Hồ sơ tài liệu

Iran sẽ bị tấn công nếu đàm phán hạt nhân đổ vỡ?

03/04/2015, 06:38

Đàm phán về chương trình hạt nhân giữa Iran và nhóm P5+1 đã phải kéo dài hơn dự kiến với những tiến triển nhỏ.

111
Đàm phán về chương trình hạt nhân giữa Iran và nhóm P5+1 chưa có kết quả
cuối cùng

Để ngỏ giải pháp quân sự

Hôm qua (2/4), Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif thông báo cuộc đàm phán hạt nhân giữa Iran và nhóm P5+1 (Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức) đã đạt được những tiến triển đáng kể, song chưa có kết quả cuối cùng. Trước đó, Ngoại trưởng Iran và người đồng cấp Mỹ John Kerry đã có cuộc đàm phán thâu đêm, kéo dài từ 21h20 ngày 1/4 đến tận 5h50 sáng 2/4 (10h50 theo giờ VN). Hiện hai điểm vướng mắc chính là cơ chế để dỡ bỏ các biện pháp cấm vận và hoạt động nghiên cứu, phát triển cơ sở hạt nhân mới của Iran.

Nhằm gây sức ép lên chính quyền Tehran, Nhà Trắng cũng lên tiếng cảnh báo rằng, một giải pháp quân sự để ngăn chặn chương trình hạt nhân của Iran vẫn là một sự lựa chọn. Ông Josh Earnest, Người phát ngôn Nhà Trắng nói: “Cách thức chúng tôi theo đuổi đối thoại với Iran vẫn không thay đổi. Tuy nhiên, trong trường hợp không thuận lợi, nhất là khi giải pháp ngoại giao không thành công, chúng tôi vẫn để ngỏ các lựa chọn khác, bao gồm cả việc phối hợp với cộng đồng quốc tế để áp đặt các biện pháp trừng phạt mạnh tay hơn với Iran nhằm buộc nước này phải quay lại bàn đàm phán. Trong trường hợp không đạt được thỏa thuận, chúng tôi cũng sẵn sàng để ngỏ giải pháp quân sự”.

Trả lời trên kênh NBC, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter cho biết, chính quyền Washington có thể sử dụng vũ lực chống Iran nếu vòng đàm phán “về thỏa thuận hạt nhân” giữa Iran và nhóm P5+1 đang diễn ra bị đổ vỡ.

Các thành viên khác của nhóm P5+1 cũng cùng chung quan điểm với Mỹ về vấn đề này. Còn ông Zarif hối thúc các cường quốc “nắm bắt” thời điểm để đạt được một thỏa thuận lịch sử và đã “sẵn sàng đưa ra cam kết nghiêm túc”.

Nỗi lo của Israel

Đáng lẽ thỏa thuận khung về chương trình hạt nhân Iran, trong đó có việc ngăn chặn nước này sản xuất bom hạt nhân phải kết thúc và ký kết trước nửa đêm 31/3. Các vòng đàm phán về vấn đề này kéo dài đã 18 tháng và sẽ khó có thể tiếp tục kéo dài hơn nữa. Nhiều khả năng, hai bên sẽ phải thỏa hiệp và đưa ra những nhượng bộ vào phút cuối. Trong trường hợp đó, hai bên sẽ tiếp tục làm việc để có một thỏa thuận chi tiết cuối cùng trước 30/6.

Về phía mình, Iran phủ nhận muốn chế tạo vũ khí hạt nhân và khẳng định chương trình của họ chỉ phục vụ mục đích dân sự. Ông Abbas Araqchi, Trưởng đoàn đàm phán hạt nhân Iran nói rằng, muốn có được một kế hoạch phác thảo về việc dỡ bỏ tất cả những biện pháp trừng phạt của quốc tế nhằm vào Iran, trước khi đồng ý một thỏa thuận. Ngoài ra, còn vướng mắc về nghiên cứu và phát triển hạt nhân của Iran trong tương lai.

Trong khi đó, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu yêu cầu nhóm P5+1 cần đòi hỏi một “thỏa thuận tốt hơn” với Iran, không nhượng bộ vì điều đó sẽ gây nguy hiểm cho nước này và hòa bình thế giới. Một tuyên bố chính thức từ phía Israel nói rằng, nếu các biện pháp ngoại giao không giải quyết được vấn đề hạt nhân của Iran, hoặc theo hướng không có lợi, thì khi đó nước này có thể sẽ quyết định tấn công vào các cơ sở hạt nhân của Iran.

Tuy nhiên, trong bối cảnh thế giới hiện nay, nhiều nhà phân tích cho rằng, một quyết định tấn công quân sự vào Iran là không hợp lý, bởi: Tấn công vào các cơ sở hạt nhân của Iran chỉ làm tụt hậu một vài năm về công nghệ; trong khi đó, nếu thỏa thuận được ký thì Iran sẽ không tiến hành các nghiên cứu hạt nhân trong 10 năm. Mặt khác, nếu bị tấn công, Iran càng có thêm lý do để phát triển vũ khí hạt nhân và Israel sẽ phải đối mặt với các hành động quân sự đáp trả trực tiếp từ Iran, cũng như gián tiếp từ các tổ chức Hồi giáo thân Iran ở khu vực Trung Đông như: Hezbollah, Hamas...

Trước đó, Israel rất tích cực vận động thắt chặt các lệnh cấm vận, gia tăng sức ép đối với Iran.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.