Thế giới

IS là hệ quả chính sách của Mỹ tại Trung Đông?

20/09/2014, 07:39

Nước Mỹ đang bước vào một cuộc phiêu lưu mới. Song, cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo cực đoan (IS) có minh bạch và thuận buồm xuôi gió?

Những người biểu tình ủng hộ IS
Những người biểu tình ủng hộ IS

Nhiều khả năng “đầu voi đuôi chuột”


Lịch sử chiến tranh, kể cả các cuộc chiến tranh công nghệ cao do chính nước Mỹ tiến hành những năm gần đây cho thấy, nếu không đưa bộ binh tham chiến thì không thể giải quyết tận gốc vấn đề. Trong một chiến trường với địa hình rừng núi là chủ yếu, các cuộc không kích không thể có hiệu quả cao.

Trong khi đó, các quan chức tình báo Mỹ thừa nhận, cả CIA và Tình báo Quân đội Mỹ hầu như không xây dựng được mạng lưới chân rết ở Syria trong những năm qua và giờ đây, quân đội Mỹ đang đứng trước thách thức lớn là làm thế nào lùng sục và phát hiện chính xác, đầy đủ các chiến binh IS cũng như các cơ sở của họ.


Việc tuyên bố thành lập một liên minh quốc tế chống IS là nhằm giúp Mỹ không bị rơi vào tình cảnh “một mình chống lại mafia”, tranh thủ các nguồn lực quốc tế trong bối cảnh Mỹ đang căng mình trên nhiều “mặt trận”. Tuy nhiên, muốn loại trừ một “quốc gia khủng bố” kiểu như IS cần phải có sự đồng thuận cao của cộng đồng quốc tế, trong khi ngay trong nội bộ các đồng minh và đối tác của Mỹ đã xuất hiện những dấu hiệu cho thấy Liên minh chống IS không có tiếng nói chung.


Ngoại trưởng Anh Philip Hammond cho biết, London “hoàn toàn ủng hộ cách tiếp cận của Mỹ về việc phát triển một liên minh quốc tế” chống IS, tuy nhiên, Anh sẽ không tham gia bất cứ cuộc không kích nào. Ngoại trưởng Đức Frank Walter Steinmeier khẳng định sẽ không tham gia hoạt động này.

Ngoại trưởng Pháp cho rằng, mặt trận chung chống IS cần có sự tham gia của mọi quốc gia trong khu vực, kể cả Iran, cũng như các thành viên HĐBA Liên hợp quốc. Còn Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không cho phép liên minh do Mỹ sử dụng các căn cứ không quân của nước này và không tham gia mọi chiến dịch chống phiến quân. 


Trong chuyến thăm Trung Đông vừa rồi, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã nhận được cam kết ủng hộ, tuy nhiên, thực tế cho thấy những lời hứa của thế giới Arab thường là “cuốn theo chiều gió”. Chưa kể, nhiều quốc gia khu vực Trung Đông đang âm thầm sử dụng các lực lượng không chính danh để chống lại chính quyền Bashar al-Assad ở Syria, do vậy, họ ủng hộ Mỹ một cách miễn cưỡng. 

Có chính danh?


Dường như quá căm phẫn trước việc phiến quân IS hành quyết 3 công dân Mỹ, Anh mà người ta quên đi rằng hàng nghìn tù binh và dân thường Iraq, Syria cũng đã bị lực lượng này sát hại. Phải chăng, tính mạng của ba công dân Mỹ, Anh “đắt” hơn mạng sống của hàng nghìn người Arab? Phải chăng, Mỹ phát động cuộc chiến chống lại một nhóm phiến quân cách xa nước Mỹ hàng nghìn dặm chỉ để báo thù cho hai công dân và để đảm bảo an ninh?


Trong phát biểu mới đây tại Dushanbe bên lề Hội nghị Thượng đỉnh SCO, Tổng thống Nga Vladimir Putin có nói: “Tôi có ấn tượng rằng hễ người Mỹ đụng vào cái gì, thì y như rằng họ luôn nhận được Libya hay là Iraq”.

Trong khi đó, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Alexander Lukashevich tuyên bố cuộc chiến chống lại IS cần phải tuân thủ nghiêm chỉnh luật pháp quốc tế. Các cuộc không kích IS mà không có sự ủy nhiệm của HĐBA cũng như không có sự chấp thuận của chính phủ hợp pháp ở Syria sẽ là một hành động gây hấn, vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế.

Trung Quốc cũng đã lên tiếng kêu gọi Mỹ tôn trọng chủ quyền, độc lập và sự toàn vẹn lãnh thổ của các nước liên quan trong chiến dịch không kích tại cả Iraq và Syria.


Các quan chức cấp cao của Syria và Iran đã chỉ trích chính quyền của Tổng thống Obama vì đã gạt bỏ hai nước này khỏi liên minh quốc tế chống IS ở Iraq và Syria, đồng thời đặt câu hỏi điều gì đang đứng sau cuộc chiến do Mỹ phát động này.


Nhà phân tích chính trị Yasir Qahir thuộc Viện Nghiên cứu Đạo Hồi tại Mumbai (Ấn Độ) lo ngại về một viễn cảnh tồi tệ: Thế giới Hồi giáo chia rẽ ngày càng sâu sắc với sự bất lực trong việc tìm ra giải pháp cho những sai lầm của Mỹ trong quá khứ; sự trỗi dậy của IS là “quả đắng” từ chính sách chia rẽ thế giới Hồi giáo của Mỹ tại Iraq suốt 30 năm qua.

Theo ông Qahir, ngọn lửa thù hận của IS ngày nay là hậu quả của chính sách sai lầm của Mỹ tại Trung Đông khi dùng chiêu bài “khoét sâu mâu thuẫn giữa Hồi giáo Shiite và Sunni” hòng kiểm soát khu vực này. Việc ở nước này thì chống Sunni, sang nước khác lại đàn áp Shiite, chính là nguyên nhân khiến Trung Đông trở thành một mớ bòng bong của mâu thuẫn giáo phái và đến thời điểm này không biết gỡ từ nút thắt nào. Và nước Mỹ đang gánh chịu hậu quả tai hại bởi chính sách của chính mình.

Đăng Song
 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.