Y tế

Kê đơn thuốc điện tử, không lo chữ bác sĩ "đánh đố" bệnh nhân

17/11/2022, 17:31

Nhờ ứng dụng công nghệ, các y, bác sĩ thực hiện công việc của mình tốt hơn và người dân sử dụng dịch vụ tiện lợi hơn.

Công nghệ thông tin kết nối khoảng cách y tế

Chia sẻ tại Hội thảo ứng dụng các giải pháp công nghệ, góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh tổ chức ngày 17/11, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, trong giai đoạn Covid-19 khó khăn nhất, ngành y tế đã triển khai thành công đề án Khám chữa bệnh từ xa và khai trương 1.000 điểm cầu trên cả nước.

Đến nay, đề án đang được các nơi tích cực triển khai với hàng vạn lượt người bệnh được tư vấn khám, chữa bệnh từ xa và lan tỏa ra khắp mọi miền Tổ quốc.

img

Ngành Y tế triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động khám, chữa bệnh

Bên cạnh đó, việc ứng dụng công nghệ mang lại nhiều lợi ích trong khám chữa bệnh, quản lý bệnh án, phục vụ bệnh nhân tốt hơn...

Tuy nhiên, ông Thuấn cũng nhìn nhận, vẫn còn những hạn chế trong việc phát triển ứng dụng công nghệ thông tin tại các cơ sở khám chữa bệnh, cụ thể: Cơ sở hạ tầng, trang thiết bị cho ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin còn chưa tương xứng với khối lượng dữ liệu y tế cần quản lý, hệ thống thông tin và các cơ sở dữ liệu còn rời rạc, chưa liên thông với nhau; An toàn thông tin và nhiều yêu cầu về công nghệ thông tin còn chậm triển khai…

Còn theo Thứ trưởng Bộ Thông tin – Truyền thông Nguyễn Huy, y tế là lĩnh vực tiên phong triển khai ứng dụng các nền tảng số dùng chung quốc gia. Từ đó, các y, bác sĩ thực hiện công việc của mình tốt hơn và người dân sử dụng dịch vụ tiện lợi hơn. Ví dụ như quét mã QR, thanh toán không dùng tiền mặt đã trở nên phổ biến sau khi dịch bệnh đã được kiểm soát.

“Chúng ta cần thống nhất với nhau rằng chuyển đổi số là để làm dễ dàng hơn, hiệu quả hơn và thuận tiện hơn cho tất cả mọi người. Nếu chuyển đổi số làm cho chúng ta phát sinh nhiều công việc hơn, làm phức tạp và tốn kém hơn thì chúng ta cần dừng lại để xem xét, đánh giá để điều chỉnh lại cho phù hợp”, ông Dũng nhấn mạnh.

Kê đơn thuốc điện tử, không phải đau đầu "dịch"

PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, chuyển đổi số trong y tế gắn liền với lợi ích thiết thực của bệnh viện, thầy thuốc và người dân.

Đơn giản nhất là việc kê đơn thuốc điện tử hay bệnh án điện tử. Nếu chuyển từ viết tay sang đơn thuốc điện tử, người dân không còn phải đau đầu dịch đơn thuốc, không lo chữ bác sĩ loằng ngoằng khó đọc nữa.

img

Ứng dụng công nghệ quét mà QR khi tiếp đón bệnh nhân tại 1 cơ sở y tế

Bên cạnh đó, đơn thuốc điện tử còn giúp các bệnh viện kiểm soát việc kê đơn, dự trù thuốc cho từng năm/giai đoạn, hạn chế tình trạng kháng thuốc kháng sinh…

Theo thống kê của Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) khi rà soát tại 732 cơ sở khám chữa bệnh trên toàn quốc cho thấy: 71% cơ sở đã thực hiện thanh toán viện phí điện tử, số còn lại thanh toán bằng tiền mặt.

Tuy nhiên, chưa đến 50% bệnh viện thực hiện đặt lịch khám trực tuyến. Con số này với bệnh viện tuyến trung ương là 70%. Bệnh nhân đặt lịch qua điện thoại là phổ biến nhất đạt gần 39%, qua website của bệnh viện hơn 28%, qua tổng đài hơn 21% và qua app hơn 11%.

Về bệnh án điện tử, qua khảo sát, còn hơn 32% cơ sở chưa triển khai. Trong số các cơ sở đã thực hiện, mới có 3% cơ sở có phần mềm quản lý được ghi chép của hồ sơ bệnh án đã được thẩm định và bỏ bệnh án giấy.

Ông Khuê cũng cho biết, trong thời gian tới sẽ tiếp tục rà soát, từng bước bổ sung, hoàn thiện các chính sách liên quan đến lĩnh vực công nghệ, chuyển đổi số trong khám chữa bệnh; định mức chi phí CNTT trong bệnh viện…

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.