Thế giới

Kênh đàm phán bí mật, hy vọng cuối gỡ bế tắc Mỹ - Triều

18/10/2017, 09:05

Giữa lúc căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên đang sôi sục khi hàng loạt các biện pháp trừng phạt quốc tế...

16

Phó đại sứ Triều Tiên tại LHQ cho rằng, Mỹ đang thực hiện kế hoạch lật đổ nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un

Giữa lúc căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên đang sôi sục khi hàng loạt các biện pháp trừng phạt quốc tế với Bình Nhưỡng tỏ ra ít phát huy tác dụng, một đơn vị ngoại giao bí mật của Triều Tiên tại New York bỗng chốc trở thành hy vọng mong manh cuối cùng để có thể giải quyết bế tắc hiện nay.

Không bao giờ đặt tên lửa hạt nhân lên bàn đàm phán

Căng thẳng Triều Tiên tiếp tục leo thang khi Phó đại sứ Triều Tiên tại Liên hợp quốc (LHQ) Kim In Ryong khi phát biểu tại Ủy ban Giải trừ quân bị thuộc Đại Hội đồng LHQ hôm 17/10 đã nói rằng: “Triều Tiên là đất nước duy nhất trên thế giới phải chịu mối đe dọa hạt nhân trực tiếp và nghiêm trọng của Mỹ từ những năm 70 của thế kỷ 20. Nguy hiểm hơn cả, Mỹ đang thực hiện kế hoạch bí mật nhằm lật đổ lãnh đạo tối cao của chúng tôi”.

Theo hãng thông tấn Mỹ AP, một lần nữa, vị quan chức ngoại giao Triều Tiên khẳng định, nước này có quyền sở hữu vũ khí hạt nhân để tự vệ. Theo ông Kim, năm nay, Bình Nhưỡng đã hoàn tất xây dựng “lực lượng hạt nhân quốc gia và trở thành cường quốc hạt nhân với cam kết toàn diện, sở hữu các phương tiện đủ loại từ bom nguyên tử, bom nhiệt hạch đến tên lửa đạn đạo xuyên lục địa”.

“Toàn bộ đất liền Mỹ đều nằm trong tầm bắn của chúng tôi. Nếu Mỹ dám cả gan xâm lược lãnh thổ Triều Tiên dù chỉ một centimet, họ sẽ không thể thoát khỏi sự trừng phạt của quân đội Triều Triên ở bất cứ đâu trên toàn cầu”, nhà ngoại giao này cảnh báo mạnh mẽ.

Phó đại sứ Triều Tiên tại LHQ tuyên bố rằng, kho hạt nhân và tên lửa của nước này là “tài sản chiến lược quý giá và không thể đánh đổi với bất cứ thứ gì”. “Trừ khi chính sách thù địch và mối đe dọa hạt nhân từ Mỹ bị xóa bỏ hoàn toàn, còn không, chúng tôi sẽ không bao giờ đặt vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo của mình lên bàn đàm phán trong bất cứ trường hợp nào”, ông Kim nhấn mạnh thêm.

Hãng tin Reuters còn ghi nhận một bản copy bài phát biểu của ông Kim trước ủy ban này, trong đó đe dọa “chừng nào chưa có nước khác tham gia hành động quân sự với Mỹ chống lại Triều Tiên, chừng đó, chúng tôi chưa cân nhắc sử dụng vũ khí chống lại các nước đó”. Nhưng, khi phát biểu tại Ủy ban Giải trừ quân bị, ông Kim không công bố đoạn này.

Tuyên bố gay gắt trên được đưa ra trong bối cảnh binh lính Mỹ và Hàn Quốc bắt đầu cuộc tập trận kéo dài 5 ngày. Cuộc thao dượt có sự tham gia của nhiều chiến cơ phản lực, trực thăng chiến đấu, 40 tàu hải quân, tàu ngầm từ hai nước, đặc biệt là tàu sân bay hạt nhân USS Ronald Reagan của Hải quân Mỹ.

Cuộc tập trận giữa Mỹ và Hàn Quốc được cho là nhằm thực hành cách phản ứng đáp trả trước khả năng Triều Tiên tiến hành khiêu khích và cải thiện nâng cao khả năng phối hợp vũ trang của hai nước đồng minh. Sự kiện này sẽ bao gồm các kịch bản tập trận bắn đạn thật của hải quân cũng như huấn luyện máy bay tập kích trên không chống tàu ngầm.

17

Tòa nhà văn phòng tại Manhattan nơi đặt trụ sở của “kênh New York”

“Kênh New York”

Trong khi căng thẳng Triều Tiên - Mỹ không hạ nhiệt như hiện nay, theo trang Huffington Post, nhiều chính trị gia hướng ánh mắt về một tổ chức ngoại giao được coi là nơi chuyên tổ chức các cuộc đàm phán bên lề giữa hai quốc gia với mong mỏi có thể kết nối hai nước.

Cơ quan này nằm ở khu vực trung tâm Manhattan (New York, Mỹ) được biết với tên gọi là “kênh New York”. Chịu trách nhiệm hoạt động của “kênh New York” là hai nhà ngoại giao Triều Tiên: Pak Song Il - người đại diện, phụ trách về các vấn đề Mỹ thuộc phái đoàn Triều Tiên tại LHQ và phó đại diện, ông Kwon Jong Gun.

Hai quan chức này thường xuyên gặp các nhà ngoại giao không chính danh của Washington được gọi là “Track II” – ám chỉ các cá nhân bí mật từ Hoa Kỳ có liên quan tới các cuộc đàm phán không chính thức với giới chức Triều Tiên. Các đại diện của Bình Nhưỡng cũng thi thoảng làm việc với Chính phủ Mỹ nhưng ít khi được nhắc đến.

Báo cáo của Huffington Post cho rằng, đôi khi, hai quan chức của Triều Tiên cũng giúp sức trong việc sắp xếp các lịch trình có liên quan đến giới truyền thông về Triều Tiên.

Về mặt lý thuyết, “kênh New York” là đơn vị thuộc cơ quan đại diện của Triều Tiên ở LHQ nhưng trong bối cảnh nóng bỏng hiện nay, nơi đây gần như trở thành “hòm thư” để Triều Tiên và Mỹ trao đổi thông điệp qua lại.

Theo Huffington Post, nhiều dấu hiệu chỉ ra, quan chức cả hai nước đều nhận thấy cần phải đàm phán để tháo gỡ bế tắc. Mặc dù, hiện nay, “kênh New York” còn tương đối yên ắng nhưng nó có thể trở thành trung tâm để tránh xung đột quân sự giữa Mỹ và Triều Tiên nếu cả hai nước sẵn sàng sử dụng đơn vị này một cách hiệu quả.

Hãng tin AP dẫn lời ông Joseph Yun, nhà ngoại giao Mỹ về chính sách Triều Tiên, quan chức duy nhất hiện nay của Mỹ có tiếp xúc với các đại diện của Bình Nhưỡng ở “kênh New York” cho biết: Những ngày gần đây, đơn vị này gần như hạn chế gặp các nhà ngoại giao “Track II”. Nhưng các cuộc đàm phán giữa ông Yun và ông Pak đã dẫn tới việc thả Otto Warmbier, sinh viên đại học Mỹ từng bị bắt giữ (nhưng đã qua đời sau khi được hồi hương) tại Triều Tiên.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.