Thể thao

Jose Mourinho khó xây đế chế hùng mạnh ở M.U

28/03/2016, 06:29

Nếu Mourinho dẫn dắt M.U và ra đi, “di sản” mà ông để lại cho người kế nhiệm sẽ là một đống đổ nát.

151215191033_jose_mourinho__640x360_pa_nocredit
HLV Jose Mourinho

Mourinho không phải một hiệp sĩ

Thời gian gần đây, thông tin HLV Jose Mourinho dẫn dắt M.U xuất hiện ngày một dày đặc trên các trang báo thể thao, nhất là trong hoàn cảnh vị thuyền trưởng đương nhiệm Van Gaal liên tiếp gây thất vọng. Dù muốn hay không, các CĐV Quỷ đỏ cũng phải đối diện với viễn cảnh có thể M.U sẽ vắng mặt ở Champions League mùa tới. Tuy nhiên, nếu Mourinho ngồi vào chiếc ghế nóng tại Old Trafford, đó chưa hẳn đã là một nước cờ sáng suốt của BLĐ Quỷ đỏ.

Bóng đá Anh vốn đề cao tinh thần hiệp sĩ, tức là phải đá đẹp, sòng phẳng, hết mình và thực tế hầu hết các đội bóng ở xứ sương mù đều theo đuổi định hướng này. Ngược lại, ai cũng biết triết lý bóng đá của Mourinho chưa bao giờ hướng tới cái đẹp. Những đội bóng trong tay người đặc biệt thường chọn lối chơi phòng ngự, rình rập để rồi bất thình lình tung đòn kết liễu đối thủ. Bản thân Jose Mourinho cũng không thể là một hiệp sĩ khi luôn tự đề cao bản thân, coi việc gây hấn, lên án người khác như một thú vui.

Rõ ràng, những giá trị của HLV Mourinho không phù hợp với truyền thống Sir Alex đã dày công gây dựng ở Old Trafford. Dưới thời vị thuyền trưởng người Scotland, M.U có lúc trầm, lúc bổng nhưng tựu trung vẫn phải chơi hào sảng. Ai cũng thấy HLV Van Gaal bị lên án ra sao khi bắt Quỷ đỏ chơi kiểu kiểm soát bóng nhàm chán.

Thế nhưng, với Mourinho, mọi thứ sẽ trở nên tồi tệ hơn. Khi đó, M.U có thể tràn lên tấn công kiếm một bàn thắng ở đầu trận rồi cả quãng thời gian còn lại chỉ đá trên phần sân nhà nhằm bảo toàn tỷ số. Thật khó để người hâm mộ Quỷ đỏ chấp nhận thực tế này bởi bao lâu nay họ vốn quen với hình ảnh một M.U lung linh chứ không phải một M.U xấu xí, sẵn sàng làm mọi thứ để hướng tới chiến thắng.

Khó chèo lái M.U trong cả một giai đoạn dài

Xét về lâu dài, Mourinho càng không thể là phương án phù hợp cho chiếc ghế huấn luyện viên ở sân Old Trafford. Tài năng của “người đặc biệt” đã được khẳng định khi ông thành công ở rất nhiều CLB khác nhau, nhiều môi trường khác nhau. Dẫu vậy, Mourinho chỉ được coi là một huấn luyện viên tài ba chứ không phải là một nhà chiến lược đủ tầm xây dựng một đế chế hùng mạnh.

Có thể dễ dàng nhận thấy chưa một CLB nào Mourinho gắn bó được hơn ba mùa giải. Hầu hết những đội bóng dưới thời Mourinho đều trải qua ba giai đoạn gồm: Xây dựng lực lượng, lên ngôi và thoái trào. Mourinho cực giỏi trong việc tìm kiếm những cầu thủ giàu kinh nghiệm và lắp ghép họ thành một tập thể giàu sức chiến đấu, đủ khả năng đem đến thành công trong một thời gian ngắn. Chỉ có điều, tập thể đó cũng nhanh chóng rệu rã vì lý do tuổi tác. Chelsea mùa này là ví dụ điển hình nhất khi hầu hết các trụ cột xuống sức dẫn tới sa sút phong độ. M.U dĩ nhiên không mong muốn một kịch bản tương tự.

Ở một khía cạnh khác, BLĐ M.U luôn ưa thích sử dụng các cầu thủ trẻ “cây nhà lá vườn”. Những người đứng đầu sân Old Trafford vẫn đau đáu tạo ra một thế hệ vàng như thế hệ David Beckham năm 1999 và đó là lý do tại sao tráp sa thải vẫn chưa bay tới bàn làm việc của HLV Van Gaal. Ông thầy người Hà Lan dù không thành công trong việc xây dựng lối chơi bản sắc cho M.U nhưng dưới bàn tay ông rất nhiều cầu thủ trẻ đã bước ra ánh sáng. Gần nhất có thể kể tới Rashford - cái tên đem về thắng lợi cho Quỷ đỏ trong trận derby thành Manchester.

Nếu đặt niềm tin vào Mourinho, BLĐ M.U đừng nên kỳ vọng việc ông có thể khai sáng những viên ngọc thô cho đội bóng. Trong đầu Mourinho, chưa bao giờ có chỗ cho những măng non. Chính bởi vậy, những cầu thủ trẻ hoặc thui chột trên ghế dự bị hoặc bị đem bán với giá bèo. Không ai quên cách Mourinho đẩy Lukaku khỏi Chelsea và giờ đây tiền đạo người Bỉ đang khiến cả nước Anh sục sôi với màn trình diễn chói sáng trong màu áo Everton.

Bên cạnh đó, Mourinho vốn chưa bao giờ được đánh giá cao trong việc dung hòa các mối quan hệ trong đội bóng. Từ Anh tới Italia, từ Italia tới Tây Ban Nha, đi đến đâu ông cũng để lại những lùm xùm ở hậu trường. Khi là xung đột với lãnh đạo, khi xung đột với cầu thủ bởi cái tôi của Mourinho quá lớn. Một vị thuyền trưởng như vậy khó có thể thể chèo lái M.U trong cả một giai đoạn dài giống như Sir Alex. Quan trọng hơn, nếu Mourinho ra đi, “di sản” mà ông để lại cho người kế nhiệm sẽ là một đống đổ nát.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.