Giới chức Indonesia phong tỏa bắt giữ 6 đối tượng âm mưu tấn công vịnh Marinacủa Singapore bằng tên lửa từ đảo Batam ngày 5/8 |
Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Nội vụ Malaysia Ahmad Zahid Hamidi cho biết: Đông Nam Á đang là mục tiêu để Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng phát triển các cơ sở mới. Điều này càng có cơ sở nếu nhìn vào những sự việc diễn ra gần đây trong khu vực.
300 phần tử khủng bố ra tù
Hôm qua (7/8), ông Hamidi cho biết, khoảng 300 tay chân của Abu Bakar Bashir - cựu lãnh đạo tổ chức khủng bố Jemaah Islamiyah và là chủ mưu loạt vụ đánh bom đẫm máu ở Bali năm 2002, mới được ra tù. Các nguồn tin tình báo cho thấy, một số đối tượng này đã đến Batam, đảo Riau của Indonesia, gần Singapore và Malaysia, và chuẩn bị xây dựng căn cứ mới cho IS tại nơi này.
Jemaah Islamiyah từng liên hệ với Tổ chức khủng bố Al Qaeda và Taliban; từng được coi là đã bị sụp đổ sau chiến dịch trấn áp mạnh mẽ của Chính phủ Indonesia những năm vừa qua. Nhiều thủ lĩnh cùng thành viên tổ chức này đã bắt giữ và bị kết án tù giam. Tuy nhiên, hiện có nhiều thông tin cho thấy, nhóm Jemaah Islamiyah đang được gây dựng trở lại và nhiều ý kiến cho rằng, điều này có liên quan tới IS.
Những nhận định trên được đưa ra trong bối cảnh Đông Nam Á gần đây phải chứng kiến nhiều vụ tấn công do các phần tử IS tiến hành. Mới nhất, ngày 5/8 vừa qua, giới chức Indonesia đã bắt giữ 6 đối tượng với cáo buộc âm mưu tấn công Vịnh Marina - điểm thu hút đông khách du lịch nhất của Singapore, bằng tên lửa từ đảo Batam của Indonesia. Cảnh sát trưởng Indonesia Tito Karnavian xác nhận: “Những người này có mối liên hệ trực tiếp với Bahrun Naim ở Syria và mệnh lệnh của hắn là tấn công Singapore và Batam”. Điều đáng nói ở đây, Bahrun Naim, một công dân Indonesia nhưng đang chiến đấu cho IS tại Syria, cũng là kẻ chủ mưu của loạt vụ tấn công ở Jakatar hồi đầu năm 2016, khiến 8 người thiệt mạng.
Vùng xung đột thứ 3
Nói về nguyên nhân IS đang vươn sang Đông Nam Á, ông Ehmad El-Muhammady, Cố vấn của lực lượng Cảnh sát hoàng gia về các đối tượng nghi khủng bố, kiêm giảng viên Đại học Hồi giáo quốc tế tại Malaysia nhận định: “Những lãnh thổ do IS nắm quyền kiểm soát đang dần co hẹp lại, điều đó đã gây ra tác động về tâm lý đối với tổ chức này. Do đó, IS có thể mở rộng vùng xung đột thứ 2 sang các nước láng giềng tại Trung Đông hoặc sang vùng xung đột thứ 3 tại các nước Đông Nam Á”.
Trước đó, giới chức quốc phòng Mỹ cho biết, IS đã mất khoảng 45% lãnh thổ mà tổ chức này từng chiếm đóng ở Iraq và khoảng 10% lãnh thổ ở Syria. Theo ông El-Muhammady - người từng thẩm vấn hơn 50 đối tượng tình nghi khủng bố: “Các chiến binh từ châu Á mà IS đã tuyển mộ để tham chiến ở Syria và Iraq đang bắt đầu quay về nước vì cuộc chiến ở Trung Đông gặp thất bại liên tiếp. Mối nguy hiểm thực sự đó là các tay súng này sẽ quay về quê nhà ở khu vực Đông Nam Á với sự thành thục và kinh nghiệm tích lũy từ các chiến dịch trước đó ở Trung Đông và phát động chiến tranh. Hơn nữa, IS gần đây đã phát triển các cơ sở địa phương ở Đông Nam Á và hoạt động tích cực ở Philippines, Indonesia, Malaysia và Bangladesh”.
Sau vụ phát hiện âm mưu tấn công vào Singapore, Malaysia đã tăng cường các biện pháp an ninh nhằm ngăn chặn khủng bố, trong đó có việc thu giữ các vũ khí hạng nặng như súng máy và chất nổ. Thứ trưởng Bộ Nội vụ Malaysia Nur Jazlan Mohamed đánh giá ở thời điểm hiện tại, Malaysia chưa lo ngại về các vụ tấn công tiềm tàng khi chưa xuất hiện các nguy cơ khủng bố cao, trong khi các đối tượng khủng bố chưa có khả năng sở hữu vũ khí hạng nặng do lực lượng an ninh Malaysia luôn giám sát chặt chẽ vấn đề này.
Ông kêu gọi người dân quan tâm tới những dấu hiệu khả nghi ở hành lý hoặc đồ vật, nhất là tại những nơi đông người như nhà ga, bến xe, sân bay, khách sạn… để kịp thời thông báo cho cơ quan chức năng.
Còn Singapore, mục tiêu của âm mưu tấn công bất thành, cũng cho biết, cảnh sát và các cơ quan chức năng đã được tăng cường thực hiện các biện pháp bảo đảm an ninh trên cả nước và các khu vực biên giới, đặc biệt trong bối cảnh ngày mai (9/8) là ngày Quốc khánh. Theo Bộ trưởng Nội vụ Singapore K. Shanmugam, khủng bố đang lựa chọn những cách thức tấn công khác nhau và quan ngại chúng tìm mọi cách xâm nhập Singapore hoặc tìm tấn công từ bên ngoài. Ông Shanmugam cũng nhấn mạnh, âm mưu tấn công hụt trên cũng là ví dụ điển hình của những cuộc tấn công theo hình thức “sói đơn độc” từ những cá nhân, nhóm người bị tiêm nhiễm tư tưởng cực đoan trong thời gian ngắn.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận