Chuyện dọc đường

Kế “sâu rễ bền gốc” nhìn từ đại dịch Covid-19

24/07/2021, 07:29

Gần 2 năm qua, dịch bệnh Covid-19 làm đảo lộn hết mọi trật tự xã hội, làm thay đổi suy nghĩ của khá nhiều người.

Táo là dụng cụ dùng để đong lúa gạo của bà con ở miền Tây Nam bộ trước đây. Một táo tương đương với 20 lít, là nửa giạ.

img

Nghỉ học để lên thành phố lớn làm thuê chỉ nên là việc bất đắc dĩ, không thể là trào lưu (Trong ảnh: Công nhân Công ty TNHH PouYuen Việt Nam có trụ sở tại TP HCM trong giờ tan ca) Ảnh: Khả Hòa

Mấy hôm trước tôi đi xuống miệt U Minh. Đang chạy xe trên đường thì có người đàn ông quơ quơ tay ra dấu để tôi dừng lại. Ban đầu, tôi tưởng anh ta xin quá giang. Ai ngờ, anh không xin đi nhờ xe mà muốn tôi đọc giùm anh cái hướng dẫn sử dụng bao thức ăn cho tôm.

Anh nói, chủ cơ sở bán thức ăn tôm có nói cách sử dụng nhưng anh không nhớ rõ, lại không biết chữ nên không đọc hướng dẫn được. Dĩ nhiên, tôi sẵn sàng dừng lại giúp anh và nhân tiện trò chuyện.

Anh bảo, trước đây người dân miệt này đi học khó khăn lắm, phải đi bằng xuồng ghe, bằng đò dọc trên các con kinh chằng chịt. Mùa khô không sao, chớ mùa mưa đôi khi quần áo sách vở ướt hết, chưa nói đến những lần chìm xuồng, chìm ghe trên đường đến trường.

Bởi chuyện đi tìm cái chữ gian nan như vậy, nên không ít người đã bỏ cuộc, trong đó có anh. Hơn nữa, dân xứ này cũng không quan tâm chuyện học hành bằng việc phải biết bắt con cá, con tôm hay hái rau, hái trái ăn cho no bụng.

Lời anh nói khiến tôi nhớ đến quan niệm của dân quê tôi trước kia, ai cũng bảo là trên đời này chỉ có lấy táo đong lúa chứ nào ai lấy táo đong chữ bao giờ. Nghĩa là mọi thứ phải ưu tiên cho cái ăn, cái mặc, chuyện học hành có cũng được, không có cũng chẳng sao.

“Đói mới chết, dốt không chết” - mấy ông mấy bà quê tôi thường hay nói vậy. Chính quan điểm đó kéo dài từ đời này sang đời khác, nên dân quê tôi ít ai chịu cho con em đi học đến nơi đến chốn.

May lắm là học để biết đọc, biết viết, rồi họ nghỉ học, ra đồng cắt lúa, hái rau, xuống sông bắt cá.

Mấy năm gần đây, ai cũng biết nông nghiệp ở miền Tây bắt đầu lao đao với bài toán được mùa rớt giá, cá tôm cũng cạn kiệt dần trên sông ngòi, kinh rạch.

Bà con miền Tây bắt đầu thấm thía cảnh ngộ khó khăn vì không thể bám đồng ruộng mà vươn lên được, thế là ai có sức khỏe, tuổi trẻ là dắt díu nhau bỏ xứ lên Bình Dương, TP HCM làm mướn tại các khu công nghiệp.

Những tưởng bà con sẽ nhận ra chỉ có con đường học vấn mới thoát nghèo bền vững, mới đưa quê hương miền Tây khởi sắc. Nhưng không, nhiều người lại cho rằng chẳng cần thiết học hành, cứ đi làm công nhân cũng dư ăn, dư để.

Mấy đứa cháu tôi và bạn bè cùng trang lứa đang học cấp ba thì nghỉ, kéo nhau lên Bình Dương, có khuyên cỡ nào cũng không được. Thậm chí, không ít sinh viên đang học đại học cũng bỏ giữa chừng, khăn gói lên thành phố làm thuê.

Khi hỏi lý do, các em bảo rằng dù tốt nghiệp đại học thì ra trường chưa chắc xin được việc, mà có xin được việc thì lương thử việc cũng chỉ bằng lương công nhân.

Nhiều bạn trẻ ở quê không thiết tha học hành. Trước kia thì không cần học vì miền Tây có lúa, có cá dồi dào, giờ không cần học thì vẫn đi làm thuê sống được.

Gần 2 năm qua, dịch bệnh Covid-19 làm đảo lộn hết mọi trật tự xã hội, làm thay đổi suy nghĩ của khá nhiều người. Các khu chế xuất, khu công nghiệp, nhà máy lần lượt đóng cửa, đẩy công nhân tứ xứ trở thành những người thất nghiệp.

Nhiều người không chịu nổi cảnh sống lay lắt nơi đất khách, đành khăn gói trở về quê, lại dựa vào ruộng rẫy cầm cự qua ngày. Có người kiên trì bám lấy thành phố, tìm cơ hội để kiếm việc làm trong cảnh ngộ hết sức khó khăn.

Nay dịch bệnh bùng phát mạnh ở TP HCM, các ông bố, bà mẹ có con em đang mắc lại ở thành phố lúc nào cũng như ngồi trên đống lửa. Nhiều người bảo, chỉ cần con cái họ về quê được một cách bình an, nghèo đói cỡ nào cũng cam lòng.

Nhiều tỉnh đang cố gắng đưa lao động của địa phương mình về quê cách ly, nhưng các tỉnh miền Tây cũng đang thực hiện giãn cách, lo cho mình còn khó, nói gì đến việc đưa bà con về quê.

Chỉ mong rằng, sau nhiều biến cố, người dân sẽ nhận ra, chuyện học hành đến nơi đến chốn để có một công ăn việc làm ổn định mới là điều căn bản để phát triển bản thân, gia đình và quê hương.

Nghỉ học để lên thành phố lớn làm thuê chỉ nên là việc bất đắc dĩ, không thể là trào lưu. Lấy táo đong chữ thay vì chỉ đong lúa như xưa mới là kế sâu rễ bền gốc.

Nhà văn Trương Chí Hùng

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.