Đường bộ

Kế hoạch thanh tra cần chọn lọc, trúng vấn đề nóng

14/07/2021, 17:10

Hôm nay (14/7), Thanh tra Bộ GTVT triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm công tác thanh tra chuyên ngành của các cục, tổng cục.

Thực hiện hơn 6.000 cuộc thanh tra trong 6 tháng

Theo Thanh tra Bộ GTVT, 6 tháng đầu năm, Tổng cục Đường bộ VN và các Cục chuyên ngành đã thực hiện hơn 6.000 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, qua đó phát hiện, xử phạt vi phạm hành chính hơn 2.700 trường hợp, với tổng số tiền xử phạt hơn 13 tỷ đồng.

img

Thanh tra Bộ GTVT sơ kết công tác thanh tra chuyên ngành 6 tháng đầu năm

"Kết luận thanh tra cơ bản đảm bảo nội dung, hình thức theo quy định nhưng mới cơ bản tập trung đánh giá việc chấp hành quy định của pháp luật, xử lý vi phạm qua công tác thanh tra, kiểm tra mà chưa quan tâm đến bất cập về cơ chế, chính sách để kiến nghị sửa đổi, bổ sung nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước của ngành GTVT, cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển", Thanh tra Bộ GTVT đánh giá.

Theo ông Nguyễn Xuân Sang, Cục trưởng Cục Hàng hải VN, hiện nay thanh tra chuyên ngành của ngành gặp khó khăn về biên chế công chức tại các cảng vụ và sắp xếp lại các Chi cục, đảm bảo đủ quân số hoạt động. Cục đã đề xuất bổ sung chức năng tham mưu thanh tra chuyên ngành cho các Chi cục hàng hải để có nhân lực hoạt động.

"Cục Hàng hải VN đang phải cho các cảng vụ “mượn” biên chế công chức của Cục để có điều kiện thực hiện đúng chức năng thanh tra chuyên ngành. Những nơi không có biên chế, Thanh tra Cục chủ trì phối hợp với viên chức kiểm tra của cảng vụ để thực hiện nhiệm vụ thanh tra theo kế hoạch", ông Sang nói và đề xuất: Trước mắt bổ sung chức năng tham mưu cho lực lượng Thanh tra ở hai Chi cục và giảm dần khối lượng thanh tra ở các cảng vụ. Từ đây, cảng vụ chỉ tập trung kiểm tra, nhiệm vụ thanh tra sẽ do Cục và các Chi cục đảm nhận.

Thừa nhận việc thanh, kiểm tra theo kế hoạch đang chậm so với yêu cầu, đại diện Cục Đường thủy nội địa cho hay, trong 6 tháng đầu năm, Thanh tra Cục đã có cuộc kiểm tra đột xuất hoạt động cảng bến ở Ninh Bình và Hà Nam. Đại diện Cục này cho biết đang chỉ đạo tổng điều tra phương tiện nhưng do thiếu kinh phí nên không thực hiện được. Nhiều khi phát hiện phương tiện trên sông không đăng ký, đăng kiểm nhưng không xử lý được.

“Hiện cả nước có trên 8.000 bến thủy nội địa nhưng do vướng thủ tục hành chính mới cấp phép lại được 2.000 bến. Số còn lại chưa được cấp phép nhưng việc xử lý đối tượng này cũng hết sức khó khăn”, vị đại diện cho hay.

img

Việc xử lý hành vi vi phạm chở quá tải hết sức khó khăn do đối tượng vi phạm thường có hành vi chống đối lực lượng chức năng - Ảnh minh họa

Nhiều giải pháp nâng cao chất lượng thanh tra

Ông Lâm Văn Hoàng, Chánh Thanh tra Bộ GTVT cho hay, do dịch bệnh Covid-19 kéo dài nên công tác thanh, kiểm tra chậm so với kế hoạch, đơn vị thực hiện nhiều nhất cũng mới đạt 30% kế hoạch năm, nổi bật là Cục Đường thủy nội địa dù một đoàn thanh tra nhưng vẫn chưa triển khai.

“Nguyên nhân do khách quan hay chủ quan, có bất khả kháng hay không. Tới đây, khi điều chỉnh lùi kế hoạch thanh, kiểm tra cũng cần xem xét rõ trách nhiệm”, ông Hoàng nói.

Trên cơ sở kế hoạch thanh tra đã được phê duyệt, Tổng cục, các Cục đã có kế hoạch triển khai cụ thể. Tuy nhiên, theo ông Hoàng, nội dung, hình thức, chất lượng các kết luận thanh tra còn nhiều tồn tại. Bên cạnh đó, nhiều vi phạm hành chính đã lập biên bản nhưng không xử lý vi phạm theo quy định.

“Trong từng lĩnh vực lường trước được các vấn đề nóng. Thanh tra Bộ sẽ xây dựng phần mềm cơ sở dữ liệu về thanh tra. Phần mềm sẽ thể hiện các vấn đề nóng của từng lĩnh vực để xây dựng định hướng thanh tra sát với thực tế”, ông Lâm Văn Hoàng.

Từ đây, ông Hoàng yêu cầu cần có giải pháp giải quyết các tồn tại. Trong đó, có giải pháp hạn chế tối đa điều chỉnh kế hoạch thanh tra. Đơn vị nào còn nhiều tồn tại, tới đây sẽ tập trung thanh tra trách nhiệm người đứng đầu trong lãnh, chỉ đạo công tác thanh, kiểm tra.

Cũng theo ông Hoàng, thời gian tới cũng cần phải làm tốt công tác khảo sát trước khi thành lập đoàn thanh tra để nâng cao chất lượng kết luận thanh tra. Bên cạnh đó, kế hoạch thanh tra cần chọn lọc, có trọng tâm, trọng điểm, tâm tránh dàn trải, chọn những vấn đề nóng đang được xã hội quan, xử lý ngay các vấn đề phát sinh. Làm tốt việc này sẽ tránh được tình trạng phải lùi kế hoạch thanh tra.

Cũng theo ông Hoàng, cần có cơ chế phối hợp, trao đổi thông tin giữa các đơn vị, tháo gỡ ngay các vướng mắc trong công tác thanh, kiểm tra. Bên cạnh đó, Thanh tra Bộ cũng sẽ tham mưu cho Bộ GTVT chỉ đạo chung trong toàn ngành nâng cao trách nhiệm người đứng đầu đối với lãnh, chỉ đạo công tác thanh tra của đơn vị.

Ông Hoàng Thế Lực, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Thanh tra (Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN) cho hay, công tác thanh tra theo đoàn mới thực hiện được 1/3 kế hoạch. Nguyên nhân chậm là do các đối tượng thanh, kiểm tra về bảo trì đường bộ, đào tạo sát hạch lái xe và vận tải đều nằm ở các vùng dịch. Nếu dịch được khống chế sẽ thực hiện được theo kế hoạch, ngược lại dịch diễn biến phức tạp cần điều chỉnh kế hoạch thanh tra.

Nói về xử lý vi phạm, lực lượng công chức Thanh tra tại các Chi cục không chỉ chuyên về nhiệm vụ công chức thanh tra mà phải kiêm nhiệm cả về quản lý nhà nước về bảo trì đường bộ.

“Vi phạm của ngành đường bộ có tính đặc thù, xảy ra nhanh và hoàn thành vi phạm trong thời gian ngắn. Đơn cử như hành vi đổ xe đất, làm lều quán ở hành lang hay họp chợ trên đường khi phát hiện đến nơi người vi phạm đã tự khắc phục. Bên cạnh đó, trong xử lý xe quá tải gặp nhiều khó khăn do đối tượng vi phạm chống đối lực lượng chức năng. Đây là nguyên nhân khiến số vụ phát hiện lớn nhưng xử lý vi phạm lại thấp”, ông Lực cho biết.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.