Góc nhìn

Iran đứng trước khả năng bị Mỹ đè nén hoặc khôi phục toàn diện

22/05/2018, 07:17

Mỹ sẽ "đè bẹp" Iran với áp lực kinh tế và quân sự, trừ khi Tehran thay đổi hành vi ở Trung Đông.

TRUMP-POMPEO

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo lắng nghe Tổng thống Trump phát biểu tại cuộc họp nội các

Chỉ vài tuần sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran (hay còn gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện - JCPOA), Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã chính thức đưa ra chính sách mới của Mỹ nhằm thay đổi tất cả mọi thứ của quốc gia Hồi giáo này trừ tên gọi.

"Mỹ sẽ "đè bẹp" Iran với áp lực kinh tế và quân sự, trừ khi Tehran thay đổi hành vi ở Trung Đông", đây là cảnh báo của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đưa ra ngày 21/5 cùng với 12 "yêu sách" của Washington đối với Tehran như là điều kiện để thảo luận một thỏa thuận hạt nhân mới.

Đây cũng là bài phát biểu đầu tiên về chính sách ngoại giao của ông Pompeo kể từ khi nhậm chức Ngoại trưởng Mỹ.

Các yêu cầu chính bao gồm: Yêu cầu Iran ngừng làm giàu uranium, không tái chế plutonium, cho phép tiếp cận không hạn chế các cơ sở hạt nhân trên khắp nước này, ngừng phát triển chương trình tên lửa đạn đạo, rút các lực lượng khỏi Syria và chấm dứt hậu thuẫn các nhóm phiến quân ở Trung Đông, thả các công dân Mỹ đang bị Iran giam giữ và chấm dứt các đe dọa hủy diệt Israel. 

Cựu lãnh đạo Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) nêu rõ: "Việc này sẽ kết thúc với những lệnh trừng phạt mạnh nhất trong lịch sử" và khẳng định việc giảm nhẹ các biện pháp trừng phạt chỉ được thực hiện khi Washington chứng kiến những thay đổi rõ ràng trong chính sách của Tehran.

Mike Pompeo

Tân Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo được biết đến là người có quan điểm cứng rắn về Iran

Tân Ngoại trưởng Mỹ cho biết nếu thỏa thuận mới thỏa mãn chính quyền của Tổng thống Donald Trump, Washington sẵn lòng dỡ bỏ tất cả các biện pháp trừng phạt kinh tế, nối lại quan hệ ngoại giao và kinh tế toàn diện với Iran.

Ông Pompeo kêu gọi sự ủng hộ của các đồng minh trong việc tìm kiếm một thỏa thuận mới; đồng thời cảnh báo Washington sẽ trừng phạt những doanh nghiệp châu Âu tiếp tục kinh doanh tại Iran mà vi phạm các lệnh trừng phạt của Mỹ. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.