Thời sự Quốc tế

Joe Biden phải qua những thủ tục gì mới chính thức trở thành Tổng thống Mỹ?

09/11/2020, 05:45

Việc ông Biden có chính thức làm chủ Nhà Trắng hay không còn tùy thuộc vào một số quy trình phức tạp nữa.

img
Ứng viên Joe Biden tuyên bố chiến thắng sau khi dự đoán số phiếu đại cử tri dành cho ông sẽ vượt mức 270

Dù người ủng hộ đã ăn mừng, còn báo chí Mỹ đã gọi ông Joe Biden là “Tổng thống đắc cử”, song thực chất ngày 14/12 tới mới thực sự mang nhiều ý nghĩa. Đây chính là thời điểm các đại cử tri được lựa chọn từ ngày 3/11, trực tiếp chọn ứng viên Tổng thống theo từng bang tương ứng.

Khả năng kiểm lại phiếu, lật ngược kết quả

Cuối tuần vừa qua, trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, số phiếu đại cử tri mà ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden đã đạt được là 290, vượt con số 270 (tối thiểu để đủ điều kiện chiến thắng).

Thủ tướng Nhật Bản chúc mừng ông Joe Biden

Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga đã gửi đi thông điệp chúc mừng ông Joe Biden và bà Kamala Harris.
“Tôi mong chờ sẽ được làm việc với ông bà để thắt chặt hơn quan hệ đồng minh Nhật - Mỹ và đảm bảo hòa bình, tự do và thịnh vượng tại khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương và rộng hơn nữa”, nhà lãnh đạo Nhật Bản cho hay.
Hầu hết các quan chức Chính phủ Nhật Bản phản ứng một cách bình tĩnh trước tin tức từ truyền thông Mỹ rằng ông Biden gần như chắc chắn sẽ thắng cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ.
Nhật Bản tin rằng, việc xây dựng quan hệ tin tưởng lẫn nhau giữa lãnh đạo hai nước Nhật - Mỹ, cũng như thu xếp để ông Suga công du Mỹ và họp thượng đỉnh với ông Biden vào thời điểm thích hợp sau khi kết thúc chuyển giao quyền lực tại Mỹ là hết sức quan trọng.


Ngay tại thời điểm số phiếu của ông Biden nhích qua số cần và đủ, gần như tất cả chiến dịch của ông Joe Biden, người ủng hộ ông đều ăn mừng, còn báo chí Mỹ cũng đã gọi ông là “Tổng thống đắc cử” (President-elect - tức là người đã đủ số phiếu bầu nhưng chưa nhậm chức). Song việc ông Biden có chính thức làm chủ Nhà Trắng hay không còn tùy thuộc vào một số quy trình phức tạp nữa.

Thực chất, đến thời điểm này, mọi số liệu liên quan tới phiếu cử tri đoàn dành cho các ứng viên mới chỉ là dự đoán. Kết quả mới dừng ở phiếu phổ thông để chọn ra các “đại cử tri” trong bang - những người ủng hộ ứng cử viên mà họ muốn trở thành Tổng thống và Phó Tổng thống.

Sau ngày bầu cử, các bang sẽ kiểm đếm và chứng thực kết quả phiếu phổ thông. Khi hoàn tất, mỗi Thống đốc bang bắt buộc phải chuẩn bị giấy tờ, văn bản được gọi là “Biên bản phê duyệt phiếu bầu” càng sớm càng tốt.

Trong đó, mỗi bang sẽ liệt kê tên của cử tri, số lượng phiếu cho từng ứng viên, đóng dấu của từng khu vực và gửi lên cơ quan lưu trữ quốc gia. Hạn cuối để các bang kiểm lại phiếu và giải quyết mọi tranh chấp bầu cử ở cấp bang (nếu có) đó là ngày 8/12.

Trong lịch sử, trường hợp các bang phải kiểm đếm lại phiếu bầu là rất ít. Năm nay do phát sinh dịch bệnh khiến lượng phiếu qua thư, bỏ phiếu sớm cao. Bên cạnh sai sót trong kiểm đếm tại một số bang dẫn đến kết quả phiếu trồi sụt bất ngờ, đội vận động của ứng viên Donald Trump đã kêu gọi kiểm lại tại những bang chiến trường như Wisconsin.

Trong tương lai có thể thêm vài bang khác kiểm lại phiếu nếu cuộc đua quá sít sao, chẳng hạn như Arizona nơi ông Biden dẫn trước với tỉ lệ rất thấp hay Pennsylvania - bang chiến trường mà đáng lẽ ông Trump từng chắc thắng…

Việc kiểm lại phiếu hay không tùy thuộc vào quyết định của từng bang. Song, lịch sử bầu cử Mỹ đã cho thấy, dù có đếm lại, kết quả cuộc đua rất ít khi thay đổi. Từ năm 2000 đến nay chỉ có 3 cuộc bầu cử ghi nhận sự thay đổi sau khi kiểm lại phiếu nhưng đó đều là những cuộc bầu cử có tỷ lệ thắng - thua tách biệt rất ít.

Giáo sư Ken Kollman, nhà khoa học chính trị đến từ Đại học Michigan cho biết: “Việc soát lại phiếu trên quy mô bang hiếm khi tạo ra sự khác biệt”. Nhận định thêm về việc ông Trump kêu gọi kiểm lại phiếu, ông Kollman cho rằng: “Dù trong bất cứ trường hợp nào, một ứng viên lớn như ông Trump không nên hành động như vậy. Đây là chiến lược nguy hiểm và làm tổn hại tới nền văn minh của nước Mỹ”.

Đại cử tri vẫn có thể “lật kèo”

Dù từ ngày 7/11, nước Mỹ có thể dự đoán ông Joe Biden đạt được hơn 270 phiếu đại cử tri nhưng thực chất ngày 14/12 tới mang nhiều ý nghĩa hơn vì đây chính là thời điểm các đại cử tri được lựa chọn từ ngày 3/11, trực tiếp chọn ứng viên Tổng thống theo từng bang tương ứng.

33 bang và quận Colombia có quy định bắt buộc đại cử tri phải bỏ phiếu theo đúng nguyện vọng của cử tri phổ thông cấp bang nhưng có những bang, đại cử tri lại lật kèo bỏ phiếu cho ứng viên khác.

Sau khi phiếu bầu Tổng thống và Phó Tổng thống được kiểm, các đại cử tri phải ký vào 6 biên bản phiếu bầu và gửi kèm cùng nhiều giấy tờ quan trọng khác qua thư tới các quan chức liên quan bao gồm Chủ tịch Thượng viện. Hạn chót là ngày 23/12.

Theo Hiến pháp Mỹ, Quốc hội sẽ là trọng tài cuối cùng quyết định ứng viên có thực sự chiến thắng, tính theo từng bang hay không. Năm nay, cả Hạ viện và Thượng viện Mỹ sẽ tổ chức kỳ họp chung để kiểm đếm phiếu đại cử tri vào ngày 6/1/2021.

Khi đó, ứng viên Joe Biden hay Donald Trump đạt được trên 270 phiếu đại cử tri trở lên thì sẽ chính thức giành chiến thắng. Kết quả sẽ do người giữ vai trò Chủ tịch Thượng viện là Phó Tổng thống Mỹ đương nhiệm Mike Pence công bố.

Trong trường hợp, mỗi ứng viên chỉ nhận được số phiếu đại cử tri 269 hoặc không ai đạt qua mức 270 phiếu, Tổng thống sẽ do Hạ viện quyết định còn Phó Tổng thống do Thượng viện chọn. Người đứng đầu nước Mỹ chính thức nhậm chức vào ngày 20/1/2021.

Trump sẽ tiếp tục không thừa nhận thất bại

Ông Rudolph Giuliani - luật sư của đương kim Tổng thống Đảng Cộng hòa Donald Trump cho biết, nhà lãnh đạo Mỹ vẫn chưa thừa nhận rằng nỗ lực tái tranh cử của ông đã thất bại.

“Tất nhiên, ông ấy không thừa nhận kết quả khi có ít nhất 600.000 lá phiếu nghi vấn ở Pennsylvania” - luật sư Rudolph Giuliani nói.

Theo vị cố vấn luật của ông Trump, việc xác định các lá phiếu có hợp lệ hay không là việc mà ủy ban bầu cử địa phương và những người được ủy quyền khác phải làm.

Theo luật, trách nhiệm xem xét các phiếu bầu vắng mặt hoặc bầu qua thư, thuộc về bên cung cấp chúng. Những tài liệu này phải được thanh tra.

Ông Giuliani nhấn mạnh rằng, hành vi của đảng Dân chủ là “bằng chứng gián tiếp mạnh mẽ” về những lá phiếu giả mạo trong cuộc bầu cử vừa qua.

Người ủng hộ Trump tổ chức biểu tình khắp nước Mỹ

img
Người biểu tình ủng hộ ông Trump mang theo vũ khí. Ảnh: AP

Những người ủng hộ Tổng thống đương nhiệm Donald Trump đã tổ chức các hoạt động biểu tình bên ngoài các tòa nhà ở thủ phủ một số bang trên khắp đất nước vào những ngày cuối tuần qua, cũng giống như Trump, họ từ chối thừa nhận thất bại.

Theo hãng thông tấn AP, những người biểu tình hô vang “Mọi chuyện vẫn chưa kết thúc!” và “Hãy dừng lại hành vi trộm cắp”. Điều này diễn ra ở các thành phố như: Atlanta, Tallahassee, Austin, Bismarck, Boise và Phoenix.

Các đám đông có quy mô đa dạng từ vài chục đến vài nghìn người. Một số công khai mang theo vũ khí bên mình. Các cuộc đụng độ đã nổ ra ở một số thành phố.

Tại thành phố Atlanta, bang Georgia, khoảng một nghìn người ủng hộ ông Donald Trump tập trung gần nhà quốc hội, đã hô vang “Hãy nhốt ông ta (Biden) lại”. Ai đó đã hô vang “Đây không phải là kết thúc! Đây không phải là kết thúc!” và “Tin tức giả mạo”.

Trên các đường phố trong thành phố, người ta có thể quan sát thấy những lá cờ và biểu ngữ của các phong trào của người dân Mỹ ủng hộ Trump.

Hòa Bình

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.