Quân sự

Israel đối mặt với cuộc điều tra do đánh sập tòa nhà có các nhà báo

17/05/2021, 11:48

Phóng viên của hãng thông tấn AP đã kêu gọi Toà án Hình sự quốc tế điều tra cuộc không kích của Israel.

img

Tòa tháp Al-Jalaa bị không kích từ phía Israel

Theo hãng thông tấn AP, biên tập viên hàng đầu của hãng này là nhà báo Sally Buzbee hôm Chủ nhật 16/5 đã kêu gọi tiến hành một cuộc điều tra độc lập về cuộc không kích của Israel đã phá hủy tòa nhà al-Jalaa ở thành phố Gaza, nơi đặt văn phòng của nhiều hãng thông tấn quốc tế như AP, đài truyền hình Al-Jazeera và các phương tiện truyền thông khác.

Bà Sally Buzbee nói rằng công chúng xứng đáng được biết sự thật.

Đặc biệt, tổ chức "Phóng viên không biên giới" đã giới yêu cầu Tòa án Hình sự Quốc tế điều tra việc Israel đánh bom tòa nhà al-Jalaa nơi có các tổ chức truyền thông đang hoạt động theo hướng "tội ác chiến tranh".

Theo nhà báo Sally Buzbee, chính phủ Israel vẫn chưa đưa ra được bằng chứng rõ ràng cho hành động tấn công của họ nhằm san bằng tòa tháp al-Jalaa.

Trước cuộc tấn công, quân đội Israel đã cho các nhà báo AP và những người trong tòa nhà khoảng một giờ để sơ tán.

Chính quyền Tel Aviv khẳng định Hamas đã sử dụng tòa nhà này để làm văn phòng tình báo quân sự và phát triển vũ khí.

Phát ngôn viên quân đội Israel, trung tá Jonathan Conricus cho biết, Israel đang thu thập bằng chứng cho Mỹ, nhưng từ chối cam kết cung cấp cho báo chí trong vòng hai ngày tới.

"Chúng tôi đang ở giữa cuộc chiến", trung tá Conricus nói hôm Chủ nhật 16/5. “Việc đó đang trong quá trình xử lý và tôi chắc chắn rằng thông tin sẽ được trình bày trong thời gian thích hợp”.

Thủ tướng Benjamin Netanyahu cho biết, Israel sẽ chia sẻ bất kỳ bằng chứng nào về sự hiện diện của Hamas trong tòa nhà được nhắm mục tiêu thông qua các kênh tình báo.

Nhưng cả Nhà Trắng và Bộ Ngoại giao đều không cho biết đã có quan chức Mỹ nào được tiếp cận tài liệu này hay không.

Biên tập viên Sally Buzbee cho biết, AP đã có văn phòng làm việc tại tháp al-Jalaa trong 15 năm và chưa bao giờ được thông báo hoặc có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy lực lượng vũ trang Hamas có thể đang ở trong tòa nhà.

“Chúng tôi đang ở trong một tình huống xung đột” bà Buzbee nói. “Chúng tôi không đứng về phía nào trong cuộc xung đột đó. Chúng tôi nghe người Israel nói rằng họ có bằng chứng nhưng chúng tôi không biết bằng chứng đó là gì”.

“Chúng tôi nghĩ rằng sẽ thật phù hợp vào thời điểm này để có một cái nhìn độc lập về những gì đã xảy ra ngày hôm qua, hãy tiến hành một cuộc điều tra độc lập”, bà nói thêm.

Trong phát biểu hôm Chủ nhật 16/5, Thủ tướng Netanyahu lặp lại tuyên bố của Israel rằng tòa nhà này là văn phòng tình báo của Hamas. Khi được hỏi liệu ông có chia sẻ những bằng chứng chứng minh về điều đó trong cuộc gọi với Tổng thống Joe Biden vào hôm thứ Bảy (15/5) hay không, thì ông Netanyahu nói rằng “Tôi đã chuyển nó cho những nhân viên tình báo của chúng tôi”.

Tổ chức "Phóng viên không biên giới" có trụ sở tại Paris được biết đến với tên viết tắt tiếng Pháp là RSF cho biết, trong một bức thư gửi công tố viên trưởng của tòa án rằng các văn phòng của 23 tổ chức truyền thông quốc tế và địa phương đã bị phá hủy trong cuộc xung đột.

RSF cho biết họ có lý do chính đáng để tin rằng việc quân đội Israel cố ý nhắm mục tiêu vào các tổ chức truyền thông và cố ý phá hủy thiết bị của họ, nhằm vô hiệu hóa khả năng thông báo cho công chúng của các phương tiện truyền thông.

RSF đã yêu cầu Tòa án quốc tế có trụ sở tại thành phố The Hague của Hà Lan, đưa các cuộc tấn công gần đây vào một cuộc điều tra tội ác chiến tranh của Israel trên lãnh thổ Palestine.

Biên tập viên Sally Buzbee cho biết các nhà báo của AP đã "bối rối" sau cuộc không kích nhưng vẫn ổn và vẫn tiếp tục đưa tin. “Điều này ảnh hưởng đến quyền của thế giới được biết những gì đang xảy ra ở cả hai bên trong cuộc xung đột”, bà nói.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã nói chuyện qua điện thoại hôm thứ 15/5 với chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của AP, Gary Pruitt. Ông Blinken tuyên bố “sự ủng hộ vững chắc của ông ấy đối với các nhà báo và các tổ chức truyền thông độc lập trên toàn thế giới, đồng thời ghi nhận vai trò của họ trong việc đưa tin từ các khu vực xung đột”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.