nói.

Nhìn chung, các quan chức Iran đều cho rằng, không có thỏa thuận nào có thể vừa lòng với một Tổng thống Mỹ hay thay đổi như vậy. Họ nói và đưa ra một danh sách dài dẫn chứng, trong đó chỉ ra Tổng thống Trump đã rút lại chữ ký chỉ một ngày sau ký tuyên bố chung G7.

Hay việc nhà lãnh đạo Mỹ đe dọa Triều Tiên với ngôn ngữ hung hăng nhưng ngày hôm sau, ông ấy lại tặng họ những lời khen ngợi. Trong khi đó, cấp dưới của ông Trump - Ngoại trưởng Mỹ Pompeo lại là người luôn đặt ra các điều kiện tiên quyết để đàm phán với Iran cả trước và sau khi Tổng thống tuyên bố không có điều kiện tiên quyết gì.

Đối với Tehran, tất cả những điều này là bằng chứng cho thấy việc nói chuyện với Trump là “vô ích như cố vắt sữa cừu đực”, một nhà ngoại giao cấp cao của Iran đã chia sẻ với tờ Atlantic.

Chìa khóa nào xóa căng thẳng Mỹ- Iran?

Giới phân tích chỉ ra rằng, việc Mỹ đang áp dụng chiến lược “áp lực tối đa” lên Iran như cách đã làm với Triều Tiên có thể sẽ không đạt hiệu quả, mà chỉ gây ra nhiều “tác dụng phụ” có ảnh hưởng toàn cầu.

Người Iran nghi ngờ rằng, ông Trump sẽ xâm chiếm đất nước của họ. Tầng lớp tinh hoa đang nắm giữ sinh mệnh của Iran đã đánh mất đi hết phần lớn niềm tin khi nhà lãnh đạo Mỹ “xé toạc” thỏa thuận hạt nhân mất nhiều năm để đàm phán.

Hơn ai hết, Tổng thống Iran Hassan Rouhani mong muốn các cuộc đàm phán giúp đất nước ông giàu có và phát triển trong hòa bình. Nhưng nhà lãnh đạo Iran sẽ ít đặt cược vào các cuộc gặp mà kết quả của nó mơ hồ, một cố vấn chính sách đối ngoại của Iran giải thích.

Một trở ngại nữa cần phải kể đến là thiếu sự khích lệ tích cực. Điều duy nhất Tổng thống Trump chưa bao giờ ám chỉ là những gì ông ấy sẵn sàng đặt trên bàn để đổi lấy những nhượng bộ từ Iran, ít nhất để quốc gia Hồi giáo biết được rằng, nhà lãnh đạo Mỹ quan tâm đến việc thêm hay bớt các lợi ích.

Các nhà phân tích cho rằng, chìa khóa cho bước đột phá lịch sử là sự tôn trọng và có đi có lại. Trong khi ông Trump không có khả năng đề xuất với thỏa thuận hạt nhân mới, nhà lãnh đạo Mỹ vẫn có thể mở các cuộc đàm phán cùng có lợi với Iran nhằm đạt được những gì ông đã mô tả như là một “thỏa thuận thực sự”. Mỹ cũng có thể sử dụng một đặc phái viên Iran ôn hòa để thúc đẩy tích cực mối quan hệ hai nước, từ đó, có thể dẫn đến một sự hiểu biết toàn diện hơn.

Mong đợi các biện pháp trừng phạt buộc Iran phải “giơ cờ trắng” cũng giống như chờ đợi điều không bao giờ xảy ra. Nếu bây giờ ông Trump muốn nói chuyện, ông ấy nên thực hiện các bước để sửa chữa những thiệt hại đã gây ra. Đó sẽ là một nỗ lực đáng giá, báo Atlantic bình luận.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.