Vận tải

Ken đặc máy bay đêm “giải cứu” Tân Sơn Nhất dịp Tết

26/12/2019, 10:02

Cục Hàng không VN khẳng định không còn khái niệm “giờ cao điểm” ở sân bay Tân Sơn Nhất trong dịp Tết. Tất cả các khung giờ đều đã “kín đặc”...

img
Tàu bay chờ cất cánh tại sân bay Tân Sơn Nhất. Ảnh Long Ethan.jpg

943 slot tại Tân Sơn Nhất đã được phân bổ hết

Cục Hàng không VN cho biết, nhu cầu khách đi lại dịp Tết Nguyên đán năm nay dự kiến tăng khoảng 12% so với Tết 2019 và tăng 22% so với thường lệ, ước đạt 12 triệu khách. Tổng số chuyến bay thực hiện dịp Tết có thể lên tới 73 nghìn chuyến, trung bình 2.350 chuyến/ngày. Riêng đối với sân bay Tân Sơn Nhất, dự kiến năm nay nhu cầu khách đi lại tăng 11% so với dịp Tết 2019, đạt 4 triệu khách, trung bình 130 nghìn khách/ngày với khoảng 30 nghìn chuyến bay đi/đến.

Cũng theo cơ quan này, năng lực khai thác tại sân bay Tân Sơn Nhất đang ở mức ở mức 44 chuyến cất, hạ cánh/giờ từ 6 - 23h, ban đêm là 32 chuyến/h.

Theo Phó cục trưởng Võ Huy Cường, đây đã là mức tới hạn của sân bay này. Cụ thể, theo ông Cường, khi điều phối các chuyến bay ở mức này, các đơn vị phục vụ mặt đất đã phải chờ trên khu đường công vụ khá lâu do tàu bay ra vào liên tục, trung bình phải mất thêm khoảng 15 phút để chạy 1,6km trong sân bay.

Liên quan đến các slot hiện có, ông Cường thông tin: “Các hãng hàng không trong nước đã thống nhất phương án chia để khai thác hết 943 slot trong ngày nhằm khai thác toàn bộ năng lực hiện có của sân bay Tân Sơn Nhất.

Tìm hiểu của Báo Giao thông, trong số 786 slot ban ngày đã được phân bổ, 2 “ông lớn” Vietnam Airlines và Vietjet đang nắm giữ mỗi hãng 240 slot. Jetstar Pacific đang “sở hữu” 91 slot, Bamboo 41 slot và Vasco 21 slot. 149 slot còn lại đang được phân bổ cho các hãng hàng không nước ngoài.

157 slot ban đêm cũng đã được “chia” toàn bộ, trong đó, Vietnam Airlines đang là hãng bay nhiều nhất với 40 slot, kế đó là Vietjet 28 slot, Jetstar 17 slot, Bamboo 12 slot và Vasco 21 slot. 39 slot còn lại là của các hãng hàng không nước ngoài.

Thông tin mới nhất của Báo Giao thông cho hay, sau khi đánh giá năng lực điều hành bay của VATM cũng như khả năng cung cấp dịch vụ tại cảng hàng không, Cục Hàng không VN dự kiến tăng giới hạn điều phối slot tại Tân Sơn Nhất lên 46 chuyến/h trong một số khung giờ, áp dụng từ giai đoạn cao điểm Tết (9/1/2020). Theo đó, mỗi ngày sẽ có thêm khoảng 14 slot. Số slot này sẽ được phân bổ đều cho các hãng hàng không Việt Nam đang khai thác tại đây.

Ngoài ra, Cục Hàng không VN sẽ tiếp tục đánh giá trong trường hợp nhu cầu hành khách tăng đột biến, mức giới hạn có thể tăng lên 46 chuyến/h hoặc xen kẽ 46 - 48 chuyến/h cho tất cả các khung giờ ban ngày và 34 chuyến/h cho các khung giờ ban đêm.

Khó tăng cường bay đêm quá nhiều

Nhiều người đặt câu hỏi, tại sao ban ngày, Tân Sơn Nhất có thể điều hành tới 44 chuyến/h, thậm chí là 46 hoặc 48 chuyến/h như dự kiến của Cục Hàng không VN trong khi ban đêm lại chỉ dừng ở 32 và tối đa là 34 chuyến/h?

Đại diện TCT Quản lý bay VN cho hay, về điều hành bay, ngày hay đêm không có khó khăn gì. Vấn đề nằm ở chỗ hạ tầng khu bay. Tàu bay bay đến cũng cần chỗ đỗ.

Đồng quan điểm, phía TCT Cảng hàng không VN (ACV) cho hay, về ban đêm, tại một số cảng như Nội Bài, Tân Sơn Nhất, các hãng có nhu cầu đậu qua đêm rất nhiều. “Nếu số lượng máy bay đậu tăng, sản lượng khai thác phải giảm. Sân bay chỉ có ngần đó vị trí đỗ, nên không phải cứ nói tăng cường bay đêm là bay được”, đại diện ACV chia sẻ.

Liên quan đến vấn đề tăng cường bay đêm phục vụ nhu cầu đi lại dịp Tết Nguyên đán, Cục trưởng Cục Hàng không VN Đinh Việt Thắng chia sẻ thêm, hiện chỉ có một số sân bay lớn như Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Đà Nẵng, Nha Trang có hoạt động bay đêm với tần suất thấp. “Chúng tôi đã chỉ đạo các hãng và sân bay chuẩn bị nguồn nhân lực, đảm bảo 100% quân số ứng trực trong dịp Tết để phục vụ hành khách”, ông Thắng nói.

Chủ tịch HĐQT ACV Lại Xuân Thanh cho hay: ACV đã sẵn sàng nhân lực, cả lực lượng an ninh hàng không để phục vụ các chuyến bay đêm tại tất cả các cảng hàng không có đèn đường băng (ngoại trừ sân bay Côn Đảo, Điện Biên, Cà Mau, Rạch Giá) chứ không riêng gì Tân Sơn Nhất hay Nội Bài.

“Để triển khai phục vụ các chuyến bay đêm khó nhất là nguồn nhân lực. Phục vụ bay đêm nghĩa là phải trực 24/7, phải đảm bảo đủ nguồn lực, trong khi tại các sân bay nhỏ, ban đêm chỉ có lác đác vài chuyến nhưng chúng tôi vẫn phải đảm bảo đầy đủ. Mặc dù vậy, ACV đã cam kết với Cục Hàng không VN. Cục cứ cấp phép bay đêm cho các hãng, ACV sẽ sẵn sàng đáp ứng, phục vụ”, ông Thanh cho hay.

Dịp Tết năm nay, Vietnam Airlines cùng Jetstar Pacific và VASCO dự kiến cung ứng gần 2,23 triệu chỗ (tương ứng 12.000 chuyến bay) trên toàn mạng nội địa. Hãng hàng không Vietjet cũng cho biết, theo kế hoạch, từ 11/1- 9/2/2020 (17 tháng Chạp tới 16 tháng Giêng), hãng này dự kiến cung cấp gần 2,5 triệu ghế trên toàn mạng bay trong nước và quốc tế. Bamboo Airways cũng đã công bố sẽ cung ứng tổng cộng gần 1 triệu ghế trên toàn mạng nội địa, tăng gần 700.000 chỗ (tương đương 3.600 chuyến bay so với cùng kỳ).

Giá vé bay đêm rẻ hơn không đáng kể

Ghi nhận của PV, đến thời điểm này, trong ngày đầu của kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Canh Tý (23/1/2020, tức ngày 29 tháng Chạp), trên chặng TP HCM - Hà Nội, mức giá thấp nhất mà hành khách có thể mua nếu muốn đi Vietnam Airlines vào khoảng 3,5 triệu đồng, không phân biệt ngày, đêm. Nếu chọn đi hạng thương gia, giá vé sẽ lên tới gần 7,5 triệu đồng.

Nếu bay Vietjet, mức giá mà khách hàng phải trả thấp hơn, chỉ khoảng 3,4 triệu đồng cho các chuyến bay ban ngày. Nếu chọn bay các chuyến muộn sau 20h, giá vé cũng rẻ hơn không nhiều, vào khoảng gần 3,1 triệu đồng. Chuyến bay VJ136 dự kiến cất cánh từ TP HCM lúc 22h40 có giá thấp nhất trong ngày cũng lên tới 2,8 triệu đồng.

Với Bamboo Airways, giá vé hạng phổ thông cho một chuyến bay đêm từ TP HCM về Hà Nội trong ngày nghỉ Tết đầu tiên của năm Canh Tý cũng lên tới 3,6 triệu đồng. Mức giá mà Jetstar Pacific cũng đưa ra mức giá không hề rẻ, khoảng hơn 3,3 triệu đồng.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.