Xã hội

Kể chuyện làm báo giữa trùng khơi

27/08/2018, 07:25

Đối với phóng viên việc tác nghiệp tại Trường Sa và những vùng biển, đảo... là những trải nghiệm đặc biệt.

58

Các phóng viên tác nghiệp tại Trường Sa

Trường Sa: Những kỷ niệm khó phai

Trong chuyến công tác cùng Bộ Tư lệnh Hải quân và lãnh đạo một số tỉnh thăm làm việc tại quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK1 dịp tháng 4/2018, nhà báo Đỗ Đức Hoàng - Phó giám đốc Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại Đà Nẵng cầm ba lô, xách chân máy cùng nhóm phóng viên của VTV say mê tác nghiệp. Đi khắp trong và ngoài nước, từng nhiều năm là phóng viên thường trú của Đài truyền hình Việt Nam tại Mỹ, nhưng với anh Hoàng, được đến Trường Sa là một trải nghiệm đặc biệt.

Trong đoàn công tác ra Trường Sa vào dịp tháng 4/2018, có hơn 10 phóng viên nữ. Lênh đênh trên biển nhiều ngày trong điều kiện sóng gió, nhiều nữ nhà báo thường xuyên phải nằm ở buồng bệnh nhân để truyền nước vì say sóng, không thể ăn uống được gì. Tuy vậy, mỗi khi tàu cập đảo những nữ phóng viên lập tức khỏe mạnh trở lại hăng hái chụp ảnh, quay phim, phỏng vấn bởi ai cũng biết ít người có cơ hội đặt chân tới Trường Sa lần thứ 2.

Anh Hoàng tâm sự: Trong hành trình đi qua 11 đảo và nhà giàn tại Trường Sa, anh đặc biệt ấn tượng với chuyến công tác vào đảo An Bang - hòn đảo khó vào nhất của quần đảo Trường Sa. An Bang có địa hình rất đặc biệt, đảo nằm trên đỉnh thềm san hô hình cây nấm, được bao bọc bởi các tảng đá san hô lớn. Bờ Tây là một dải cát hẹp, bờ Nam bãi cát thường hay thay đổi theo mùa, vì vậy, cồn cát trắng cũng dịch chuyển xung quanh đảo. Cứ vậy, chu kỳ một năm, bãi cát lại quay về vị trí cũ. Không có tàu thuyền nào dám mạo hiểm tiến gần bờ đảo An Bang vì bước chân ra đã là mép biển xanh thẫm, với thềm san hô dựng đứng, sóng dội ầm ầm.

“Tới đảo An Bang, nhóm phóng viên chúng tôi phải trùm kín máy quay bằng những chiếc túi chuyên dụng của lực lượng hải quân phát cho, ngồi trên chiếc xuồng nhưng khó khăn mới cập được vào đảo. Tuy vậy, khi bước lên đảo là một không gian xanh mướt êm đềm đúng như câu hát “đẹp dịu dàng Tiên Nữ, An Bang”, anh Hoàng kể.

Nhà báo Trịnh Mai Anh, phóng viên báo Nhân dân trải lòng: “Tác nghiệp ở Trường Sa, phóng viên gặp nhiều khó khăn hơn tại đất liền. Nhiều khi trên tàu anh em phóng viên phải một tay bám thành tàu, một tay chụp ảnh, quay phim. Những chuyến di chuyển từ tàu vào đảo phải chuyển tải qua xuồng rất nguy hiểm bởi giữa những con sóng cao hàng mét, chiếc xuồng khi dềnh lên, khi hạ xuống phải lựa đúng thời điểm sóng đưa xuồng ngang thành tàu để nhảy xuống. Những chuyến chuyển tải đó, đối với những người không mang theo đồ nghề gì đã khó, đối với phóng viên phải mang theo máy móc, thiết bị còn khó khăn hơn nhiều, chỉ một chút sơ xuất máy ảnh, camera bị va đập, rơi xuống biển hoặc sóng tràn vào làm hỏng. Tuy nhiên, những khó khăn, vất vả lập tức tiêu tan khi chúng tôi chứng kiến những người lính Hải quân vô tư, hồn nhiên đang kiên cường giữ biển đảo”.

Đối mặt hiểm nguy

Ấn tượng nhất với các nhà báo là buổi lễ tưởng niệm 64 chiến sĩ hy sinh tại quần đảo Trường Sa. Đoàn công tác neo tàu tại vùng biển Gạc Ma - Cô Lin - Len Đao, những vòng hoa trắng, cánh hạc giấy được thả xuống biển để tưởng nhớ sự hy sinh anh dũng của 64 người lính Hải quân.

Nhóm phóng viên được phép xuống một chiếc xuồng để quay phim, chụp ảnh cảnh các đại biểu thả vòng hoa. Thật kỳ lạ những vòng hoa đó đều theo dòng nước hướng về phía Gạc Ma. Nhà báo Nguyễn Công Trạng - phóng viên quay phim Đài Truyền hình Việt Nam đề nghị thủy thủ điều khiển chiếc xuồng đi theo những vòng hoa trắng đó. Chiếc xuồng nhỏ chồm lên những ngọn sóng, đi theo những vòng hoa tới khoảng cách gần nhất. Khi trở lại tàu, nhiều người trong đoàn công tác nói “mấy phóng viên này “liều” quá, ít ai đi tới gần Gạc Ma đến vậy”. Nhưng sự liều lĩnh vì say nghề đó đã giúp họ có được những cảnh quay, bức ảnh xúc động về “những vòng hoa trắng trôi về phía Gạc Ma”.

Tới nay, nhà báo Đàm Duy Khánh, phóng viên Báo Hải Quân Việt Nam vẫn nhớ như in những kỷ niệm khi chụp những bức ảnh cuối cùng của máy bay tuần thám Casa 212 trước khi chiếc máy bay này rơi xuống biển làm 9 cán bộ chiến sĩ hy sinh. Ngày 14/6/2016, tiêm kích Su-30MK2 số hiệu 8585 gặp nạn ở vùng biển phía Đông Nghệ An, gần đảo Mắt khi đang bay huấn luyện. Bộ Quốc phòng và các lực lượng chức năng Việt Nam đã tổ chức một cuộc tìm kiếm quy mô lớn để tìm kiếm chiếc máy bay và phi hành đoàn.

Ngày 16/6/2016, máy bay tuần thám Casa 212 và Thủy phi cơ DHC - 6 của lực lượng không quân (thuộc Bộ Tư lệnh hải quân) cùng nhận lệnh đến khu vực đảo Bạch Long Vỹ để tìm kiếm máy bay SU-30 MK2. Nhà báo Đàm Duy Khánh ngồi trên chiếc DHC - 6 thực hiện nhiệm vụ quay phim, chụp ảnh quá trình tìm kiếm máy bay Su-30MK2 mất tích. 2 chiếc máy bay này cùng xuất phát tìm kiếm. Do chiếc DHC - 6 bay cao hơn Casa 212, anh Khánh đã chụp những bức ảnh của Casa 212. Tuy nhiên, chỉ ít phút sau máy bay Casa 212 mất hoàn toàn liên lạc với sở chỉ huy và sau đó được xác định đã lao xuống biển làm cả 9 thành viên phi hành đoàn tử vong. Những bức ảnh mà nhà báo Đàm Duy Khánh chụp là những bức ảnh cuối cùng của máy bay tuần thám Casa212. Mỗi lần nhắc tới kỷ niệm trong chuyến tìm kiếm cứu nạn đó, nhà báo Đàm Duy Khánh không khỏi xót xa về sự hy sinh của đồng đội mình. Tuy nhiên, anh khảng khái: Tới nay, tôi vẫn hàng năm thực hiện rất nhiều chuyến công tác trên các vùng biển, vùng trời của Tổ quốc. Đơn giản, đó là nhiệm vụ của một người lính - phóng viên như chúng tôi”.

img

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: Làm báo nhanh nhưng phải chính xác, trung thực

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.