Hồ sơ tài liệu

Joe Biden có thể chuyển toàn bộ quân đội Mỹ ở Trung Đông đến châu Á?

12/03/2021, 08:09

Hơn 8 năm qua, chính quyền Mỹ chưa thực hiện được những tuyên bố như “rút chân khỏi Trung Đông, chuyển hướng sang châu Á”...

img

Lực lượng Mỹ tại Syria

“Xoay trục chính sách”, “rút chân khỏi Trung Đông, chuyển hướng sang châu Á” là những cụm từ thường được nhắc tới khi nói đến chính sách ngoại giao của Mỹ trong gần 1 thập kỷ trở lại đây. Tuy nhiên, hơn 8 năm qua, tất cả vẫn dừng lại ở những tuyên bố.

Gần một thập kỷ loay hoay rút khỏi Trung Đông

Hai đời Tổng thống trước của Mỹ là ông Barack Obama và Donald Trump đều cho rằng, Mỹ đã lún quá sâu vào Trung Đông. Ông Obama là người đi đầu với chính sách xoay trục chiến lược của Mỹ từ Trung Đông sang châu Á.

Nhưng ngay khi Washington đang rục rịch thì cái gọi là “Cuộc cách mạng mùa Xuân Ả-rập” nổ ra, tiếp đó là nội chiến Syria rồi khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng và cuối cùng là chương trình hạt nhân của Iran đã kéo chân Mỹ lại.

Dưới thời ông Trump, vị tỷ phú bất động sản này đã rất mạnh miệng tuyên bố sẽ chấm dứt những cuộc chiến không hồi kết của Mỹ tại Trung Đông, nhưng cuối cùng lại đẩy Mỹ tới gần bờ vực chiến tranh với Iran, đồng thời triển khai thêm 14.000 lính tới khu vực này.

Và nay, sau gần 2 tháng nhậm chức, đương kim Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng đưa ra một số tín hiệu cho thấy, một trong những ưu tiên hàng đầu của ông là hạn chế liên quan tới tình hình Trung Đông.

Điều này thể hiện rõ qua cách ông Biden điện đàm với các lãnh đạo quan trọng trong khu vực này ở những ngày đầu nhậm chức.

Rất lâu sau khi chính thức trở thành Tổng thống, ông Biden mới thực hiện cuộc điện đàm đầu tiên với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu.

Và 1 tuần sau cuộc gọi này, Tổng thống Mỹ mới điện đàm với Vua Salman của Saudi Arabia. Nhưng, ngay sau đó, chính quyền Washington lại giải mật một báo cáo cáo buộc Thái tử Muhammad bin Salman là người chủ mưu, phê chuẩn thực hiện chiến dịch dẫn tới cái chết của nhà báo Jamal Khashoggi.

Ông Biden còn đề nghị đóng băng kế hoạch vận chuyển vũ khí tấn công cho Saudi Arabia, đồng thời yêu cầu đánh giá lại hoạt động bán vũ khí cho Các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất (UAE).

Ông cũng thờ ơ trong việc thúc đẩy tiến trình hòa bình Israel - Palestine trong khi đây từng là vấn đề mà 5 đời Tổng thống Mỹ trước đã theo đuổi.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cũng bắt đầu đánh giá lại các hoạt động triển khai quân Mỹ. Giới chuyên gia nhận định, đây là một động thái chuyển hướng chính sách ra khỏi vùng Vịnh.

Theo Tạp chí The Economist, Mỹ quyết tâm chuyển hướng chính sách khỏi Trung Đông là bởi những lợi ích cốt lõi như bảo vệ nguồn dầu mỏ tại Saudi Arabia và Israel - đồng minh thân cận của Mỹ đã không còn quá quan trọng.

Với Mỹ, dầu mỏ là yếu tố quyết định quyền lực và ảnh hưởng trên thế giới nên vẫn rất quan trọng. Nhưng họ chuyển sang nhập khẩu dầu từ Mexico nhiều hơn Saudi Arabia và chủ động đa dạng các nguồn dầu khác.

Israel, cường quốc sở hữu hạt nhân duy nhất trong khu vực, không còn ở trong tình trạng nguy hiểm mang tính sống còn. Ngoài ra, Trung Đông đang bị xé toạc vì sự chia rẽ đối đầu giữa các nhánh hồi giáo Sunni - Shia. Israel đã đứng cùng phía với các nước Arab theo nhánh Hồi giáo Sunni như Saudi Arabia, chống lại Iran.

Mỹ sẽ làm gì để vượt qua trở ngại lớn nhất?

Theo Tạp chí The Economist, hiện tại, chính quyền Joe Biden đang vướng ở chướng ngại lớn nhất, đó là Iran.

Thử thách đầu tiên với chính quyền ông Biden diễn ra vào giữa tháng 2 khi phiến quân theo nhánh Shia mà Iran hậu thuẫn bắn rocket vào một căn cứ không quân của Mỹ ở phía Bắc Iraq khiến một nhà thầu người Philippines thiệt mạng và một quân nhân Mỹ bị thương.

Ông Biden rất chậm rãi cân nhắc phản ứng, không tạo sức ép, chỉ trích gay gắt như chính quyền trước mà tính toán cẩn thận một lệnh tấn công nhằm vào mục tiêu của phiến quân mà Iran hậu thuẫn tại Syria. Vụ tấn công có chủ đích của ông Biden vừa rằn mặt Iran nhưng cũng không làm quá đến mức đóng mọi cánh cửa ngoại giao với nước này.

Bởi ngay từ khi nhậm chức, ông Biden cũng xác định cùng các nước đồng minh nối lại đàm phán hạt nhân với Iran. Nhưng phía Tehran đã từ chối các đề nghị gặp mặt trực tiếp với Mỹ nếu nước này không cam kết dỡ bỏ các lệnh trừng phạt trước. Song Nhà Trắng khăng khăng, Iran phải tuân thủ thỏa thuận hạt nhân rồi mới tính đến chuyện gỡ lệnh trừng phạt.

Washington và Iran đang gặp áp lực rất lớn về thời hạn hoàn tất thỏa thuận. Bởi cuộc bầu cử Tổng thống Iran chuẩn bị diễn ra vào tháng 6. Nếu không xong trước thời điểm đó, các cuộc đàm phán hạt nhân chắc chắn sẽ bị trì hoãn và gián đoạn, trong thời gian chính quyền mới của Tehran ổn định và được dự đoán sẽ có đường lối cứng rắn hơn.

Nhận định về phương hướng đưa Mỹ thoát khỏi tình hình hỗn độn tại Trung Đông và tập trung sức lực vào châu Á, các chuyên gia từ Tạp chí Foreign Policy cho rằng, Nhà Trắng của ông Biden sẽ áp dụng cách tiếp cận pha trộn giữa sự mềm mỏng của chính quyền Barack Obama với cách thức cứng rắn của ông Donald Trump.

Nhà Trắng hiện tại có rất nhiều gương mặt quen thuộc dưới thời ông Barack Obama khi Mỹ và Iran cùng 5 cường quốc Anh, Pháp, Trung Quốc, Nga, Đức đạt được thỏa thuận hạt nhân. Nhưng tất cả họ đều hiểu, bối cảnh lúc này không còn như năm 2015, Israel đang bình thường hóa quan hệ với một số quốc gia láng giềng trên vùng Vịnh, cạnh Iran.

Chưa kể, đại dịch Covid-19, giá dầu giảm và chiến lược gây áp lực tối đa của chính quyền ông Trump vừa qua đã đẩy Tehran vào thế phòng thủ. Do đó, lúc này, Tehran sẽ cần một thỏa thuận hạt nhân để thoát khỏi bế tắc hơn Mỹ.

Đạt được thoả thuận với Iran đồng nghĩa Mỹ sẽ yên tâm hơn tại Trung Đông và có thể chuyển hướng tập trung sang châu Á như ý định bao năm qua.

Năm ngoái, trên tạp chí Foreign Affairs, ông Jake Sullivans (nay là cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Biden) cùng ông Dainel Benaim (hiện là Phó trợ lý Ngoại trưởng về vấn đề Arab) đã đánh giá, dù Mỹ thay đổi mối quan tâm về lợi ích nhưng không có nghĩa Washington sẽ rời khỏi khu vực Trung Đông ngay lập tức.

“Nhưng nếu ngoại giao khéo léo, cuối cùng Mỹ có thể cắt giảm đáng kể hoạt động quân sự tại Trung Đông, tiết kiệm sức lực và ngân sách cho các mục đích quan trọng khác”, chuyên gia Jake Sullivans nhận định.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.